Thi đấu thiếu cố gắng đã trở thành một căn bệnh nan y tại giải VĐQG vài năm trở lại đây mà tất thảy, từ BTC, cho đến giới chuyên môn, đều phải “bó tay lắc đầu”. Điều đáng buồn nhất là có cả lực sỹ của ĐTQG vào cuộc với tư tưởng “đút túi” huy chương là… xong trách nhiệm và tạo nên “làn sóng” hưởng ứng từ phía các lực sỹ vào hàng “sao số” khác. Tại giải năm nay, tình trạng này lại tiếp diễn một cách đầy thách thức, gây nên sự bức xúc cực lớn đối với giới chuyên môn.
Không hiếm trường hợp chỉ cố “diễn” để giành được HCV mà quên luôn việc nỗ lực nâng cao thành tích chuyên môn. Vì vậy, dù vẫn chiếm ưu thế ở hạng cân sở trường, song thành tích thi đấu kém xa so với năng lực thực sự của họ. Đơn cử như ở hạng 62kg, Nguyễn Mạnh Thắng (Hà Nội) giành trọn bộ 3 HCV với cử giật 122kg, cử đẩy 140kg và tổng cử 262kg. Tuy nhiên, thành tích này kém xa mức tổng cử 287kg (130kg-157kg) mà chính anh vừa thành công để vươn lên hạng 4 tại giải vô địch châu Á hồi tháng 5. Không những thế, “nỗ lực” cải thiện thành tích của Thắng được thể hiện bằng một quyết định cực kỳ “khó hiểu”, tăng đột biến 18kg (từ 140kg lên 158kg) ở môn cử đẩy với mong muốn vượt qua KLQG của chính mình chỉ sau lần cử đầu tiên.
Tất nhiên, Mạnh Thắng không thể thành công với quyết định mang tính “kỷ lục” đó, nhưng cũng chẳng ai thấy lực sỹ này tỏ ra thất vọng sau thất bại này. Vẫn biết, việc “ép” các lực sỹ phải thi đấu với 100% khả năng của mình trước các đối thủ yếu hơn hẳn về trình độ trong khi đã cầm chắc HCV là rất khó khăn. Song với một lực sỹ thuộc “biên chế” ĐTQG, quanh năm ăn tập bằng kinh phí của đội tuyển thì nhiệm vụ số một của anh là cải thiện, vươn tầm thành tích, chứ không dừng lại ở việc thi đấu lấy lệ để mang HCV về cho địa phương.
Ngoài ra, việc đương kim á quân Olympic Hoàng Anh Tuấn không thể vượt qua mức tạ 145kg (nội dung cử đẩy) sau chuyến tập huấn dài ngày tại Trung Quốc cũng được coi là điểm đáng buồn ở giải năm nay. Sau tấm HCB tại Olympic Bắc Kinh, sự kỳ vọng vào Tuấn đã được “trả lời” bằng màn trình diễn thiếu thuyết phục, gây nên hoài nghi về khả năng thăng tiến, nếu chỉ thông qua thành tích thi đấu này. Lý giải từ phía chuyên môn cho thấy, thực tế, việc á quân Olympic thất bại ở mức 145kg giống như một “tai nạn” trong thi đấu, cộng hưởng cùng sự chủ quan trong chuẩn bị. Nhưng rõ ràng, nếu muốn thành công tại những giải đấu quốc tế quan trọng phía trước, các nhà chuyên môn không thể “dễ dãi” với những “sai số” kiểu này.
Và cuối cùng, 5 KLQG mới do Ngô Thị Ngà (BCA, hạng 48 kg nữ, cử giật 84kg), K’Vôi (TPHCM, hạng cân 69 nam, cử đẩy 160kg), Trần Văn Hoá (TP.HCM, hạng 94kg, cử đẩy 147 kg,Vũ Hồng Phong( Ninh Bình, hạng 105kg nam, cử giật 140kg, tổng cử 305kg) dù thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các lực sỹ nhưng vẫn chưa thể tiếp cận với tầm có thể tranh chấp huy chương khu vực. Vì thế, cử tạ Việt Nam dù hướng tới SEA Games 25 chỉ với 1 HCV duy nhất trong chỉ tiêu, nhưng vẫn gây lo ngay ngáy.
Kết quả chung cuộc: 1. TP.HCM 12 HCV, 5 HCB, 8 HCĐ, 2. Hà Nội 11 HCV, 13 HCB, 6 HCĐ, 3. Hải Dương 5 HCV, 3 HCĐ.
Xếp hạng đồng đội: Nữ: 1. Hải Phòng, 2. Hà Nội, 3. Hưng Yên; Nam: 1. TPHCM, 2. Hà Nội, 3. Đà Nẵng.
Theo TT&VH