Cầu lông-Từ giải vô địch đồng đội toàn quốc năm 2009: Phiền muộn nghĩ về tương lai

Đăng ngày: 6/3/2009 12:00:00 AM - Lượt xem 3634

CHƯA CÓ NGƯỜI “KẾ VỊ”

Trận thắng Quang Tuấn (Hà Nội) với tỷ số 2-0 (21/8, 21/6), hạ Quang Huy (Quân đội) 2-0 (21/8, 21/5) là hai ví dụ điển hình để chỉ ra sự cách biệt quá xa về trình độ chuyên môn giữa Nguyễn Tiến Minh với các tay vợt nam hiện nay. Rất nhiều những tay vợt trẻ xuất hiện trong vài năm trở lại đây, nhưng chưa ai đủ sức chỉ ra rằng họ sẽ là người “kế vị” của nhà vô địch toàn năng Nguyễn Tiến Minh.

Chưa hết, nhìn cảnh những tay vợt “lão tướng” như Nhân Hòa (Đồng Nai, 29 tuổi), Phạm Ngọc Tản Đà (Quân đội, 38 tuổi) vẫn tiếp tục cày ải trên sân, giới chuyên môn càng buồn rầu cho cảnh thiếu hụt của lực lượng nam.

Các tay vợt trẻ dù đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn chưa đủ sức thay thế đàn anh, đàn chị.

Với nữ lại càng bi đát hơn. Những tưởng sự có mặt của Lê Ngọc Nguyên Nhung sẽ giúp TPHCM bảo vệ ngôi vô địch, thì ngược lại, những gì mà tay vợt này thể hiện thật đáng thất vọng. Nhung để thua Nguyễn Thị Sen/Phạm Thị Trang (Bắc Giang) ở trận đánh đôi.

Trong khi đó, đương kim vô địch Thái Thị Hồng Gấm (TPHCM) bắt đầu di chuyển nặng nề, các quả đập sở trường không đủ mạnh, thể lực giảm, để thua cả tay vợt đàn em chuyên đánh đôi Nguyễn Thị Sen (Bắc Giang). Trong khi đó, lớp trẻ với những Mai Vy, Ngọc Uyên (TPHCM), Hà Thị Thảo (Bắc Giang), Nhựt Huỳnh (Quân đội), Hồng Ánh (Hà Nội)… phải rèn dũa cật lực vài ba năm nữa may ra mới làm nên chuyện.

Ở giải năm nay, ngoài yếu tố chuyên môn, còn có điều đáng buồn khác. Đấy là tinh thần cũng như tác phong thi đấu của nhiều VĐV rất thiếu lửa. Họ xem các trận thắng và thua với thái độ thờ ơ. Thậm chí, thua trận rồi nhưng vẫn “vui như tết”, mà thái độ của Phạm Thị Trang (Thanh Hóa), Quang Thuyết (Đồng Nai) là những thí dụ. Trao đổi với người viết, HLV Huỳnh Hữu Phúc (Đồng Nai) chua chát nói: “Ở thập niên 80, chúng tôi đi xe commăngca, mang theo cả gạo đi dự giải, khổ hết chỗ nói và nếu thua trận thì đêm nằm không ngủ được. Vừa lo, vừa tức nên luôn suy nghĩ tìm cách để thắng lại. Vậy mà lớp trẻ bây giờ sướng đủ đường, đi máy bay, ăn cơm tiệm, mặc áo quần hàng hiệu nhưng không có lòng tự trọng, thua trận mà cứ nhởn nhơ cười”(!?).

NỖI LO TRỌNG TÀI

Tại giải có hơn 20 trọng tài thì địa phương đóng góp 18 vị. Nghĩa là, kịch bản sử dụng các trọng tài nghiệp dư (cả chính lẫn biên) ở giải đấu chuyên nghiệp vẫn đang tiếp diễn. Đội ngũ trọng tài vừa thiếu, vừa yếu lại không có thời gian để tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn. Trước giải, BTC có tổ chức 1 buổi tập huấn chiếu lệ, mà thực chất chỉ là cuộc họp phân công nhiệm vụ, nên quá trình điều hành đã xảy ra nhiều sai sót.

Các lỗi mà trọng tài thường mắc phải đấy là sự phối hợp thiếu ăn ý giữa trọng tài chính và biên. Đã nhiều lần khán giả la ó dữ dội khi trọng tài chính thì chỉ tay báo hiệu cầu ở trong sân, nhưng trọng tài biên lại chỉ ra ngoài, nên mới dẫn đến chuyện trọng tài… thưởng cho đội này hay đội kia 1 điểm khi biết mình đã mắc lỗi. Ví như, trường hợp trọng tài chính Nguyễn Văn Trọng, người điều khiển trận Thái Thị Hồng Gấm (TPHCM) gặp Phạm Thị Trang (Thanh Hóa), đã vô tư nói thẳng với HLV Nguyễn Thế Huy (TPHCM): “Em biết quả trước mình bắt sai, nên quả sau bắt sai đội bạn để bù lại”(!?).

Một giải đấu thiếu vắng nhiều đơn vị có truyền thống như Bộ Công an, Thái Nguyên, Quảng Ninh (nam), Thái Bình, Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng, Ninh Bình (nữ), không có nhân tố mới xuất hiện, đội ngũ trọng tài yếu... nên cứ với đà này, cầu lông Việt Nam chẳng mấy nữa sẽ trở nên nhàm chán.

Theo sggp.org.vn

Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT