Lang thang đá “phủi” đi tìm sân chơi

Đăng ngày: 9/1/2009 12:00:00 AM - Lượt xem 2292

Họ quây tròn sân chung cư để đá, lại lăn xả ra lòng đường bỏng rát để thoả sức chạy theo trái bóng. Và “đẳng cấp” hơn, những tín đồ này kéo nhau lập thành các “tiểu đội” đi đá “phủi”, hay nhiều người vẫn gọi vui là đá “chầu”.

Lủi thủi đá “phủi” trong đêm

Đá “phủi” còn được gọi là đá “nhảy dù”, đá thuê. Nghĩa là, bất cứ ai ham mê đều có thể xách giày ra “ngóng” ở các sân. Đội nào thiếu người thì xin vào đá.

Chừng 2, 3 năm về trước, người Hà Nội quá quen với hình ảnh những đám thanh niên cởi trần, người lấm lem đuổi theo một trái bóng tròn… trên đường phố. Gôn được dựng tạm bợ bằng chục viên gạch sứt sẹo.

Nhưng, đá bóng đổ gạch dần dần mất chỗ đứng khi đường phố đông xe dần.

“Giờ, muốn đá miễn phí, chúng em buộc phải lập đội 2, 3 người đi đá phủi”, Cường, sinh viên khoa Cơ khí Đại học Bách khoa Hà Nội than thở.

“Thoáng thấy đội nào tới sân là bọn em phải để mắt ngay, nếu đối tác của họ không đến, 5 phút là bọn em có thể tập hợp đủ đội để xin làm đối thủ của họ. Không thì đành ‘nghịch’ bóng ngoài rìa sân”, Cường thật thà tâm sự.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, đá phủi lại được phân hóa ở nhiều cấp độ. Xuân Nam (cựu sinh viên Đại học Giao thông vận tải) khẳng định: “Đi đá một mình, nếu thắng thì không sao. Nhưng nhỡ đội nhà thua thì người ta nhìn mình cứ như tội đồ, nhiều khi vừa sợ vừa tủi thân”.

Để tránh tình trạng thua chửi, thắng quên, Nam rủ thêm bạn lập nhóm. Họ tập với nhau những bài phối hợp  để “diễn” trên sân cho có đôi. Thậm chí, trên diễn đàn Football Club, những miếng đánh đôi còn được truyền nhau như “độc chiêu”.

“Đá như thế vừa có bạn cho đỡ tủi lại vừa mặc sức phô diễn”, Nam nói.

Tuy nhiên, khổ nhất giới đá phủi phải kể đến những kẻ “ăn đêm”. Hàng ngày, họ do bận công việc, hoặc không đủ người thuê sân nên đành mò mẫm dưới ánh đèn yếu ớt.

Cứ vào khoảng 9 giờ tối, khi hầu hết các sân bóng Hà Nội đã tắt đèn, N.T. Nguyên (Đại học Bách Khoa) mới chạy xe ra sân Keangnam (gần khu đô thị Nam Trung Yên). Nguyên cho biết: “Đá phủi đêm tuy mệt, nhưng cơ hội vào sân nhiều hơn do tầm giờ này nhiều đội thiếu người”.

Lăn lộn cả tiếng đồng hồ, Nguyên được trả công… xô trà đá, nhưng bù lại được thỏa mãn thú chơi.

10 giờ đêm, giày quàng cổ, áo vắt vai, mặt đỏ nhễ nhại mồ hôi, Nguyên vội vã phóng xe về cho kịp giờ nhà trọ. Trước khi đi, Nguyên còn kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện như đùa: Năm 2007, trường Bách Khoa có tổ chức giải bóng đá sinh viên. Trận bán kết lớp Nguyên phải diễn ra từ 11 giờ đêm. Lý do chính là trường còn “bận” cho thuê sân nên chỉ còn khung giờ ấy. Thành ra, những người như Nguyên đôi khi còn phải đá “phủi” trong chính sân trường mình.

Đỏ mắt tìm sân “rẻ”

Thực tế, đội quân đá “phủi” chầu chực ở các sân bóng một vài năm trước còn khá thưa thớt. Lác đác một vài sân lớn như sân trường đại học Y hay sân 10/10 mới xuất hiện vài ba nhóm “đá chầu”, phần lớn những người đến sân đều “đoàng hoàng” thuê sân để mặc sức thể hiện.

Tuy nhiên, giá sân tăng...phi mã trong thời gian gần đây đã đẩy không ít những người mê trái bóng phải chịu cảnh “lang thang”.

Với những người trong “nghề”, những sân tầm trung như Chu Văn An, Nghĩa Tân hay Trung Kính một thời là mảnh đất vàng bởi giá khá “mềm”. Chỉ cần bỏ ra 40.000 đến 50.000 đồng là hơn chục “chiến hữu” đá mệt nghỉ.

Thế nhưng “giờ đỏ mắt cũng không kiếm được sân nào có giá như thế, bây giờ có rẻ cũng phải 80.000 đồng một sân, mà những sân giá này còn gạch đá lởm chởm, vừa đá vừa lo mất ‘sự nghiệp’ cầu thủ”, Nguyên cười nói.

Những sân cao cấp hơn như: Thuỷ Lợi, Hoàng Cầu lại càng kén khách. Đứng đầu bảng giá những sân bóng Hà Nội hiện nay với 600.000 đồng là sân Thuỷ Lợi. “Mới năm trước, giá vẫn ở mức 400.000 nghìn một tiếng, quay đi quay lại đã vọt lên gấp rưỡi. Anh em không chịu nổi ‘nhiệt’ buộc phải xách giày ra sân đá chầu”, anh Bùi Văn Bá, cựu sinh viên đại học Bách Khoa tâm sự.

Trả lời thắc mắc của Vietnam+ về giá sân quá cao khiến nhiều người phải "dạt đi đá phủi", chị Nguyễn Thúy Ngà, quản lý sân Hoàng Cầu trả lời với vẻ “tỉnh queo”: “Đây là mức giá chung, ở đâu cũng thế. Chúng tôi cũng có cấm đá ′phủi′ đâu mà lo thiếu chỗ chơi.”

Trong khi chờ đợi một sân chơi hợp túi tiền, rất nhiều người như anh Bá, Nguyên hay Nam vẫn phải xách giày lang thang từng đêm tìm bóng.../.

Theo TTXVN

Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT