Phần 1: Chiến lược và Quy hoạch phát triển Thể dục, thể thao
Để hiểu rõ về vấn đề này, xin giới thiệu phần tiếp theo bài viết "Luật TD,TT và vấn đề xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển TD,TT" của tác giả Vũ Trọng Lợi - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VH,TT&DL.
Để quản lý nhà nước về TD,TT bằng pháp luật yêu cầu bắt buộc là phải xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch. Kế hoạch phát triển TD,TT được lập ở cấp Bộ trên phạm vi toàn quốc; cấp tỉnh trên phạm vi địa bàn tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, cấp huyện trên phạm vi địa bàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; cấp xã trên phạm vi địa bàn xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, còn có kế hoạch phát triển TDTT của một số ngành như: Giáo dục & Đào tạo, Công an, Quân đội.
Kế hoạch phát triển TD,TT có kế hoạch dài hạn thường theo chu kỳ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và kế hoạch theo chu kỳ Đại hội Thể thao Olimpic 4 năm. Kế hoạch theo từng năm công tác còn gọi là kế hoạch hàng năm để thực hiện những nhiệm vụ theo yêu cầu điều hành kinh tế, xã hội thống nhất; kế hoạch 2 năm của thể thao nhằm thực hiện các nhiệm vụ tham gia các kỳ Đại hội Thể thao khu vực quốc tế.
Kế hoạch phát triển TD,TT dài hạn được xây dựng dựa trên quy hoạch và kết quả thực hiện kế hoạch trước liền kề. Kế hoạch năm được xây dựng dựa trên kết quả công tác của năm trước và các mục tiêu giai đoạn đề ra trong kế hoạch dài hạn. Kế hoạch phát triển TD,TT thường được thể hiện theo mẫu chung bao gồm các nội dung chính sau:
Phần mở đầu: Đánh giá khái quát kết quả thực hiện kế hoạch trước liền kề, nội dung này thường được nhận định trong báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ kế hoạch trước (phần đánh giá chung), yêu cầu nêu ngắn gọn với số liệu tiêu biểu làm căn cứ để xác định mục tiêu của kế hoạch mới; nêu bối cảnh kinh tế, xã hội những năm tới, nội dung này căn cứ vào các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, báo cáo tổng thuật của các cơ quan nghiên cứu khoa học (nếu có) làm căn cứ để xác định các chỉ tiêu kế koạch, nhiệm vụ và các giải pháp trong phần nội dung kế hoạch.
Phần nội dung: Đây là phần chính bao gồm xác định mục tiêu chung; nhiệm vụ và các chỉ tiêu cơ bản của từng thời kỳ cụ thể; giải pháp để thực hiện nhằm đạt được các chỉ tiêu đề ra; tổ chức thực hiện.
Xác định mục tiêu chung của kế hoạch phát triển TD,TT theo quy định của Luật TD,TT gồm mục tiêu phát triển TD,TT cho mọi người (bao gồm cả TDTTquần chúng, giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, trong lực lượng vũ trang) như số người luyện tập TD,TT thường xuyên (ở từng vùng miền có thể có khác nhau); mục tiêu nâng cao thành tích thể thao xác định ở thứ hạng nào khi tham dự các giải quốc tế trong kế hoạch của quốc gia, thứ hạng nào khi tham dự các giải quốc gia đối với kế hoạch của địa phương.
Nhiệm vụ phát triển TD,TT cho mọi người là nhiệm vụ chuyên môn chính cần phải xác định được các nhiệm vụ để phát triển phong trào TDTT quần chúng; các nhiệm vụ để phát triển giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường; các nhiệm vụ để phát triển TDTT trong lực lượng vũ trang. Mỗi nhiệm vụ đặt ra đều nhằm mục đích đạt được một số chỉ tiêu cụ thể nào đó, ví dụ nhiệm vụ xây dựng phát triển CLB thể thao cho người khuyết tật ở cơ sở thì chỉ tiêu sau 5 năm đạt được tổng số là bao nhiêu, giai đoạn giữa kỳ kế hoạch đạt được bao nhiêu, chất lượng thế nào, phải có tiêu chí để đánh giá.
Nhiệm vụ phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp là những nhiệm vụ chuyên môn quan trọng cần phải xác định cụ thể về đào tạo VĐV nói chung đạt trình độ thế nào về đẳng cấp, huy chương tại các giải đấu chính sau 5 năm và có chỉ tiêu cho từng năm hoặc từng giai đoạn trong kế hoạch. Các nhiệm vụ về đào tạo HLV, Trọng tài với số lượng là bao nhiêu đạt trình độ nào. Các nhiệm vụ về tổ chức các giải thể thao thành tích cao trong cả 5 năm kế hoạch phải được thể hiện tương đối cụ thể bao nhiêu giải, cấp độ nào.
Đối với thể thao chuyên nghiệp còn phải xác định nhiệm vụ chuyên nghiệp hoá môn thể thao nào, mức độ chuyên nghiệp hoá đến đâu phải có tiêu chí và chỉ tiêu phấn đấu cụ thể cho từng giai đoạn trong kế hoạch.
Nhiệm vụ đối ngoại của thể thao Việt nam, được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị nhằm góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước nhằm quảng bá và nâng cao hình ảnh của Việt nam trong mắt bạn bè thế giới. Ví dụ như nhiệm vụ làm cầu nối mở rộng quan hệ hữu nghị với các nước, các dân tộc; giới thiệu các môn thể thao dân tộc ra nước ngoài...
Nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, sản xuất và mua sắm trang thiết bị chuyên dùng cho TD,TT là nhiệm vụ quan trọng bảo đảm cho việc hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ chính trị của TDTT.
Nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ TD,TT bao gồm cả cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ kể cả đội ngũ cộng tác viên, cán bộ khoa học kỹ thuật, giáo viên, giảng viên TDTT.
Về giải pháp cần xác định các giải pháp chủ yếu để giải quyết các nhiệm vụ nêu trên một cách có hiệu quả, đó là:
Nhóm giải pháp về nhận thức bao gồm vấn đề tuyên truyền, quán triệt đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với cán bộ nhằm đổi mới tư duy trong quản lý chỉ đạo công tác thể dục, thể thao trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thể dục thể thao trong nhân dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân.
Nhóm các giải pháp về cải cách thể chế nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về TD,TT tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho phát triển TD,TT như: xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế chính sách chăm lo cho các đối tượng của TDTT quần chúng; đào tạo VĐV; chuyên nghiệp hoá thể thao; quy định hướng dẫn về chức năng nhiệm vụ của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về TDTT trình cấp có thẩm quyền ban hành...
Nhóm giải pháp về đầu tư của Nhà nước cho TD,TT theo các mục tiêu trọng tâm trọng điểm ở từng giai đoạn khác nhau (có thể là các dự án thành phần của kế hoạch như xây mới SVĐ, nhà thi đấu… Chương trình mục tiêu đào tạo VĐV Olimpic; chương trình phát triển TDTT cho vùng đặc biệt khó khăn…)
Nhóm giải pháp về khoa học, công nghệ như: chương trình nghiên cứu ứng dụng khoa học trong đào tạo vận động viên; y học thể thao trong chăm sóc, phòng ngừa chấn thương…
Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ như: rà soát về hệ thống tổ chức, tuyển dụng bố trí cán bộ; xây dựng và triển khai chương trình đào tạo cán bộ khoa học trình độ cao, bác sỹ thể thao…; đổi mới xắp xếp lại các tổ chức sự nghiệp về TDTT...
Nhóm các giải pháp về xã hội hoá TDTT, đó là các cách thức huy động mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho phát triển sự nghiệp TDTT.
(còn nữa)
Theo www.tdtt.gov.vn