Bóng đá Bình Thuận đang có những bước phát triển trở lại khi người hâm mộ vẫn đến sân để cổ vũ các trận thi đấu tại các giải phong trào… Và trong thâm tâm mỗi cổ động viên, ai cũng mong sẽ có ngày đội tuyển Bình Thuận thăng hạng.
Giải phong trào đầy ắp khán giả
Nhiều năm trở lại đây, bóng đá phong trào tại Bình Thuận có những bước phát triển vượt bậc. Nhiều đội bóng, nhóm chơi bóng được hình thành và tổ chức một cách chuyên nghiệp, bài bản. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng lấy bóng đá làm thương hiệu quảng bá hình ảnh của mình trước công chúng.
Có thể kể ngay những cái tên nổi bật trong vòng 5 năm trở lại đây như Điện lực Bình Thuận, Quán 46, quảng cáo Minh Khang, khách sạn Minh Hiền. Đây là những đội thường xuyên duy trì tập luyện và thi đấu tại các giải bóng đá 11 người, 5 người và cả futsal.
Nhận thấy sự phát triển tương đối rõ nét này, ngành thể dục thể thao tập trung xây dựng các giải đấu để cổ vũ, khích lệ tinh thần tập luyện thể thao. Các giải vô địch futsal, vô địch bóng đá tỉnh, giải bóng đá phong trào cúp bia Sài Gòn, bóng đá bãi biển… được tổ chức thường xuyên.
Nếu trước đây, các đội bóng của Phan Thiết, La Gi là lực lượng chính tham dự giải đấu thì nay các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam đã tham gia thường xuyên. Các huyện xa Phan Thiết như Tuy Phong, Bắc Bình, Đức Linh, Tánh Linh cũng cử đại diện tham dự trong những giải trọng điểm. Không thể mừng hơn khi khán giả đến xem các trận đấu rất đông đảo nhất tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành hay Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh.
Ước mơ thăng hạng
Nếu bóng đá phong trào có những bước tiến tương đối vững chắc thì bóng đá thành tích cao chưa có sự phát triển tương xứng. Năm 2016 tiếp tục là một mùa giải thất bát nữa của Bình Thuận. Mặc dù mục tiêu trụ hạng hoàn thành, nhưng cách mà các cầu thủ thi đấu để lại tâm lý bất an cho người hâm mộ.
Trong toàn bộ mùa giải mà đối thủ của Bình Thuận gồm các đội Trẻ Đồng Nai, Sanatech Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Định, Công an Nhân dân, Trẻ Hà Nội T&T và Viettel, Bình Thuận luôn nằm trong top “cầm đèn đỏ” với nguy cơ xuống hạng rất cao khi chỉ hơn đội cuối bảng một vài điểm. 12 trận đấu, đội bóng chỉ thắng 2 trận, hòa 6 và thua đến 4, xếp thứ 5 chung cuộc tại vòng loại bảng A.
Đội Bình Thuận có số bàn thắng ít nhất trong số 14 đội tham gia thi đấu khi chỉ ghi được 8 bàn. Đây là thành tích thấp chưa từng có trong lịch sử của đội. Đã có những thời điểm mà Bình Thuận gặp nhiều bất lợi, tiềm ẩn nguy cơ xuống hạng rất gần kề khiến khán giả không còn đến sân cổ vũ đội nhà khi trận đấu diễn ra tại chính sân vận động Phan Thiết. Đây là kết quả của việc thiếu quan tâm, đầu tư nên 20 năm lận đận mãi ở giải hạng nhì.
Không cần so sánh ở đâu xa, trong vùng Nam Trung bộ và Tây nguyên. Nhiều tỉnh đã có các đội chuyên nghiệp như Khánh Hòa, Gia Lai, Quảng Nam, Đà Nẵng; các tỉnh như Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Quảng Ngãi đã và đang thi đấu tại giải hạng nhất quốc gia trong nhiều năm qua còn Bình Thuận thì…?
Người dân Bình Thuận rất yêu thể thao, đặc biệt là bóng đá. Điều này không cần bàn cãi. Bóng đá phong trào phát triển tương đối mạnh, thu hút nhiều doanh nghiệp cùng tham gia. Vậy tại sao đội bóng Bình Thuận vẫn lận đận, loay hoay ở giải hạng nhì? Hơn 20 năm là quãng thời gian quá dài và người hâm mộ thể thao cần thấy những sự chuyển biến mới.
Đưa đội bóng đá Bình Thuận lên hạng nhất quốc gia là một trong những mục tiêu quan trọng của cả ngành thể thao. Để hiện thực hóa mong muốn này, các cầu thủ của lứa U19 đang tích cực tập luyện chuẩn bị cho các giải đấu trẻ. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt của đội bóng Bình Thuận trong tương lai.
|
Nguồn: Báo Bình Thuận