Ấn tượng nhất vẫn là kỷ lục quốc gia 100m nữ do nhà vô địch SEA Games Vũ Thị Hương (An Giang) lập được ở ngày khai mạc giải. Thành tích 11′ ′43 (kỷ lục cũ 11′′47) là tín hiệu tốt đẹp về phong độ của Vũ Thị Hương hướng đến việc bảo vệ ngôi vô địch tại SEA Games 25 vào cuối năm nay.
Ở ngày thi đấu cuối, Vũ Thị Hương cũng đã đoạt huy chương vàng cự ly 200m nữ với thành tích 23′′39.
Các kỷ lục quốc gia mới được lập khác là của Vũ Văn Huyện (Quân đội) ở môn nhảy sào nam với thành tích 4m70 (kỷ lục cũ 4m60), Phạm Thị Thanh Trúc (Vĩnh Long) - ném búa nữ 47m61 (kỷ lục cũ 44m45), đội Khánh Hòa - tiếp sức 4x800m nữ 9′26′′46 (kỷ lục cũ 9′32′′05), đội Quân đội - tiếp sức 4x800m nam 7′43′′83 (kỷ lục cũ 7′58′′50) và kỷ lục quốc gia được lập lần đầu tiên ở môn đi bộ 20km nữ của Nguyễn Thị Thanh Phúc (Đà Nẵng) với 1h57′47′′.
Các gương mặt nổi bật của điền kinh Việt Nam vẫn thi đấu khá thành công tại giải năm nay, giải đấu được xác định là đợt cọ xát quan trọng chuẩn bị cho Asian Indoor Games III và SEA Games 25 sắp tới.
Sự xuất sắc của Vũ Thị Hương và Lê Ngọc Phượng, hai vận động viên chạy cự ly ngắn số 1 và số 2 của đội tuyển quốc gia, không chỉ giúp An Giang độc chiếm đường chạy 100m và 200m nữ mà còn vượt trội với 2 chức vô địch tiếp sức 4x100m và 4x200m.
Nguyễn Đình Cương (Ninh Bình) đoạt 2 huy chương vàng 800m và 1.500m nam trong khi đồng đội Trương Thanh Hằng dù chỉ thi đấu kiểm tra vẫn dễ dàng về nhất ở 800m nữ.
Ở hố nhảy, Bùi Thị Nhật Thanh (Đà Nẵng) đoạt cú đúp huy chương vàng ở cả nhảy xa và nhảy 3 bước nữ. Trong khi nội dung nhảy cao nữ vẫn chưa ai qua được Bùi Thị Nhung.
Đáng chú ý ở nhảy cao nữ là sự tiến bộ nhanh chóng của gương mặt trẻ Dương Thị Việt Anh (Bạc Liêu) khi đoạt huy chương bạc với thành tích xuất sắc 1m84 (kém Bùi Thị Nhung, 1m86), một kết quả hoàn toàn có cửa tranh huy chương tại đấu trường SEA Games. Việt Anh cũng bất ngờ đoạt luôn huy chương vàng 7 môn phối hợp nữ.
Nhưng bất ngờ nhất ở giải năm nay là việc đường chạy 100m và 200m nam đã có những nhà vô địch mới, Bùi Duy Thương (Hà Nội) lên ngôi ở 100m nam với 10′′62, trong khi Nguyễn Văn Quang (Quân đội) về nhất 200m với 21′′56, dù cả hai vận động viên này không phải là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vô địch.
Kết thúc giải, Hà Nội một lần nữa dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương với 8 huy chương vàng, 7 huy chương bạc và 6 huy chương đồng, nhỉnh hơn đôi chút so với đoàn xếp thứ hai là Quân đội (8, 2, 6).
Tiếp theo là các đoàn Vĩnh Long (5, 2, 3), An Giang (4, 2, 0), Khánh Hòa (4, 1, 7)... trong khi Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đăng cai giải, chỉ có được 3 huy chương bạc và 5 huy chương đồng, xếp 19/50 đoàn dự giải - một kết quả quá nghèo nàn và đáng buồn cho nơi từng là trung tâm số 1 của điền kinh Việt Nam.
Tại giải năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh không gây được thành tích ấn tượng nào ngoài việc liên tiếp sa vào các vụ tranh cãi, khiếu kiện về việc chuyển đơn vị của Trương Thanh Hằng và thành tích về nhì 100m nam của Hoàng Thanh Việt./.
Theo TTXVN