Nhận thấy tiềm năng, ngành thể thao địa phương kịp thời cử một HLV tốt nghiệp Đại học TDTT- Khoa Bơi lội học hỏi và tiếp cận môn Canoeing. Sau gần một năm “cắm rễ” tại Hà Nội, HLV Phan Đăng Nguyên trở lại quê nhà và bắt đầu tuyển chọn lực lượng, xây dựng bộ môn đua thuyền hiện đại này.
HLV Phan Đăng Nguyên nhớ lại: Sau Đại hội TDTT toàn quốc lần IV, có lúc bộ môn Canoeing ở Bình Thuận đã đi vào bế tắc vì điều kiện quá khó khăn. Không HLV chuyên môn, không có cả thuyền và chèo nên những VĐV tiên phong của bộ môn chẳng thiết tha tập luyện nữa. Nhưng rồi Canoeing của Bình Thuận cũng hồi sinh vào cuối năm 2003 khi mà địa phương quyết tâm duy trì, phát triển như những môn thành tích cao thế mạnh khác. Mới đầu bộ môn chỉ thu hút 8 VĐV tham gia, nhưng đến nay lực lượng này đã tăng lên con số 23, trong đó có 6 VĐV nữ. Riêng với lực lượng nam, Canoeing Bình Thuận có khả năng tham gia đầy đủ các nội dung thi đấu giành cho phái mạnh.
So các trung tâm thể thao lớn trong cả nước, Bình Thuận tập trung đầu tư phát triển bộ môn Canoeing khá muộn, chỉ khoảng 7 năm trở lại đây. Nhưng với thành tích đạt được trong thời gian qua, có thể nói Canoeing Bình Thuận đã có bước tiến dài đáng tự hào. Số huy chương trên đấu trường quốc nội theo đó cũng tăng cao qua từng năm với tổng cộng gần 170 huy chương các loại. Nếu như năm 2002 chỉ đạt 2 HCV- 2 HCB- 2 HCĐ, thì trong năm 2009 toàn đội đã thâu tóm 10 HCV- 10 HCB- 16 HCĐ. Hiện Bình Thuận, Hà Nội và Hải Phòng là 3 địa phương dẫn đầu về thành tích Canoeing trong cả nước ở tất cả các giải thi đấu. Nổi bật như trong năm vừa qua, Canoeing Bình Thuận đã đứng nhất toàn đoàn tại giải Trẻ toàn quốc và xếp thứ 3 tại giải vô địch quốc gia…
Không những đóng góp ấn tượng vào thành tích cho thể thao tỉnh nhà, Canoeing Bình Thuận còn là nguồn bổ sung lực lượng cho thể thao Việt Nam. Tính từ năm 2007 đến đầu năm 2010, đã có 6 VĐV Bình Thuận được gọi vào Đội tuyển quốc gia tham gia thi đấu quốc tế. Thành công đáng kể nhất là việc VĐV Nguyễn Thành Quang (SN 1990) đã đoạt HCĐ quý giá cho Đội tuyển Việt Nam trong chuyến xuất ngoại thi đấu tại Iran năm 2009. Ngoài Quang, bộ môn Canoeing Bình Thuận còn có những gương mặt trẻ khác như: Nguyễn Văn Vũ (SN 1991), Trần Thanh Tình (SN 1993), Phan Văn Phin (SN 1993)… là lực lượng kế thừa đáng tin cậy.
Trong năm 2010 này, Canoeing Bình Thuận tiếp tục bước vào những giải đấu lớn với trọng trách gánh vác một phần chỉ tiêu không nhỏ cho thể thao tỉnh nhà. Trong đó tập trung vào giải tại Đại hội TDTT toàn quốc lần VI với nhiệm vụ hoàn thành ¼ chỉ tiêu HCV (tức 2 trong tổng số 8 HCV) mà đoàn Bình Thuận đã đề ra. Bên cạnh đó, Canoeing Bình Thuận còn tham gia giải các CLB toàn quốc phấn đấu đoạt 3 HCV và giải Vô địch Trẻ với chỉ tiêu 2 HCV. Trường hợp VĐV Nguyễn Thành Quang hiện đang tập trung cùng Đội tuyển quốc gia còn được ngành thể thao kỳ vọng nhiều hơn. Đó là sẽ tạo điều kiện tốt nhất để anh ra nước ngoài tập luyện nâng cao thành tích và nỗ lực thi đấu giành được huy chương tại Á vận hội (ASIAD 16 - 2010) diễn ra tại Quảng Châu - Trung Quốc vào cuối năm nay…
Bảy năm- một chặng đường chưa phải là dài, song với những gì đã thể hiện cho thấy Canoeing đã có bước tiến dài và trở thành môn thể thao thế mạnh của Bình Thuận. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao định hướng phát triển môn Canoeing tại địa phương theo hướng quy củ, chuyên nghiệp và hiện đại hơn. Bởi cho đến nay, dù tiến hành thành lập CLB nhưng môn Canoeing vẫn chưa có địa điểm tập luyện nhất định mà chỉ tận dụng những đoạn sông phù hợp. Hơn nữa để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các VĐV, ngành thể thao địa phương cần đảm bảo thiết bị đúng tiêu chuẩn và tính đến chuyện “giữ chân” các tài năng trẻ. Vì đặc thù của bộ môn là thường xuyên luyện tập và thi đấu xa nhà, nên vấn đề “chảy máu” VĐV thể thao thành tích cao không thể xem nhẹ. Đặc biệt với bộ môn Canoeing đang được các tỉnh thành đầu tư mạnh mẽ, thì việc tìm cách đưa về những VĐV chất lượng bằng chế độ đãi ngộ rất dễ xảy ra.
Theo Báo Bình Thuận