Nhà kinh doanh thể thao giải trí trên biển Pascal Lefebvre - Vì yêu…

Đăng ngày: 5/26/2009 12:00:00 AM - Lượt xem 5413

Forbes kể chuyện Nicola Andreatta (nhà sản xuất đồng hồ N.O.A) nhiệt tình tài trợ cho cuộc thi windsurf (lướt ván buồm) Fun Cup ở Mũi Né 8 năm nay.  Nhưng ít ai biết, “cha đẻ” của Fun Cup là một người nước ngoài mê sóng, gió Mũi Né còn hơn Andreatta. Người này vừa phối hợp với CLB thuyền buồm Sài Gòn (Saigon Yatch Club) tổ chức Liberty Cup lần 2 vào cuối tháng 4 và sắp triển khai tiếp cuộc thi 3 môn phối hợp lần thứ 8… Đấy là Pascal Lefebvre.

Yêu thể thao và... yêu em
 

Đôi uyên ương Pascal - Hồng Phương

Pascal Lefebvre (sinh năm 1966) đến Mũi Né lần đầu tiên năm 1995 để làm việc ở KS Novotel, và phát hiện… gió ở Mũi Né rất tuyệt vời cho môn windsurf mà ông thích từ năm 9 tuổi. Năm 1999, khi quay lại Mũi Né làm việc cho resort Victoria, Pascal đem theo đồ nghề để thỏa sức vẫy vùng trên biển.

Phạm Thị Hồng Phương (sinh năm 1971) quê ở Quảng Ninh. Năm 1993, tình cờ ghé ngang Mũi Né trong một chuyến du lịch, chị Phương bị cảnh biển hoang sơ nơi này quyến rũ nên mua đất, rồi xây dựng resort Full Moon (Trăng tròn) vào năm 1996.

Một lần tình cờ, Phương và Pascal cùng đến resort Coco Beach ăn tối, rồi Phương phát hiện “ông ấy” chuyển qua làm thực khách ở Full Moon mấy tháng trời để theo đuổi mình. Năm 2001, họ kết hôn, cũng là lúc Pascal được lệnh điều động của tập đoàn Victoria đến nước khác làm việc, nên anh ngỏ ý với vợ là bắt tay kinh doanh dịch vụ thể thao giải trí trên biển để “làm rể” ở Mũi Né luôn.

CLB Jibe’s ra đời từ đây, như tâm sự của chị Phương: “Tôi không nghĩ đến chuyện kiếm tiền từ môn chơi lạ và tốn kém trang thiết bị này, mà chỉ muốn giữ chồng bên mình”...

Tập làm  chuyên  nghiệp

Bình Thuận được ví như “thủ đô” resort tại Việt Nam. Một trong những nét thu hút du khách nước ngoài đến Mũi Né chính là hoạt động thể thao giải trí trên biển.

Dọc theo các resort ven biển Bình Thuận hiện có đủ loại hình thể thao giải trí như lặn, lướt ván buồm, lướt ván diều, sailing, kayak, mô tô nước… Trong đó, CLB Jibe’s của vợ chồng Pascal Lefebvre không chỉ là nơi huấn luyện kitesurf có uy tín mà còn liên tục đầu tư trang thiết bị và mở rộng các loại hình phục vụ du khách mê thể thao trên biển.

Tất nhiên, CLB được đặt dưới sự quản lý chuyên môn của ngành TDTT Bình Thuận. Ba năm đầu đưa windsurf vào hoạt động dịch vụ, Full Moon chưa thể đong đếm thiệt hơn, vậy mà chị Phương vẫn mạnh dạn ủng hộ chồng mở thêm loại hình kitesurf vì thấy du khách ngoại bắt đầu lưu lại resort ít nhất 1 tuần để… đợi gió, chơi thể thao.

Ông Đỗ Văn Ba-PGĐ Sở VHTTDL Bình Thuận và ông Pascal - Khởi nguồn cho môn Windsurfing phát triển

Đầu năm 2008, Full Moon “tậu” thêm thuyền buồm đáp ứng nhu cầu về sailing của khách. Pascal cho biết: “Hằng năm, chúng tôi có hơn 900 lượt người học về lướt ván buồm và lướt ván diều, 80% du khách lưu lại Full Moon là vì hoạt động thể thao trên biển”.

Với mối quan hệ quốc tế rộng ở cả góc độ kinh doanh khách sạn hơn 20 năm lẫn thể thao, Pascal đã khiến cho giới truyền thông quốc tế phải “để mắt” tìm hiểu resort ở Mũi Né và loại hình thể thao giải trí trên biển ở đây.

Tên Full Moon và hình ảnh du khách nước ngoài lướt ván ở Mũi Né lần lượt xuất hiện ở các tạp chí chuyên về windsurf và kitesurf, góp phần gây tiếng vang cho Mũi Né nói chung và resort Full Moon nói riêng.

Cân bằng giữa cho và nhận

Môn lướt ván buồm đang ngày càng thịnh hành ở Mũi Né. ẢNH: MINH ANH

Bây giờ ở Mũi Né có nhiều resort, trung tâm hướng dẫn chơi kitesurf, windsurf. Khách đến Mũi Né… đợi gió không chỉ có người nước ngoài mà còn thu hút thêm “dân chơi” Sài Gòn nữa.

Nhưng có lẽ, chỉ mỗi CLB Jibe’s của vợ chồng Pascal là thường xuyên phối hợp với ngành TDTT tổ chức các giải thể thao đặc thù loại hình giải trí trên biển, cũng như tự vận động tài trợ “ngọt xớt”.

Không chỉ mải mê kinh doanh, hơn 3 năm nay, CLB Jibe’s nhận hướng dẫn miễn phí suốt hè về kitesurf, winsurf cho trẻ em địa phương từ 10-13 tuổi do Sở VH-TT-DL Bình Thuận giới thiệu.

Hai VĐV Việt Nam dự cuộc thi surfing ở Đại hội thể thao trên biển châu Á (Asian Beach Games) lần 1-2008 ở Bali cũng xuất thân từ CLB của Pascal.

CLB cũng bỏ tiền túi cho các học viên là giới trẻ địa phương tham gia các giải quốc tế ở Malaysia, New Zealand…

Tình yêu của vợ chồng Pascal Lefebvre dành cho Mũi Né cũng như hoạt động thể thao giải trí trên biển vừa tạo “lợi nhuận” cho họ, vừa góp phần đem lại sức sống mới cho nơi này, cũng là đích đến đáng mừng của công tác xã hội hóa thể thao.

Theo sggp.org.vn

Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT