Theo thông tin từ BTC, tính đến ngày 25/10, đã có 46 đội đăng kí tham gia, gồm 39 đội nam và 7 đội nữ. Trong đó, có 10 đội đến từ các tỉnh bạn: Bạc Liêu 5 đội (3 đội nam, 2 đội nữ), Hậu Giang (1 đội), Vĩnh Long (1), Kiên Giang (1), Cà Mau (1) và thành phố Cần Thơ (1).
Các đội đua sẽ tranh tài ở 2 cự ly 1.000m nữ và 1.200m nam. Dự kiến trong ngày 9 là cuộc so tài của các đội ghe nữ cùng 2 luợt vòng đấu bảng của nội dung thi đấu nam. Ngày 10 sẽ thi đấu những vòng còn lại của nam và kết thúc giải đua. Phần thưởng dành cho ngôi vô địch năm nay là 30 triệu đồng, cho cả nam lẫn nữ. Riêng ở nội dung thi đấu của nam còn có thêm giải thưởng cho các đội xếp nhất nhì bảng và ở từng vòng đấu loại trực tiếp.
Giải Đua ghe ngo - Lễ hội Oóc-om-bóc năm nay là một hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ II tại tỉnh Sóc Trăng và là một trong những hoạt động trọng tâm của Festival. Giải có quy mô tổ chức mang tầm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng chính là nét mới của giải so với những lần tổ chức trước.
Cùng với các hoạt động văn hoá, sân khấu lễ hội, triển lãm, hội thảo khoa học, diễu hành xe hoa trước lễ khai mạc, đêm hội hoa đăng kết hợp với biểu diễn lân - sư - rồng; các hội thi (viết “Bãi Xàu - Thương cảng quốc tế xưa và nay”; Hội thi nhiếp ảnh nghệ thuật với chủ đề: “Cây lúa Việt Nam biến đổi khí hậu toàn cầu”; Hội thi “Gạo ngon thương hiệu Việt” và Hội thi “Người đẹp miệt vườn”); được tổ chức sẽ hứa hẹn mang đến sự hấp dẫn, mới lạ về Festival lúa gạo Việt Nam.
Đáng chú ý là giải Đua ghe ngo - môn thể thao truyền thống đặc sắc, hấp dẫn của đồng bào Khmer Nam Bộ được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của Đại hội TDTT toàn quốc sẽ góp phần làm phong phú thêm các hoạt động trong chương trình Festival lúa gạo Việt Nam. Đây cũng chính là Ngày hội văn hóa - thể thao - du lịch mang tính đặc trưng để giới thiệu hình ảnh vùng đất, con người Sóc Trăng.
Hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tổ chức, như: đường đua, khán đài được Nhà nước đầu tư khá quy mô đã được chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng chờ ngày khai cuộc. Được biết, BTC đang nỗ lực hết mình trong công tác chuẩn bị cũng như tổ chức với mong muốn nâng tầm Lễ hội Oóc-om-bóc - Đua ghe ngo thành “Festival Oóc-om-bóc - Đua ghe Sóc Trăng” với quy mô khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cấp quốc gia.
Nguồn: TDTT VN