Hậu trường thể thao: Kỳ 1: Có thành tích, nhưng bấp bênh đãi ngộ

Đăng ngày: 11/23/2009 12:00:00 AM - Lượt xem 2108

Nợ huy chương!

Ngày 31/1/2007, UBND tỉnh có Quyết định số 285 về việc phê duyệt “Kế hoạch phát triển sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh Bình Thuận đến năm 2010”. Thời gian qua, Sở Thể dục Thể thao cũ (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tập trung đào tạo và huấn luyện các đội thể thao Bình Thuận tham gia thi đấu các giải quốc gia, quốc tế đạt nhiều thành tích khả quan, đặc biệt là các như: đua thuyền truyền thống, Canoeing, Judo, Vovinam, Taekwondo… Cùng với thể thao thành tích cao, thể thao quần chúng cũng đã góp phần vực dậy phong trào tập luyện thể dục thể thao ở địa phương. Từ khi thành lập Trung tâm TDTT, thể thao quần chúng vẫn đảm bảo được hoạt động và gặt hái kết quả nhất định. Việc lớn nhất trong thể thao quần chúng chính là việc tổ chức Đại hội TDTT năm nay, đã bước vào giai đoạn kết thúc. 127/127 xã  phường, thị trấn đã tiến hành Đại hội TDTT thu hút gần 29.000 vận động viên nghiệp dư tham dự. Thành tích là vậy, nhưng quả là có quá nhiều khó khăn cho những người có trách nhiệm đang gánh vác xây dựng phong trào thể thao tỉnh nhà. Ông Đỗ Văn Ba - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch,  kiêm Giám đốc Trung tâm TDTT tỉnh cho biết: “Kinh phí hết sức khó khăn, phải cân đối đúng chế độ hiện hành nên dẫn đến thiếu hụt đến 900 triệu đồng”. Ngành cũng đã đề nghị Sở Tài chính ứng trước kinh phí của năm 2010 để bảo đảm hoạt động của đại hội, nhưng hiện đang phải chờ. Cuối cùng, để “giải vây” sự thiếu hụt, ngành phải vận dụng nguồn kinh phí ít ỏi mua sắm thiết bị  để trang trải.

Thể thao quần chúng thì vậy, thể thao thành tích cao cũng không ngoại lệ. Năm 2009, tập thể HLV, vận động viên đã đạt rất nhiều thành tích cao trong các cuộc thi khu vực, quốc gia và quốc tế với tổng cộng 161 bộ huy chương vàng, bạc và đồng. Bộ môn đua thuyền Canoeing đoạt huy chương đồng châu Á. Đua thuyền truyền thống cũng lấy lại sức mạnh vốn có của mình, khi đoạt 5/6 bộ huy chương vàng ở nội dung đua thuyền truyền thống nam tại Quảng Trị. Nhưng kèm theo thành quả đó là chế độ kinh phí eo hẹp, khiến Trung tâm TDTT phải cắt bớt một số giải quốc gia theo kế hoạch. Không chỉ thế, hiện nay, chế độ tiền thưởng dành cho thành tích cao của vận động viên vẫn chưa được đến tay vận động viên. Hiện nay chỉ có 5 huy chương vàng được trao thưởng, còn lại 156 bộ huy chương vẫn chưa thấy động tĩnh. Có lẽ, sẽ chuyển thưởng vào năm sau chăng?

Chế độ dinh dưỡng cho vận động viên đội tuyển hiện nay vẫn đang được thực hiện theo Quyết định 45 của UBND tỉnh  ban hành năm 2005. Theo đó, chế độ dinh dưỡng cho tập luyện thường xuyên dừng ở mức 35.000 đồng (bao gồm tiền ăn, thuốc men bồi dưỡng). Trong khi đó, theo Thông tư liên tịch 127 của Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, hướng dẫn thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao từ cuối năm 2008, thể hiện rõ vận động viên đội tuyển tỉnh, ngành định mức dinh dưỡng là 90.000 đồng/ngày.

 Huấn luyện viên, vận động viên: Chờ !

Đến ngày 9/11, cả huấn luyện viên, vận động viên, công nhân viên vẫn chưa có lương tháng 10, việc trễ nhận lương diễn ra khá thường xuyên. Một huấn luyện viên đua thuyền than thở: “Kiểu này chắc sống không nổi, nhờ vợ nuôi thôi!”. Ông Đỗ Văn Ba, cho biết: “Trung tâm nhiều lần đề nghị tăng chế độ theo đúng quy định của Bộ Tài chính, nhưng tỉnh vẫn chưa bàn đến. Trong khi các tỉnh khác đã thực hiện ngay sau khi có chủ trương. Ai cũng hiểu, thể thao là sự cống hiến tài năng, sức lực nên phong độ đỉnh cao không thể kéo dài. Nếu chế độ dinh dưỡng không bảo đảm, thì sức đâu mà cống hiến”. Nếu làm bài toán cộng trừ, thì 35.000 đồng/ngày (tiền dinh dưỡng, thuốc men) dành cho vận động viên đội tuyển, chỉ đủ để ăn hai tô phở!

Nhiều cầu thủ, vận động viên đã phải cầm thế những vật dụng cá nhân để bổ sung sinh dưỡng. Vì vậy, đừng vội trách khi một vài bộ môn vẫn cứ duy trì ở hạng nhì, hay trên đà tụt hạng. Nhiều vận động viên không chịu nổi đã phải ăn ngoài hoặc sống bám vào gia đình.

Người viết đã từng chứng kiến trên một chuyến công tác, khi đội đua thuyền truyền thống Canoieng đi thi đấu tại Hà Nội, suốt trên hành trình dài đó vận động viên chỉ toàn ăn mì tôm. Huấn luyện viên cũng vậy. Trong thể thao, thậm chí những vận động viên đội tuyển, hay năng khiếu đều có một phong độ nhất định, nếu sự đãi ngộ quá chậm không theo kịp với chủ trương chung, rất dễ làm cho vận động viên mất đi ý chí tập luyện và cống hiến?

 QUANG NHÂN (Báo Bình Thuận)

Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT