Khác với Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An hay Becamex Bình Dương, đội bóng sông Hàn đã đi đến thành công bằng “lối đi” của riêng mình.
Chuyển giao nhưng vẫn giữ được “cái gốc”
Mùa giải 2008 đánh dấu bước ngoặt lớn đối với bóng đá Đà Nẵng khi lãnh đạo thành phố quyết định chuyển giao đội bóng cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHBank).
Kể từ thời điểm đó, bóng đá Đà Nẵng chính thức thoát khỏi cơ chế quốc doanh để chuyển mình theo xu thế chuyên nghiệp hóa. Sự thay đổi tư duy của những người làm bóng đá Đà Nẵng đã tạo nên một sức bật mới, một diện mạo mới cho đội bóng bên bờ sông Hàn.
Tuy nhiên, khác với những đội bóng doanh nghiệp khác, Đà Nẵng dù đã được chuyển giao cho SHBank nhưng dấu ấn của địa phương vẫn còn rất đậm nét.
Trong khi Long An, Bình Dương hay Gia Lai gần như được “khoán trắng” cho doanh nghiệp thì Đà Nẵng vẫn giữ được “cái gốc” của mình. Từ công tác nhân sự, đào tạo… cho đến những vấn đề quan trọng khác, lãnh đạo thành phố đều có tiếng nói rất quan trọng.
Chẳng nói đâu xa, nếu không có sự tác động từ lãnh đạo thành phố, dễ gì tiền đạo Almeida chấp nhận ở lại SHB Đà Nẵng tới năm 2011 với mức tiền lót tay khoảng 150.000 USD dù trước đó, đã có một đội bóng ở K-league “chào giá” chân sút người Brazil này với mức 400.000 USD cho bản hợp đồng 2 năm.
Hay như chuyện bầu Hiển định “hoãn sự sung sướng” của người hâm mộ Đà Nẵng lại để chờ sau trận chung kết Cúp QG mới tổ chức ăn mừng cú đúp.
Dấu ấn địa phương vẫn còn đậm nét dù đội được chuyển giao cho doanh nghiệp. Ảnh: Bảo Nghi
Chỉ cần một vị lãnh đạo thành phố lên tiếng, ông chủ thực sự của đội bóng sông Hàn đã phải răm rắp nghe theo để người Đà Nẵng làm lễ đăng quang ngay sau trận đấu với Khatoco Khánh Hòa.
Trong quá khứ, sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với đội bóng sông Hàn là khỏi phải bàn. Chẳng đâu như ở Đà Nẵng, dù mang tiếng đội bóng “quốc doanh” nhưng mức độ đầu tư, chế độ đãi ngộ dành cho các cầu thủ không hề thua kém những đối thủ được liệt vào hàng “đại gia”.
Đến khi đội bóng được chuyển giao, dù không còn là “chủ sở hữu” nhưng không ai có thể phủ nhận những đóng góp to lớn của lãnh đạo địa phương đối với thành công của SHB Đà Nẵng.
Chẳng thế mà trong buổi lễ đăng quang của thầy trò Huỳnh Đức trên sân Chi Lăng chiều 16/8, người hâm mộ Đà Nẵng đã căng một tấm poster lớn in hình chân dung Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh trên khán đài B để tri ân những gì mà lãnh đạo địa phương đã dành cho đội bóng bao nhiêu năm qua.
Ngay cả HLV Lê Huỳnh Đức cũng từng tâm sự: “Lẽ ra Đà Nẵng phải đăng quang từ vài mùa trước thì mới xứng đáng với sự quan tâm đầu tư của địa phương”.
Là người rất được bầu Hiển sủng ái, hơn nữa lại đang “ăn cơm” của SHBank, hẳn Huỳnh Đức hiểu phát biểu ấy của mình không ít thì nhiều sẽ khiến những ông chủ phật lòng nhưng anh vẫn nói, bởi đó là thực tế không thể phủ nhận.
Thầy trò Lê Huỳnh Đức có một mùa giải 2009 thật ngọt ngào. Ảnh: Bảo Nghi
Nếu không có sự đầu tư, chăm chút của lãnh đạo địa phương, bóng đá Đà Nẵng sẽ không có được nền tảng vững chắc để từ đó, SHBank gặt hái những thành công sau ngày chuyển giao.
Cũng chính nhờ vậy, người hâm mộ bóng đá Đà Nẵng dù bao phen bất mãn với cách đối xử của SHBank nhưng vẫn một lòng ủng hộ đội nhà bởi trong suy nghĩ của họ, “cái gốc” của đội bóng sông Hàn vẫn là đội bóng của thành phố chứ không phải một… món hàng của doanh nghiệp.
“Chất” Đà Nẵng ở SHB Đà Nẵng
So với các đội bóng đã được chuyển giao khác như Đồng Tâm Long An, Hoàng Anh Gia Lai hay Becamex Bình Dương, Đà Nẵng là đội bóng vẫn giữ được bản sắc nhiều nhất sau khi “kết duyên” với SHBank.
Nhìn vào đội hình “dream team” của đội bóng phố Núi từng liên tiếp đăng quang ở 2 mùa giải 2003-2004 chẳng có được mấy cầu thủ là người gốc Gia Lai trừ Văn Đàn, thủ môn Quốc Tuấn.
Tính địa phương ở Đồng Tâm Long An ở 2 mùa vô địch sau đó cũng chẳng hơn gì ngoài anh em Văn Giàu, Tài Em. Ở Becamex Bình Dương, đội hình đăng quang 2 mùa giải gần đây gần như vắng bóng hẳn những cầu thủ địa phương. Văn Dũ, Văn Hải… dù là người Bình Dương nhưng cũng chẳng đóng góp được mấy.
Trong khi đó, nếu nhìn vào đội hình của SHB Đà Nẵng đăng quang ở mùa giải này sẽ thấy đa phần là các cầu thủ gốc Đà Nẵng. Ngoài thủ môn Văn Hạnh và trung vệ Hải Lâm, tất cả các nội binh khác trong đội hình chính của HLV Lê Huỳnh Đức đều xuất thân từ “lò” Đà Nẵng.
Người Đà Nẵng tự hào vì 2 chức vô địch của họ có nền tảng từ "cây nhà lá vườn". Ảnh: Quốc An
Những Quang Cường, Quốc Anh, Phước Vĩnh, Thanh Phúc… cho đến những cầu thủ trẻ như Văn Học, Hoàng Quãng, Thanh Hưng… đều là sản phẩm “cây nhà lá vườn” do hệ thống đào tạo trẻ Đà Nẵng sản sinh. Tính địa phương, tinh thần thi đấu “vì màu cờ sắc áo” ở SHB Đà Nẵng, vì thế rất đậm nét.
Đây là thành quả từ quá trình đầu tư dài hơi của thành phố cho công tác đào tạo trẻ của Đà Nẵng gần chục năm qua. Hiện tại, tuyến trẻ của SHB Đà Nẵng được duy trì xuyên suốt từ U11 cho đến U21 với đội ngũ HLV xuất thân từ các thế hệ đi trước của bóng đá Đà Nẵng.
Những cựu danh thủ một thời như Nguyễn Văn Minh (Chức “đen”), Trần Vũ, Phan Thanh Hùng, Bùi Thông Tuân, Bùi Thông Tuân, Phan Công Thìn, Hà Xá, Lê Văn Hà… vẫn ngày đêm miệt mài đào tạo nên lứa cầu thủ kế cận cho đội bóng sông Hàn.
Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo bóng đá trẻ ở Đà Nẵng, vốn được đầu tư căn cơ từ khi đội bóng còn trực thuộc thành phố, đang ngày càng phát huy hiệu quả rõ rệt.
Các tuyến trẻ của SHB Đà Nẵng hiện đang sở hữu những cơ ngơi hoành tráng ở Trung tâm thể thao thành tích cao Tuyên Sơn, điều mà các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ khác không dễ có được.
Nhờ “nền móng” vững chắc ấy, “ngôi nhà” SHB Đà Nẵng mới phát triển một cách bền vững sau khi được chuyển giao. “Chất” Đà Nẵng, vì thế vẫn đậm đặc dù đội bóng đã thuộc quyền sở hữu của SHBank.
So với các đội bóng đã được chuyển giao cho doanh nghiệp, SHB Đà Nẵng vẫn có những đặc trưng riêng, lối đi riêng và nhờ đó, họ đã thành công.
Thành công ấy càng có ý nghĩa hơn khi nó thật sự bền vững vì có sự đầu tư, chăm chút một cách căn cơ từ nhiều phía chứ không đơn thuần chỉ là bỏ tiền để mua thành công như nhiều đội bóng khác. Đó là sự khác biệt!
Theo Viet Nam Net