Đại hội TDTT TQ lần thứ VI - 2010: Giải Việt dã toàn quốc và Bán marathon giải báo Tiền Phong lần thứ 51-2010:

Đăng ngày: 3/29/2010 12:00:00 AM - Lượt xem 3039

Sôi động bên hồ Gươm xanh

Trở về thủa ban đầu

Một trong những dấu ấn của Việt dã năm nay là sự xuất hiện của nội dung chạy đồng hành với hơn 1.000 cán bộ, viên chức, lực lượng vũ trang, học sinh sinh viên thủ đô tại giải.

Tham dự lễ Khai mạc trọng thể và cổ vũ cho cuộc đua hấp dẫn bên bờ Hồ Hoàn Kiếm sáng qua có các đồng chí Võ Văn Thưởng - Bí thư thứ Nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Vương Bích Thắng - Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của thủ đô và đông đảo người dân Hà Nội.

Chặng đường tuy không dài và có tính cách tượng trưng, không mang tính thi đấu cạnh tranh cũng như không có giải thưởng hấp dẫn song lại tràn ngập nụ cười, mạnh mẽ và tươi tắn.

Những đơn vị như các chiến sĩ PCCC, Liên đoàn điền kinh VN, Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam cùng các trường THCS trên địa bàn Hà Nội là những đơn vị tham gia tích cực nhất vào chương trình đồng hành cùng giải đấu.

Dù mới chỉ là sự khởi đầu, nhưng đáp ứng được kỳ vọng của Ban tổ chức - báo Tiền Phong, Liên đoàn điền kinh Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội - khi quyết tâm lồng ghép ý nghĩa ban đầu của việt dã là một giải phong trào quần chúng sôi động thủa những năm 1958 vào giải đấu thuần túy đỉnh cao gần đây.

Mục tiêu nâng cao thành tích chuyên môn kết hợp với mở rộng bề ngang phong trào sẽ dần trở thành hiện thực.

Cũng bởi tinh thần đổi mới của giải, ngay trước giờ xuất phát, khá nhiều VĐV nghiệp dư, trong đó có cả người nước ngoài, đã đến đăng ký thi đấu và hào hứng tham gia tranh tài cùng các VĐV chuyên nghiệp.

Tuy không thể “nuốt” trọn quãng đường 21km của nội dung bán marathon khắc nghiệt nhưng như vậy cũng đủ để các VĐV tình cờ đó thỏa mãn khát khao được chạy, được hòa mình vào không khí thi đấu sôi sục mà lãng mạn bên bờ Hồ Gươm xanh và thanh bình.

Dấu ấn Khánh Hòa

Sau lễ khai mạc ngắn gọn và trang trọng cùng chương trình biểu diễn hấp dẫn của các võ sinh CLB Wushu Hà Nội, cuộc tranh tài sôi nổi nhất chính thức bắt đầu ở nội dung 10km nam tuyển.

Niềm vui của đội Khánh Hòa khi đoạt giải Nhất toàn đoàn - Ảnh: Hồng Vĩnh


Do là nội dung mà thành tích được tính vào Đại hội TDTT toàn quốc nên các đoàn có sự tính toán chiến thuật rất chặt chẽ cho các VĐV và đây là cuộc tranh tài được cho là giữa các VĐV mạnh của Khánh Hòa, Quân Đội và TP HCM.

Với kinh nghiệm dày dặn trên đường chạy 10km và sự hỗ trợ đắc lực của đồng đội, mặc dù vấp phải sức ép quyết liệt của “dàn sao mới” trong màu áo Quân Đội, Nguyễn Đặng Đức Bảo của Khánh Hòa vẫn xuất sắc bảo vệ thành công ngôi vô địch nội dung này dù chỉ về trước người thứ nhì là Nguyễn Văn Lai của Quân Đội vỏn vẹn 9 giây nhờ nỗ lực đáng nể ở chặng nước rút cuối cùng.

Đây là lần thứ tư liên tiếp và là lần thứ sáu VĐV 27 tuổi người Khánh Hòa này chinh phục đỉnh cao 10km của Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong, dần tiến vào hàng ngũ những huyền thoại của giải với những tên tuổi lừng danh như Bùi Lương, Hoàng Minh Phước, Nguyễn Văn Thuyết, Lưu Văn Hùng hay Đặng Thị Tèo, Nguyễn Thị Hoa.

Tại nội dung 5km nữ tuyển, dù không thể qua mặt “đàn chị” Bùi Thị Hiền khi chỉ cán đích ở vị trí thứ hai và kém hơn bốn giây song cô em gái của Đức Bảo, Nguyễn Đặng Thanh Thúy - vô địch nữ trẻ năm ngoái - vẫn cùng đồng đội bảo vệ tốt vị trí thứ nhì đồng đội, góp phần giúp đoàn Khánh Hòa lập thành tích sáu lần liên tiếp vô địch toàn đoàn Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong, đoạt vĩnh viễn Cúp luân lưu danh giá.

Thanh Hằng sảy chân

Ngoài thành tích đáng nể của Nguyễn Đặng Đức Bảo và đoàn Khánh Hòa, nội dung 5km nữ tuyển chính là cự ly diễn ra bất ngờ thú vị nhất của giải năm nay.

Ở mùa giải năm ngoái, do vướng mắc về chuyển nhượng giữa TPHCM và Ninh Bình, nữ hoàng cự ly trung bình của điền kinh Việt Nam, Trương Thanh Hằng, đã không thể tham gia bảo vệ ngôi đầu của mình.

Bởi vậy, bước vào giải đấu này, Hằng rất khát khao lấy lại những gì “thuộc về mình” đồng thời “rinh” tấm HCV Đại hội về ra mắt “màu áo mới Ninh Bình”.

Nhưng trời không chiều lòng người, sau thời gian liên tục tung hoành trên đấu trường quốc tế với những tấm HCV AIG3, SEA Games 25, giải điền kinh châu Á trong nhà danh giá, Hằng lại “sụp đổ” trên sân nhà trước hai đàn em Bùi Thị Hiền và Nguyễn Đặng Thanh Thúy.

Thậm chí, thành tích của Hằng kém người về đầu tới gần 10 giây và cô gái người TPHCM này đã không giấu nổi những giọt nước mắt đắng cay ngay sau khi về đích.

Nội dung 21km nam là cuộc tranh chấp quyết liệt giữa các đấu thủ đến từ Gia Lai, Thanh Hóa và Quân Đội do Khánh Hòa “buông” nội dung khó nhằn này để tập trung “đánh” 10km.

Thật khó ngờ và cũng thật hấp dẫn là dù trải qua quãng đường 21km khắc nghiệt song Nguyễn Văn Long của Gia Lai chỉ về nhất với thời gian hơn Nguyễn Văn Sỹ về nhì hơn chục giây và người về thứ ba Nguyễn Thế Anh của Quân đội chưa tới một phút.

Trong khi đó, cô gái chủ nhà Nguyễn Thị Đông lại làm chủ đường chạy 21km nữ để tạo nên một cuộc lật đổ khác khi đánh bại nhà ĐKVĐ Phạm Thị Hiên của Thái Bình với khoảng cách tới hơn một phút.

Trong lễ tổng kết diễn ra sau đó, Tổng biên tập báo Tiền Phong  Đoàn Công Huynh đã đánh giá cao sự phối hợp giữa các đơn vị báo Tiền Phong, Liên đoàn điền kinh VN, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cùng nhà tài trợ Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam để Việt dã toàn quốc và Bán marathon giải báo Tiền Phong lần thứ 51-2010 thành công tốt đẹp trong dịp đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và cao điểm Tháng Thanh niên.

Tại lễ trao giải, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao bằng khen cho 24 tập thể và cá nhân đạt các thứ hạng nhất - nhì - ba của các nội dung.

Hai VĐV Đỗ Thị Hoài Trâm (Khánh Hòa, vô địch nữ trẻ) và Nguyễn Nhật Nam (Quảng Ninh, vô địch nam trẻ) đã được trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của T.Ư Đoàn cùng học bổng Khuyến khích tài năng trẻ của báo Tiền Phong.  

Kết quả chung cuộc

* Đoàn phong trào: Nhất: Quân đội; nhì: Lâm Đồng; ba: Khánh Hòa

* Đoàn nâng cao: Nhất: Khánh Hòa; nhì: Quân đội; ba: Hà Nội

Đồng đội

* Đồng đội nam tuyển: Nhất: Khánh Hòa; nhì: Quân đội; ba: Hà Nội

* Đồng đội nữ tuyển: Nhất: Thái Bình; nhì: Khánh Hòa; ba: Bình Định

* Đồng đội nam trẻ: Nhất: Quân đội; nhì: Quảng Ninh; ba: Khánh Hòa

* Đồng đội nữ trẻ: Nhất: Quân đội; nhì: Vĩnh Phúc; ba: Khánh Hòa

* Đồng đội nam phong trào: Nhất: Quân đội; nhì: Lâm Đồng; ba: Bà Rịa – Vũng Tàu

* Đồng đội nữ phong trào: Nhất: Vĩnh Phúc; nhì: Khánh Hòa; ba: Quân đội

Cá nhân

* Bán Marathon nam 21km : Nhất: Nguyễn Văn Long (Gia Lai) 1:09:13.0; nhì: Nguyễn Văn Sĩ (Thanh Hoá) 1:09:30.1; ba: Bùi Thế Anh (Quân đội) 1:10:12.9.

* Bán marathon nữ 21 km: Nhất: Nguyễn Thị Đông (Hà Nội) 1:17:52.3; nhì: Phạm Thị Hiên (Thái Bình) 1:18:56.7; ba: Phạm Thị Bình (Quảng Ngãi) 1:20:20.5.

* 10km nam tuyển: Nhất: Nguyễn Đặng Đức Bảo (Khánh Hoà) 32:34.2; nhì Nguyễn Văn Lai (Quân đội) 32:45.4; ba: Nguyễn Vinh Thiên (Khánh Hoà) 33:12.7.

* 5 km nữ tuyển: Nhất: Bùi Thị Hiền (Thái Bình) 17:55.5; nhì: Đặng Thanh Thuý (Khánh Hoà) 17:59.8; ba: Trương Thanh Hằng (Ninh Bình) 18:04.3.

* 7km nam trẻ: Nhất: Nguyễn Nhật Nam (Quảng Ninh)22:01.3; nhì Nguyễn Văn Tiến (Quân đội) 22:01.9; ba: Đỗ Quốc Luật (Quân đội) 22:09.5

* 3km nữ trẻ: Nhất: Đỗ Thị Hoài Trâm (Khánh Hoà) 10:32.3; nhì: Hoàng Thị Lý (Vĩnh Phúc) 10:40.6; ba: Trần Thị Duyên (Hải Dương) 10:41.6.

*7km nam phong trào: Nhất: Nguyễn Văn Bùi (Quân đội); nhì: Trần Văn Ca (Bà Rịa - Vũng Tàu); ba: Đoàn Ngọc Hoàng (Lâm Đồng).

*  3km nữ phong trào: Nhất: Trần Thị Hoa (Thái Bình); nhì: Lưu Thị Ngát (Vĩnh Phúc); ba: Trần Thị Mai (Hải Dương).

Theo Tiền Phong

 

Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT