Bóng đá Bình Thuận: Ba năm cho một tham vọng !

Đăng ngày: 2/20/2012 12:00:00 AM - Lượt xem 3117

Điều này cũng phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh trong thời gian tới. Nhưng ba năm cho một tham vọng đưa bóng đá Bình Thuận góp mặt ở sân chơi mới liệu có khả thi?  

Vẫn là môn thể thao “vua”

Có thể khẳng định: Từ nhiều năm qua tại Bình Thuận, bóng đá luôn là môn thể thao “vua” được đông đảo quần chúng nhân dân yêu thích nhất. Điều này thể hiện qua phong trào luyện tập bóng đá mini với số lượng sân bóng và người tham gia ngày càng nhiều. Đến nay toàn tỉnh có gần 100 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, thu hút trên 400 đội bóng đủ lứa tuổi tham dự các giải đấu quy mô lớn nhỏ. Riêng tại TP. Phan Thiết, chỉ tính giải Futsal vô địch tổ chức hàng năm cũng thường xuyên quy tụ trên 25 đội đăng ký tranh tài…

Tuy nhiên, ở sân chơi tầm cao hơn là Giải bóng đá hạng nhì quốc gia thì đội tuyển Bình Thuận chưa tạo ra ấn tượng đáng kể để người hâm mộ “mơ mộng” ngày nào đó sẽ thăng hạng nhất. Thành tích tốt nhất đạt được là cách đây 8 năm (2004), khi ấy đội tuyển tỉnh nhà đã góp mặt tại vòng chung kết tranh suất lên hạng nhưng lại… lỗi hẹn. Chính vì vậy mà mong mỏi của quần chúng nhân dân địa phương vẫn chưa được đáp ứng, chỉ tiêu “trụ hạng” ở mỗi mùa giải tham gia sân chơi hạng nhì cũng… lỗi thời. Nên biết rằng, thành công hay thất bại của đội tuyển bóng đá có tác động rất lớn đến tâm tư tình cảm của người dân Bình Thuận. Thế nên mới có chuyện trong những lần tiếp xúc của đại biểu Hội đồng nhân dân, không ít cử tri đã đặt thẳng vấn đề bao giờ bóng đá Bình Thuận mới thăng hạng nhất?

Lực có tòng tâm?

Qua tìm hiểu “cận cảnh” lực lượng cũng như chất lượng đội tuyển bóng đá Bình Thuận, thì tham vọng thăng hạng nhất trong vòng 3 năm tới là điều không dễ thực hiện. Hiện đội tuyển của tỉnh có chưa tới 20 vận động viên là người địa phương, trong số này chỉ có 1/3 vận động viên đủ trình độ và thường xuyên được thi đấu ở giải hạng nhì quốc gia. Còn lại 2/3 lực lượng là lứa vận động viên mới trưởng thành qua các khóa đào tạo của Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT tỉnh. Với tuổi đời và tuổi nghề non trẻ, nên số vận động viên này vẫn còn hạn chế về trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm thi đấu trận mạc ở giải bóng đá tầm quốc gia. Riêng đội ngũ huấn luyện viên, hiện tại trong Ban huấn luyện đội tuyển Bình Thuận chỉ gồm 2 huấn luyện viên, trình độ chuyên môn cũng mới có bằng C của AFC.

Tình hình lực lượng đội tuyển đã vậy nhưng hệ thống đào tạo, quản lý các tuyến trẻ và năng khiếu lại chưa đảm bảo được tính kế thừa. Trong khi đó, hệ thống tổ chức thi đấu giải ở tỉnh cũng không ổn định nên ảnh hưởng đến công tác phát hiện tài năng, tuyển chọn bổ sung cho đội tuyển. Một vấn đề khá tế nhị nhưng cũng phải đặt ra là kinh phí đáp ứng lương cho vận động viên, huấn luyện viên, thưởng thi đấu, chuyển nhượng cầu thủ… Khoản tiền này dự kiến mỗi năm phải huy động tối thiểu từ 5 - 7 tỷ đồng, trong đó lương cho vận động viên loại I là 5 - 7 triệu đồng/tháng/người (loại II từ 3 - 5 triệu đồng/tháng), huấn luyện viên trưởng 20 - 25 triệu đồng/tháng, thưởng 30 - 50 triệu đồng/trận thắng. Đó là chưa tính lương, chuyển nhượng cầu thủ nước ngoài nếu Liên đoàn BĐVN cho phép các CLB hạng nhì sử dụng (dự kiến có thể thực hiện từ năm 2013). Ngoài ra để nâng cao chất lượng chuyên môn, địa phương cũng cần đầu tư nâng cấp sân bóng, khu nhà ở cho vận động viên, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý…

Nếu thăng hạng nhất

Ngay bây giờ, ngành thể thao địa phương có thể tính đến chuyện vạch ra lộ trình nếu bóng đá Bình Thuận góp mặt ở sân chơi giải hạng nhất quốc gia trong thời gian tới. Khi đó đội bóng của tỉnh phải có sự tham gia của doanh nghiệp theo tiêu chí bắt buộc mà Liên đoàn BĐVN đặt ra cho tất cả các đội bóng, áp dụng từ mùa giải năm 2014 trở đi. Và để duy trì hoạt động của một đội bóng dự giải hạng Nhất quốc gia, theo ước tính mỗi năm phải đảm bảo nguồn kinh phí không hề nhỏ, khoảng 35 - 40 tỷ đồng/năm. Theo đó, phần ngân sách địa phương cần hỗ trợ mỗi năm từ 5 - 7 tỷ đồng, phần còn lại doanh nghiệp phải tìm cách tự “bơi”…

Đầu tư đội tuyển bóng đá Bình Thuận thăng hạng Nhất quốc gia giai đoạn 2012 đến 2015 là một tham vọng lớn, đáp ứng sự mong mỏi của hầu hết người dân địa phương. Bởi thông qua môi trường hoạt động của bóng đá đỉnh cao, hình ảnh địa phương cũng được quảng bá hiệu quả trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế. Nhưng để điều đó trở thành hiện thực chỉ trong 3 năm tới, bóng đá Bình Thuận rất cần sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh và ngành, của các doanh nghiệp tâm huyết… Nếu không, tham vọng sẽ trở thành nỗi thất vọng cho người hâm mộ quê nhà - nơi mà tình yêu và sự kỳ vọng dành cho bóng đá luôn cháy bỏng.

Nguồn: Báo Bình Thuận

Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT