Sau hai lần Hội thảo lấy ý kiến đóng góp, Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa cho Đề án phù hợp với yêu cầu quy định đối với một Đề án, trong đó đánh giá đầy đủ, bao quát hơn về thực trạng của địa phương đăng cai. Thông qua hai kỳ Hội thảo, An Giang cũng nhận được ý kiến đồng thuận cao là địa phương đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018.
Thay mặt Ban soạn thảo, Vụ trưởng Vụ TDTT Quần chúng Vũ Trọng Lợi đã báo cáo tóm tắt phần chính của Đề án, gồm: Bối cảnh và cơ sở pháp lý của việc xây dựng Đề án; Quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, quy mô, thời gian và địa điểm tổ chức Đại hội TDTT các cấp và Đại hội TDTT toàn quốc; Các giải pháp, các giai đoạn thực hiện Đề án...
Theo đó, Đại hội TDTT các cấp và Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 được tổ chức góp phần tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020; Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 14 tháng 1 năm 2013 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08 - NQ/TW ngày 01 tháng 12 năm 2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020. Đồng thời hướng tới mục tiêu cụ thể: 97% đơn vị cấp xã, 98% đơn vị cấp huyện, 100% cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức Đại hội TDTT, góp phần đẩy mạnh các hoạt động TDTT Quần chúng nhằm thực hiện ngày càng hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" phấn đấu đạt mục tiêu 33% dân số, 25% tổng số hộ gia đình tập luyện TDTT thường xuyên vào năm 2020.
Tỉnh An Giang - địa phương đăng cai tổ chức Đại hội VIII có nhiều ưu thế như: nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng Bằng sông Cửu Long. An Giang cũng là địa phương có nguồn nhân lực về TDTT dồi dào (1.300 cán bộ, HLV, giáo viên chuyên trách TDTT phần lớn đều có trình độ cao đẳng và Đại học). Đội ngũ cán bộ, HLV, trọng tài của An Giang được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các giải thi đấu lớn của khu vực, quốc gia và quốc tế nhất là các giải Điền kinh, Bóng đá, Xe đạp.... Có các công trình phục vụ tập luyện và thi đấu thể thao đã và đang từng bước được đầu tư. Tính đến nay có 1.538 sân bãi thể thao các loại.
Đề án cũng nêu rõ, 36 môn của Đại hội trong đó có 10 môn trọng điểm loại I và 22 môn trọng điểm loại II được tổ chức tại An Giang và 10 tỉnh lân cận. Đại hội TDTT các cấp dự kiến diễn ra từ tháng 6/2016 đến tháng 5/2018 và Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII vào tháng 8/2018.
Góp ý cho Đề án, Phó Vụ trưởng Vụ TTTTC - ông Hoàng Mạnh Cường khẳng định: khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long có nhiều kinh nghiệm tổ chức các giải thể thao, điều kiện cơ sở vật chất tốt, nhân lực điều hành tổ chức có chất lượng. Tuy nhiên, cần lưu ý số lượng các địa phương đăng cai sao cho hợp lý, tiết kiệm mà hiệu quả. Có thể tính đến phương án tổ chức theo nhóm môn ở một địa phương hoặc địa phương gần nhau.
Ông Nguyễn Hồng Minh - Chánh Văn phòng Tổng cục TDTT cho rằng: đề án có nội dung, kết cấu phù hợp tuy nhiên cần bổ sung kỹ hơn đánh giá về cơ sở vật chất tại địa phương đăng cai, hiện trạng, nhu cầu... Trong số 10 tỉnh phụ cận đăng cai, có 5 tỉnh tổ chức 1 môn và 3 tỉnh tổ chức 2 môn sẽ gây ra tình trạng phân tán, dàn trải...
Kết luận chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Khánh Hải đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp, trong đó lưu ý phần quan điểm, mục tiêu để chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò tham mưu về chuyên môn của các vụ chức năng nhất là vụ TTTTC và Vụ TDTT Quần chúng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Đề án, để Đề án có tính khả thi và hiệu quả cao.
Nguồn: TDTT.GOV.VN