Ưu thế vượt trội ấy làm nhiều đoàn phải nể phục khi VĐV Thái Lan lần lượt xếp nhất trong những nội dung quan trọng như 400m vượt rào nam, 400m vượt rào nữ, 200m nam, nhảy 3 bước… cùng 4 HCV ở 4 nội dung tiếp sức 4x100m (nam, nữ) và 4x400m (nam, nữ).
Trong lúc đó, chủ nhà Việt Nam chỉ có thể tạo dấu ấn ở các nội dung dành cho nữ. Điểm nhấn chính là 2 chiếc HCV của Nguyễn Thị Thúy và Trần Huệ Hoa. Vượt qua 2 đối thủ Thái Lan và Singapore ở đoạn nước rút, Thúy xuất sắc vượt lên cán đích đầu tiên cự ly 200m (thành tích 25"07), qua đó đoạt HCV. Trần Huệ Hoa đoạt HCV nhảy cao khi cô đạt mức xà 1m73.
Không chỉ chú ý tới các cuộc tranh tài trên đường chạy, mọi con mắt còn dồn sự chú ý tới nội dung nhảy cao nam. Một cuộc so tài căng thẳng và kịch tính, nhưng đầy hấp dẫn ở nội dung này và rốt cuộc sau khi các mức xà lần lượt được thay đổi từ 2m04, 2m06… HCV đã thuộc về Anpalagan (Malaysia) với thành tích 2m08.
Bên cạnh đó, điểm gây nhiều tranh cãi đã xảy ra tại bảng tổng sắp huy chương cuối cùng. Khi các kết quả được đưa về, ông Srichaisawat Paiboon (phụ trách Tiểu ban kỹ thuật của BTC) chỉ đồng ý công nhận chủ nhà Việt Nam đạt thành tích 7 HCV, 7 HCB và 13 HCĐ, gạt bỏ 3 HCV của Việt Nam vì cho rằng ở các nội dung 7 môn phối hợp nữ, 8 môn phối hợp nam và 2.000m vượt chướng ngại vật nữ chỉ có VĐV Việt Nam tham dự nên không tính vào bảng thành tích chung cuộc. Nhưng rốt cuộc, 3 HCV kia vẫn được tính cho chủ nhà, sau khi ông Nguyễn Trung Hinh (Phó Trưởng BTC giải) đã phản ứng và xin ý kiến từ TTK Liên đoàn điền kinh châu Á Maurice R Nicholas.
Kết quả chung cuộc: 1/Thái Lan (14V, 11B, 4Đ); 2/Việt Nam (10V, 7B, 13Đ); 3/Malaysia (2V, 4B, 3Đ); 4/Indonesia (2V, 3B, 2Đ); 5/Singapore (1V, 2B, 3Đ); 6/Myanmar (1V, 2Đ).
Theo sggp.org.vn