Cất huy chương lại quẩy thúng ra biển

Đăng ngày: 5/16/2016 2:51:35 PM - Lượt xem 9197

Hai Vận động viên Nguyễn Thị Thiên Nga và Lê Thị Anh Đào (Kê Gà, Xã Tân Thành, HTN) hàng ngày phải chạy xe máy đi - về 70km để rèn luyện.

 

Họ đều là những nông dân, ngư dân bám biển, chỉ tập trung tập luyện trước mỗi giải đấu nhưng khi "lâm trận" thì tính máu lửa chẳng thua kém bất cứ VĐV chuyên nghiệp nào. Có người con đã lớn, có người con còn bé nhưng đã gác tất cả lại để hòa cùng niềm đam mê với môn thể thao sông nước: đua thuyền truyền thống.

 

Hai chị em cùng chèo thuyền

 

Ở đội đua thuyền truyền thống tỉnh Bình Thuận có bốn người phụ nữ thật đặc biệt. Họ đều là những người mẹ, người vợ, xuất thân từ nông dân, ngư dân thứ thiệt nhưng đã gác lại việc nhà, việc đồng áng để cùng đồng đội nhiều năm liền vô địch quốc gia liên tiếp. Đó là hai chị em ruột Nguyễn Thị Tý, Nguyễn Thị Ty và đôi bạn Nguyễn Thị Thiên Nga, Lê Thị Anh Đào. Ngay từ nhỏ, Tý và Ty đã theo cha ra khơi đánh cá. Nhà có ghe nên hai chị em đã sớm quen với kỹ năng sông nước. Khi lấy chồng rồi, họ lại chăm chỉ với việc đồng áng, trồng thanh long, lúa và hoa màu. Khi chưa lấy chồng, Ty đã lọt vào mắt của các nhà tuyển trạch nên bên cạnh những buổi ra khơi đánh cá, trước mỗi giải đấu, Ty lại được HLV gọi tập trung tập luyện. Có lần đang đi bán vé xe buýt, HLV gọi tập trung nhưng không đi được khiến Ty tiếc hùi hụi. Đến khi lấy chồng cũng may chồng Ty lại hiểu và chia sẻ với vợ. Lần này tham gia giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia vừa tổ chức tại Phú Quốc, Ty cũng "tranh thủ" cai sữa cho con mới 11 tháng tuổi để yên tâm tập trung thi đấu.

 

"Đi thi đấu thế này, em cũng nhớ tụi nhỏ lắm, mọi công việc để chồng gánh vác hết. Nhưng đã đam mê thì phải chịu thôi. May là chồng em cũng ủng hộ, thấy em đi thi đấu mang vinh quang về cho tỉnh nên cũng thích và ủng hộ cho em đi", Ty kể. Nhà cách nơi tập luyện tới hơn 40 km, mỗi lần đội tập trung, hằng ngày, bất kể nắng mưa, Ty lại vượt hơn 80 km để tập luyện sau khi đã thu xếp việc nhà ổn thỏa. Còn với chị gái Nguyễn Thị Tý, cô đến với đội đua thuyền truyền thống tỉnh Bình Thuận sau khi đã lập gia đình. Nhưng giống như em gái, do từ nhỏ đã ra khơi đánh cá cùng cha nên kỹ năng về sóng nước của Tý rất tốt. Hai con của Tý, đứa lớn 15 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi, chưa hiểu thế nào “là thi đấu mang vinh quang về cho tỉnh” nhưng thấy mẹ đi về được hàng xóm, láng giềng hỏi thăm thì cũng thích.

 

Đội thuyền 10 hỗn hợp tỉnh Bình Thuận đạt tuyệt đối 03 Huy chương Vàng
ở 3 cự ly 200m, 500m, 1000m tham dự tại giải. 

 

Cất huy chương... lại quẩy thúng ra biển

 

Khi được hỏi tại sao lại đến với đua thuyền truyền thống, cả bốn người phụ nữ chèo thuyền đặc biệt này đều chung suy nghĩ: Đây là môn thể thao gần gũi với đời sống sinh hoạt, sản xuất từ nhỏ. Theo đội đua thuyền truyền thống của tỉnh tập luyện, thi đấu, họ vừa khỏe hơn, vừa mang vinh quang về cho tỉnh nên ai cũng thích. Và thêm một lý do nữa, đua thuyền cũng giúp cho những người nông dân, ngư dân quanh năm suốt tháng chỉ biết làm nông, bám biển này biết đây, biết đó, có thêm nhiều trải nghiệm thú vị. "Mỗi khi thi đấu, bọn em đều cố gắng hết sức để đoạt huy chương. Khi đoạt huy chương rồi thì trở về nhà, cất huy chương đi và lại quẩy thúng ra biển thu mua hải sản", Lê Thị Anh Đào nở nụ cười tươi rói. Còn Thiên Nga cũng vậy, hằng ngày công việc của cô cũng là quẩy thúng ra biển, bám theo các ghe, tàu đánh cá trở về để thu mua hải sản. Nhìn thấy tố chất của hai cô gái chăm chỉ bám biển, HLV Phạm Văn Anh của đội đua thuyền truyền thống tỉnh Bình Thuận cũng có ghe đi biển đã thuyết phục cả hai chơi đua thuyền truyền thống. Và thế là cả hai cô gái đã gắn bó với đội đua thuyền truyền thống tỉnh Bình Thuận từ năm 2011. Khi vào đội đua thuyền, Nga đã có hai con còn Đào thì giờ con cũng đã 4 tuổi nhưng niềm đam mê với đua thuyền truyền thống không hề cạn theo năm tháng. Mỗi lần đội tập trung trước mỗi giải đấu, sáng sớm hai cô đã quẩy thúng ra biển để đến chiều lại vượt mấy chục cây số lên chỗ tập luyện. Và những cố gắng nỗ lực của họ đã được đền đáp, nhiều năm liên tiếp đội Bình Thuận vô địch quốc gia và vừa bảo vệ thành công ngôi vô địch tại Giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia, tổ chức tại Phú Quốc, trong hai ngày 8-9.5 vừa qua.

 

Theo ông Huỳnh Văn Đức, người đã gắn bó với đội đua thuyền truyền thống tỉnh Bình Thuận, từ những ngày mới thành lập, thi đấu ở SEA Games 22 thì các chị đều là lao động chính trong mỗi gia đình nên đôi khi thuyết phục họ gác lại công việc nhà theo đội đua thuyền không phải dễ, phải vào từng nhà vận động và phải được sự đồng ý của gia đình, bố mẹ hoặc chồng con của họ. HLV Trần Văn Nguyên, người gắn với những thành công của đội đua thuyền truyền thống tỉnh Bình Thuận trong những năm gần đây cũng chia sẻ: "Với môn thể thao đặc biệt này, tính huyết thống, tình làng nghĩa xóm là rất quan trọng. Bởi phải có sức mạnh tập thể gắn kết thì mới giúp họ thành công được. Vì thế đội đua thường là tập hợp của những người ở cùng địa phương hoặc gần gũi với nhau. Không những thế VĐV của môn này cũng rất đặc biệt, họ đều là nông dân, ngư dân đích thực, kỹ năng ra biển theo bản năng nên dần dần phải gò lại, phải uốn nắn từ từ, gần họ, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ, nhất là với chị em, mới giúp họ trở thành VĐV được".

Nguồn: Báo Văn Hóa 

 

Một số hình ảnh tại giải đấu: 

 

Bình Thuận đạt Nhất toàn đoàn với 07 HCV, 01 HCB

 

 

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kịp thời có mặt tại Phú Quốc động viên tinh thần thi đấu đội tuyển.

 

Ông Ngô Minh Chính - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VHTTDL Bình Thuận trao huy chương Vàng đầu tiên đội thuyền 12 nam đạt được.

 

Đội tuyển tập luyện trước khi vào giải

Nước rút thuyền 20 nam

 

Niềm vui thuyền 10 hỗn hợp

 

Bứt phá ở đợt 200m tốc độ thuyền 10 hỗn hợp

Niềm vui thuyền 20 nam

 

Niềm vui thuyền 10 nam 

 

 

 

 

Tập thể đội tuyển thuyền rồng Bình Thuận đạt Nhất toàn đoàn

 

 

Ảnh: Trần Văn Nguyên

 

Bài viết liên quan

Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT