Chuyện của Hương, Nhung
Lần đầu sau khá lâu rồi, nhiều người mới thấy lại “Nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương bước vào một cuộc tranh tài quan trọng. Hơn nửa năm qua, Hương vẫn bị chấn thương cổ chân hành hạ và chỉ mới bình phục hoàn toàn cách đây chưa lâu. Đấy là lý do lớn nhất khiến buộc HLV trực tiếp của cô, ông Nguyễn Đình Minh, không để cô tham dự bất kỳ giải đấu quốc tế nào, dù đấy có là Asian Grand Prix hay vô địch thế giới đi chăng nữa.
Vì thế, ngay ở ngày đầu tiên của giải VĐQG 2009, Hương buộc phải chứng tỏ rằng, cô thực sự đã bỏ lại nỗi ám ảnh chấn thương ở phía sau để lên ngôi. Tất nhiên, nói như HLV Đình Minh, không thể kỳ vọng vào Hương quá nhiều, khi VĐV này mới dứt chấn thương và mới tập luyện nặng trở lại.
Dù sao, việc xuất hiện Vũ Thị Hương trong đội hình, điền kinh An Giang mới có hy vọng tranh chấp một trong 3 thứ hạng cao nhất cùng Hà Nội và Quân đội. Cô sẽ dự các nội dung 100m, 200m, 4x100m và 4x200m, nên khả năng giúp An Giang giành trọn 4 chiếc HCV là điều không quá khó, bất chấp sự cạnh tranh đến từ các đoàn Hà Nội và TPHCM.
Bùi Thị Nhung thậm chí không thể vượt qua được mức xà 1m80 sau cả 3 lần nhảy khi tham dự giải VĐTG 2009 tại Đức hồi tháng trước. Đấy có lẽ là điều đáng quên nhất trong số những lần xuất ngoại của “nữ hoàng nhảy cao” Việt Nam. Có thể cho rằng vì mức xà khởi điểm cao hơn so với mức bình thường, nhưng không thể lấy chuyện này để biện minh cho sự sa sút rất rõ rệt về chuyên môn của Nhung. Vì vậy, giải VĐQG 2009 chẳng khác gì thời điểm để cô sửa lại sai lầm của mình bằng một mức xà “coi cho được”.
Duy Bằng sẽ trở lại đội tuyển?
Sự nghiệp điền kinh của kỷ lục gia Nguyễn Duy Bằng chưa hề bằng phẳng. Hai năm trước, Bằng tuyên bố chia tay ĐTQG, đưa người yêu Nguyễn Thị Ngọc Tâm vào lập nghiệp ở TPHCM. Bươn chải đủ nghề, từ tập chơi bóng đá, dạy quần vợt… nhưng cái máu điền kinh hình như vẫn chưa thể nhạt đi trong con người Bằng. Vì vậy, thời gian gần đây, nhiều người thấy Duy Bằng tập luyện miệt mài, dự khá nhiều giải điền kinh với các nội dung nhảy cao, nhảy xa.
Ở giải VĐQG 2009, Bằng vẫn thi đấu cho Bến Tre, địa phương mà anh từng có thời xin rút khỏi biên chế. Thời điểm này, việc giành ngôi vô địch nhảy cao nam đối với Duy Bằng thật chẳng khó, vì hầu hết các đối thủ của anh dù mới hay cũ vẫn chưa ai qua được mức 2m15. Nhưng liệu Duy Bằng có chứng tỏ được năng lực để trở lại cùng ĐTQG hay không lại là chuyện khác. Trưởng bộ môn điền kinh Việt Nam Dương Đức Thủy cho biết: “Nếu Duy Bằng vẫn duy trì được thành tích từ 2m15-2m17 ở giải VĐQG năm nay, LĐĐK và bộ môn vẫn mở rộng cửa cho Bằng tập trung ĐTQG dự AIG3 và SEA Games 25”.
Sáng nay, Duy bằng sẽ bước vào đợt nhảy chung kết và đấy có thể là thời điểm, người ta buộc phải nghĩ nghiêm túc về tương lai của VĐV này ở ĐTQG.
Điền kinh TPHCM về đâu?
Khi nhà vô địch cự ly trung bình Trương Thanh Hằng dứt áo ra đi, điền kinh TPHCM gần như chẳng còn gương mặt sáng giá nào để bấu víu thành tích. Vì thế, địa phương từng được đánh giá là số 1 Việt Nam về sản sinh ra những tài năng điền kinh này đang đứng trước nguy cơ “trắng” HCV. TPHCM không thể cạnh tranh các nội dung từng là thế mạnh của mình như các cự ly ngắn, cự ly rào, trung bình, nhảy nam, nữ cùng các đoàn Quân Đội và An Giang nữa.
Thanh Hằng vẫn còn bị làm khó
Thực ra, cảnh tượng chẳng đến mức thảm như vậy, nếu cách đầu tư, cách làm của ngành TDTT không quá dàn trải và thiếu trọng tâm. Giả sử những gương mặt xuất sắc như Hoàng Thanh Việt, Trần Thanh Ngọc Trọng, Trần Nghĩa Nhân, Vũ Thị Hằng Ni… được chăm chút đến nơi đến chốn, thì có lẽ giờ đây, khi một Trương Thanh Hằng ra đi, TPHCM đã có nhiều VĐV tài năng khác lấp vào chỗ trống thành tích.
Theo SGGP