Mặt khác, trong lúc tìm cách chạy chữa căn bệnh ung thư giai đoạn cuối của mẹ già nhưng Ngọc Phong vẫn liên tục đưa judo tỉnh Bình Thuận lên những tầm cao mới…
Từ 5 năm nay, tất cả các quán cà phê tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) đều nhẵn mặt “ông thầy” judo Nguyễn Ngọc Phong. Thói quen đến quán của anh là chọn một góc khuất, gọi 1 chai nước suối và ngồi đó quan sát khách ra vào. Thấy ai có tướng tá “ngon ngon”, bằng con mắt nhà nghề, Phong tiến lại làm quen và “rủ rê” học judo miễn phí. Dĩ nhiên, nơi chọn võ sĩ tương lai của Phong không chỉ là quán cà phê mà có thể mọi lúc mọi nơi: lúc đi chợ, khi chạy xe ngoài đường… Cách tuyển chọn này nghe có vẻ lạ lùng nhưng là con đường duy nhất giúp Phong (và cả đội tuyển judo tỉnh Bình Thuận) có lực lượng kế thừa bởi tỉnh này không có phong trào judo. Bằng cách “trông mặt bắt hình dông”, chính Phong đã đưa judo Bình Thuận ghi tên vào lịch sử thể thao nước nhà khi học trò của anh, Nguyễn Tấn (60kg, chàng trai được chọn từ một quán cà phê) là võ sĩ đầu tiên vô địch Đông Nam Á.
10 năm về trước, Phong là võ sĩ judo duy nhất của tỉnh Bình Thuận có thành tích VĐQG (từ năm 1999 đến 2005 ở hạng 66 đến 73kg) và á quân, HCĐ các giải quốc tế. Trong giới judo, anh được sự ngưỡng mộ của đồng đội vì tinh thần tập luyện và chiến đấu ngoan cường cũng như tác phong đạo đức mẫu mực. Từ khi vô đội tuyển (2001 đến 2005), chiếc băng thủ quân của đội đều do anh nắm giữ. Ngay khi HLV tiền nhiệm từ chức (giữa năm 2004), Phong còn được trao quyền HLV đội tuyển tỉnh kiêm cả vai trò VĐV. Lần đó, trong khi huấn luyện tuyển judo học sinh tỉnh thể lực chuẩn bị Hội khỏe Phù Đổng 2004 trên biển Đồi Dương, anh đã bất chấp hiểm nguy để cứu sống 4 học trò trẻ của mình khỏi cơn sóng dữ...
Đầu năm 2004, với 50 triệu đồng (dành dụm từ tiền thưởng các giải quốc tế), Phong mở võ đường tại nhà (diện tích 160m2). Ít ai ngờ, cái sân tập nghèo nàn theo đúng nghĩa của nó bởi dùng lốp xe và vỏ trấu để làm thảm, lại là nơi đào tạo ra những nhà vô địch và vô địch trẻ quốc gia nối tiếp thành tích của Phong: Lê Quốc Tấn, Võ Đức Thắng, Nguyễn Thị Minh Tú… và cao trào thu hút đến gần 100 học viên phong trào.
Rất ít người biết rằng suốt 4 năm qua, ngoài vai trò HLV trưởng, Phong còn giữ trọng trách vừa làm chồng, làm cha 2 đứa con nhỏ và là sinh viên trường Đại học TDTT TP.HCM. Cuộc sống của anh 4 năm qua là di chuyển liên tục đi - về giữa Phan Thiết và TP.HCM, vừa lo cho gia đình, vừa lo chuyện học văn hóa và lớp judo của đội tuyển tỉnh. Khi nào có đợt tập huấn cho đội, anh xin nghỉ học dài hạn hoặc bảo lưu điểm. Bên cạnh đó, anh cùng vợ ra sức chạy chữa cho người mẹ già đang bị ung thư giai đoạn cuối. Thuở Phong còn là VĐV, mẹ anh không bao giờ “cười nổi” với niềm đam mê “lấy sàn tập làm bạn” của con trai cả và quanh năm suốt tháng luôn vắng nhà vì lo tập huấn “tùm lum” chỗ. Bà nói: “…từ hồi nó theo judo, tiền ra liên tục chứ có thấy vô bao giờ. Còn nữa, trong người nó bây giờ đâu có chỗ nào mà bác sĩ chưa “sờ” đến”. Nói vậy nhưng bà luôn tôn trọng với niềm đam mê riêng của con và đương nhiên là người âm thầm ủng hộ tài chính cho anh đeo đuổi cái nghiệp thể thao bằng nghề bán gạo của mình. Khi bà lâm bệnh, anh cùng vợ lo lại chuyện buôn bán gạo để mục đích chính là trang trải kinh tế gia đình và để… “làm judo”.
Mức lương HLV vỏn vẹn 1,6 triệu đồng/tháng không làm Phong nhụt chí với nghiệp võ như anh tâm sự: “Thể thao không là nghề bạc bẽo bởi bạn hãy cảm ơn nó đã cho bạn niềm đam mê với nó và chắc chắn bạn cũng không thể rứt ra khỏi nó trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Vậy thì bạn hãy làm quen với nỗi cay đắng lẫn vinh quang mà thể thao đem lại”. Thực tế thời gian qua, Phong đã nhận được rất nhiều lời mời từ các tỉnh thành bạn với mức lương và chế độ hậu hĩnh hơn rất nhiều. Nhưng “… làm sao có thể bỏ được lớp tập nhà mình, nơi vẫn sáng đèn cùng các cô cậu học trò của mình”, Phong chia sẻ.
Cuối năm nay, Phong sẽ có bằng cử nhân TDTT và anh hy vọng đó là tấm bằng thông hành để anh thuộc biên chế tỉnh nhà, rộng đường và thuận lợi hơn trong việc phát triển bộ môn mà anh đã lỡ “vướng nghiệp” suốt hơn 10 năm qua.
Theo Thanh Niên Online