Chân dung Đỗ Văn Ba: "Dân miền biển, hà cớ gì không dám bơi ra biển lớn để tìm được cá to”

Đăng ngày: 3/25/2011 12:00:00 AM - Lượt xem 2964


Năm 2007, Đại sứ quán Việt Nam tại Cambodia, Bộ Thanh niên Thể thao Campbodia
chụp với Lãnh đạo Đoàn Đua thuyền truyền thống Việt Nam gồm
đại diện các cơ quan Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Du lịch, Báo Bình Thuận, Sở Thể dục Thể thao tại Giải Đua thuyền quốc tế các tiểu vùng Sông Mê Kông 2007. Một trong các hoạt động ở lĩnh vực hợp tác quan hệ quốc tế

 

TS: Ít ai biết rằng, ngoài tuổi ngũ tuần, vị Giám đốc Sở Thể dục Thể thao (cũ), nay là Phó Giám đốc thường trực Sở VHTTDL Bình Thuận - ông Đỗ Văn Ba ngày nào vẫn phải học và học nữa, nay đã có thêm học vị Thạc sĩ, tiếng Anh giao tiếp thông dụng khá lưu loát khi tiếp chuyện với đối tác nước ngoài và ... 

 

... Và cũng ít ai biết rằng thời gian ông học xong Đại học chỉ mất có…15 năm (1974 vào ĐH Văn khoa, năm 1990 tốt nghiệp ĐH TDTT ) điều mà nếu thường tình ít ai theo đuổi khi tuổi đời đã cao. Với giọng trầm, ông bộc bạch chia sẻ: "Xã hội không ngừng vận động đi lên, đổi thay diễn ra hằng ngày hằng giờ. Làm cán bộ quản lý mà thụ động, trì trệ thì sẽ nhanh chóng bị đào thải. Bởi vậy, tôi phải tranh thủ học tập để cập nhật kiến thức và chuyên môn. Làm lãnh đạo nếu thường xuyên cập nhật kiến thức, am tường chuyên môn thì mình làm việc thuận lợi, hiệu quả hơn, dân miền biển, hà cớ gì không dám vươn ra biển lớn để tìm được cá to".

Vâng! Chân dung Đỗ Văn Ba cũng rất đời thường như nhiều người khác, duy có điều đến bây giờ thì Thể Thao Bình Thuận đã có một diện mạo mới, tầm vóc mới.

 

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thể thao Việt Nam 27/3 (1946 - 2011), website TDTT Bình Thuận đã gặp gỡ và cùng trò chuyện chân tình tìm hiểu thêm về Người đã làm việc không mệt mỏi cho phong trào TDTT Bình Thuận từ lúc còn kháng chiến đến nay.

 

Thưa ông, là dân Văn khoa chính hiệu của Trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn (năm 1974) nhưng vì sao ông lại công tác trong lĩnh vực thể thao?

 

Ông Đỗ Văn Ba: Thật ra trong thời gian học Đại học Văn khoa tại Sài gòn, tôi tham gia đội tuyển bóng đá của Trường và thường xuyên tham gia giải thể thao sinh viên các Trường Đại học và nhiều trận đấu giao hữu quanh thành phố; cũng như bất cứ thanh niên trai trẻ nào, thể thao như là một phương tiện giúp tôi có những hoạt động lành mạnh, giữ gìn sức khỏe…không chỉ thể thao, tôi còn tham gia đội công tác xã hội của Trường ở các hoạt động cứu trợ và cũng có lúc tham gia các hoạt động cách mạng, ủng hộ thương phế binh, .v.v…Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi tiếp tục ở lại Trường để cùng với anh em sinh viên bảo vệ tài sản của Trường và các khu vực lân cận như Tòa Đại sứ Mỹ, Phủ Thủ tướng, Trung tâm điện toán…mãi đến tháng 6/1976 vì những lý do riêng và sẵn máu thể thao, tôi vào học tại Trường Thể thao, lúc đó còn gọi là Trường Cán bộ TDTT miền Nam và Trường bao ăn, ở hết. Từ đó tôi gắn bó đời mình với sự nghiệp TDTT cùng với những người bạn học thân thiết ở thành phố như anh Lâm Quang Thành (nay là Hiệu trưởng Trường Đại học TDTT TPHCM), Nguyễn Thành Lâm (nay là Giám đốc Trung tâm HLTT QG TPCHM), Trương Ngọc Để (Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt Nam), Nguyễn Trung Hinh (Phó chủ tịch LĐ Điền kinh Việt Nam kiêm Tổng thư ký LĐĐK TPHCM)…

 

Vậy kể ra, lĩnh vực thể thao quả thật là cái duyên của ông, nhưng với cương vị Nhà quản lý Thể thao, ông đã làm thế nào như thế nào để thể thao Bình Thuận phát triển và bền vững như hiện nay, thưa ông?  

          

Ông Đỗ Văn Ba: Sau khi về địa phương công tác tôi lại tiếp tục được rèn luyện trong môi trường quân đội, chính môi trường quân đội đã rèn luyện cho tôi những phẩm chất mà môi trường dân sự không thể có được. Năm 1994, sau khi chính thức nhận nhiệm vụ Giám đốc Sở Thể dục Thể thao (1994 – 2007), trong tôi luôn canh cánh bên lòng một câu hỏi là với điều kiện của tỉnh như thế, làm sao khai thác được thế mạnh của địa phương để thúc đẩy phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh nhà. Bóng đá đúng là có sức thu hút mãnh liệt đấy nhưng theo đuổi bóng đá thì với điều kiện kinh phí hạn hẹp thì không kham nổi, Lãnh đạo tỉnh và bản thân tôi cũng có gặp gỡ các Doanh nghiệp lớn của tỉnh như Rạng Đông, Quản Trung … nhưng họ đều từ chối tham gia Bóng đá.  

        

Trước tình hình đó, tôi tham mưu tập trung ưu tiên phát triển các môn thể thao phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và thế mạnh của tỉnh, thế là được sự ủng hộ của Lãnh đạo tỉnh, các ngành cùng với đội ngũ cán bộ chuyên môn giàu nhiệt huyết, các môn thể thao cá nhân như võ thuật, điền kinh, đua thuyền (gồm thuyền truyền thống, canoeing) được đầu tư mạnh mẽ, đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty đã trở thành ngày hội sông nước không chỉ giới hạn ở địa phương mà mở rộng quy mô ra khu vực và khắp cả nước. Những năm sau đó, Đội đua thuyền Bình Thuận nổi tiếng khắp nước và được chọn làm nồng cốt cho đội tuyển VN đi thi đấu quốc tế và SEA Games 22; bên cạnh đó môn Canoeing cũng có rất nhiều vận động viên mạnh, em Nguyễn Thành Quang là điển hình, trong tay em đã có bộ sưu tập nhiều huy chương Đông Nam Á và Châu Á. Tiếp đến là các môn võ thuật như: Taekwondo, Judo, Vovinam cũng được tập trung mạnh. Những năm gần đây, các môn võ thuật như Taekwondo, Judo luôn ở trong tốp xếp đầu toàn quốc, hàng năm mang về cho tỉnh nhà hơn 50 % tổng số huy chương khu vực, quốc gia. Từ năm 2008 đến nay đóng góp cho các đội tuyển quốc gia Judo, Taekwondo từ 04 đến 06 VĐV, HLV. Mới đây trong năm 2010 ở bộ môn Taekwondo, em Nguyễn Thị Lệ Kim đạt huy chương Vàng tại Giải Vô địch Quyền thế giới tổ chức tại Uzbekistan và sau đó tại Giải Taekwondo Sinh viên Đông Nam Á tổ chức tại Thái Lan, Em cũng dành tiếp huy chương vàng cá nhân và em Lê Dương Lệ Giang cũng dành huy chương vàng quyền đồng đội nữ.

 

Vâng, ngoài ra có một thời khắc mà cả Ngành TDTT Bình Thuận còn nhớ như in mãi đến bây giờ là thời điểm phát thanh thông báo kết quả nội dung nhảy 3 bước nam ở môn Điền kinh tại Đại hội TDTT Toàn quốc lần thứ IV – Hà Nội năm 2002: “Huy chương vàng – Đặng Hoàng Minh – đơn vị Bình Thuận”. Và hiện nay, hình như thể thao Bình Thuận có những môn thể thao rất độc và không đụng hàng?

 

Ông Đỗ Văn Ba: Gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới - WTO không chỉ mang lại cơ hội to lớn cho nền kinh tế Việt Nam mà còn mang đến Việt Nam những loại hình thể thao mới, rất hấp dẫn nhưng cũng rất phức tạp mà trước nay chúng ta hình dung thể thao như là một lĩnh vực dịch vụ công ích, chính sự bùng nổ du lịch đã phát sinh cạnh tranh. Mỗi một khu du lịch đều cố gắng lựa chọn cho mình những sản phẩm du lịch lợi thế để thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách và tại Bình Thuận đó chính là những loại hình thể thao mới lạ, thời thượng mà bất kỳ du khách nào cũng muốn tham gia tập luyện hoặc thi đấu trong thời gian họ ở tại Bình Thuận, đó là những môn thể thao biển như lặn biển, lướt ván buồm, lướt ván diều, sailing, canoe, kayak... hoặc những môn thể thao trên bờ như bay khinh khí cầu, dù lượn, golf, môtô, ôtô vượt đồi cát và rất nhiều Spa, fitness đã được xây dựng tại đây, đặc biệt trong số đó có một số môn nằm trong hệ thống thi đấu Đại hội Thể thao Olympic như sailing, windsurfing, canoeing… 

 


Ông Đỗ Văn Ba (thứ hai từ trái sang) và ông Jimmy Diaz - Chủ tịch Hiệp hội các VĐV Lướt ván buồm chuyên nghiệp PWA

 

Với ưu thế thiên nhiên, tỉnh đã kéo được một số giải thể thao quốc tế tổ chức ở Bình Thuận như Festival thuyền buồm sailing quốc tế, giải lướt ván buồm chuyên nghiệp Grand Slam tour World Cup, Tour Lướt ván diều Châu Á, 3 môn phối hợp mạo hiểm… Ngạn ngữ có câu “Đi mãi ắt sẽ thành đường". Hy vọng trong thời gian ngắn Bình Thuận sẽ có nhiều em đi thi đấu quốc tế các giải như trên.

 

Có thể nói mặc dù thể thao Bình Thuận không nằm trong tốp đầu của quốc gia, nhưng một số môn thế mạnh, mũi nhọn và truyền thống của tỉnh đã làm nên danh tiếng thể thao Bình Thuận có nét rất “style – phong cách” riêng biệt. Đáng kể nhất là Đại hội TDTT Toàn quốc lần thứ VI – 2010 vừa qua, Đoàn Thể thao Bình Thuận từ vị trí 33 khi bắt đầu Vòng chung kết nhưng đã vượt lên vị trí tốp 20/65 tỉnh, thành, ngành vào những giây phút cuối cùng của Đại hội. Tuy nhiên, sau nhiều năm làm lĩnh vực thể thao, ông trăn trở nhất điều gì, thưa ông?

 

Ông Đỗ Văn Ba: Thể dục Thể thao ngoài ý nghĩa về thành tích mang lại vinh quang cho đất nước nó còn có ý nghĩa nhằm thoả mãn ngày càng cao nhu cầu vui chơi giải trí, bồi dưỡng sức khỏe của toàn thể nhân dân, như thế thể dục thể thao sẽ trở nên đúng ý nghĩa đích thực của nó. Điều tôi lo lắng nhất là cơ sở vật chất, nhà tập, sân vận động ngày càng bị thu hẹp bởi việc xây dựng các công trình; mỗi phường, xã trên địa bàn Phan Thiết đều có quy hoạch khu thể thao nhưng ngày càng bị thu hẹp hoặc mất đi do sức ép của việc phân lô xây nhà. Điều này có lẽ nó cũng đang diễn ra trên quy mô cả nước. Thứ hai là cuộc sống của những vận động viên thể thao sau khi thi đấu thật sự không sáng sủa gì. Sau thời gian dài cống hiến, họ rất khó tìm được việc làm tốt, thậm chí em nào nếu rủi ro gặp chấn thương thì thật khổ sở, điều này cũng cần có những chính sách phù hợp ở bình diện quốc gia mới mong động viên ngày càng nhiều tài năng cống hiến cho đất nước. Thứ ba là Bình Thuận chưa có đội bóng đá mạnh, mặc dù thời gian qua đã có nhiều VĐV tham gia đội tuyển quốc gia, đội tuyển Olympic, tuyển trẻ quốc gia các lứa tuổi…Nói thật tôi rất ấn tượng với cách làm bóng đá của các doanh nghiệp như Hoàng Anh- Gia lai, Đồng Tâm - Long An…Tôi không phải ấn tượng vì số tiền họ đầu tư cho bóng đá mà vì tấm lòng của họ đối với cộng đồng tại địa phương họ sinh sống và phát triển doanh nghiệp. Bạn cứ nghĩ xem, cứ mỗi chiều thứ 7, Chủ nhật nhân dân nô nức kéo nhau đi xem đội bóng của ông bầu Đức, đội bóng của ông bầu Thắng, đó là món quà tinh thần, sự tri ân có ý nghĩa nhất đối với cộng đồng. Ở tỉnh Bình Thuận ư, thứ 7, Chủ nhật buồn quá !!!   

 

Xin cảm ơn ông về những bộc bạch chân thành rất mộc mạc. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thể thao Việt Nam 27/3, chúc ông và gia đình mạnh khỏe, tiếp tục công tác tốt để thể thao Bình Thuận tiếp tục hội nhập, phát triển, vươn lên tầm cao.  

 

Thực hiện: TRẦN NGUYÊN

 

Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT