Ngày 01/01/2010: Cấm tuyệt đối hút thuốc lá ở nhiều nơi công cộng

Đăng ngày: 12/30/2009 12:00:00 AM - Lượt xem 2343

Download Văn bản liên quan: Quyết định số 1315/QĐ-TTg ngày 21/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ Về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá

 

* Cấm ở những nơi nào?
* Ai xử phạt?
* Lãnh đạo phải làm gương và cần thay đổi bao bì thuốc lá

Cấm ở những nơi nào?

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá đã nêu rõ:

Từ 1.1.2010, nghiêm cấm hút thuốc lá ở lớp học, nhà trẻ, các cơ sở y tế, thư viện, rạp hát, rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất, nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao, và trên các phương tiện giao thông công cộng... (những nơi này cấm tuyệt đối, kể cả không được làm khu vực riêng để hút thuốc).

Còn tại các nơi công cộng trong nhà (nhà thi đấu thể thao, sân vận động có mái che, trung tâm triển lãm, phòng đợi của nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng), và khu vui chơi giải trí trong nhà, các nhà hàng, quán bar, karaoke, khách sạn, vũ trường chỉ được phép hút thuốc tại “khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá”. Khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá phải có thông khí riêng biệt. Tại nơi cấm hút thuốc lá phải treo biển có chữ hoặc biểu tượng “Cấm hút thuốc lá”.

Vì quy định lần này cấm tuyệt đối việc hút thuốc ở bệnh viện (BV), nên một số BV trước đó có dành khu vực riêng cho người hút thuốc, nay phải bỏ đi. Bác sĩ Nguyễn Trần Chính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết: “Sáng 25.12, trong cuộc họp giao ban BV, chúng tôi đã nhắc lại việc thực hiện cấm hút thuốc lá theo quy định mới để y, bác sĩ rõ. Từ ba năm nay, cán bộ công nhân viên BV đã đăng ký không hút thuốc lá và cấm bán thuốc lá trong BV”. Một góc khu vực dưới đất, có ghế đá ngồi dành riêng cho người hút thuốc lá ở BV này cũng vừa được thông báo bỏ đi. 

Việc cấm hút thuốc tuyệt đối ở một số nơi công cộng như BV, trường học... theo bác sĩ Trương Trọng Hoàng, Chủ nhiệm chương trình phòng chống tác hại thuốc lá ngành y tế TP.HCM, là cần thiết, vì đó là những nơi cần đảm bảo môi trường trong lành, hơn nữa lại còn mang tính nêu gương, làm mẫu.

“Cần tăng mức phạt cho đủ sức răn đe, có thể là phạt 500.000 đồng ngay lần phạt đầu tiên. Lực lượng thanh tra xuất hiện bất ngờ và xử phạt với mức cao như nhiều nước khác, thì sẽ có tác động đáng kể” - Bác sĩ Trương Trọng Hoàng, Chủ nhiệm Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá ngành y tế TP.HCM

Ai xử phạt?

Điều nhiều người quan tâm là việc xử phạt đối với những người vi phạm quy định cấm hút thuốc, ai sẽ theo dõi, xử phạt, liệu có làm xuể...?

Theo bà Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, việc triển khai kế hoạch này liên quan đến nhiều bộ ngành, mỗi bộ ngành sẽ phải chủ động lên kế hoạch thực hiện.

Tuy nhiên, theo Văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (VINACOSH), hiện mới có 30% các bộ ngành và các tỉnh thành thông báo đã có kế hoạch cụ thể triển khai quy định này.

Theo thạc sĩ Phan Thị Hải, Phó chánh văn phòng VINACOSH, người được xử phạt các trường hợp vi phạm quy định cấm hút thuốc lá là chủ tịch UBND các cấp, lực lượng công an, thanh tra chuyên ngành. Nhưng để thực hiện xử phạt thì cần có kế hoạch tổ chức thực hiện chi tiết hơn như: nộp tiền ở đâu, người trực tiếp thu phạt là ai? Vì điểm cấm thì rộng khắp, hành vi vi phạm cũng sẽ xảy ra ở bất kỳ địa điểm, thời gian nào, vì vậy, công việc xử phạt sẽ rất khó.

Bác sĩ Đỗ Hoàng Giao, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM) nói: “Điều cần thiết là ai sẽ được quyền ghi nhận, xử phạt đối với người hút thuốc không đúng nơi quy định? Lâu nay BV cũng thực hiện không thuốc lá. Tuy vậy, người ra vào BV rất đông, có người vẫn lén hút thuốc, lực lượng bảo vệ BV chỉ có quyền nhắc nhở, chứ đâu được phép xử phạt họ”.

Bác sĩ Trương Trọng Hoàng cho rằng: “Khó khăn là ngoài việc lực lượng thanh tra y tế hiện nay khá mỏng và công việc rất nhiều, thì theo quy định mức phạt còn rất nhẹ khi lần đầu chỉ là cảnh cáo, sau đó tái phạm mới nâng mức 50.000 đồng và lần tái phạm nữa mới là 100.000đ. Cần tăng mức phạt cho đủ sức răn đe, có thể là phạt 500.000 đồng ngay lần phạt đầu tiên. Theo tôi, lực lượng thanh tra xuất hiện bất ngờ và xử phạt với mức cao như nhiều nước khác ngay từ đầu như trên, thì sẽ có tác động đáng kể”.

Lãnh đạo phải làm gương và cần thay đổi bao bì thuốc lá

Tại Hà Nội, nơi đầu tiên công bố triển khai “Môi trường không khói thuốc” tại công sở, nhưng theo đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Y tế công cộng, việc thực hiện còn rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn này là do nhiều lãnh đạo còn hút thuốc.

Thạc sĩ Phan Thị Hải cho rằng: “Nhiều lãnh đạo cơ quan còn hút thuốc thì việc thực hiện không khói thuốc nơi công sở khó thành hiện thực. Lần này, VINACOSH mong muốn quy định cấm hút thuốc sẽ sớm thành hiện thực, đặc biệt tại công sở, các địa điểm công cộng khép kín. Không khói thuốc không chỉ là vấn đề sức khỏe mà liên quan đến an toàn cháy nổ”.

Ở một mặt khác, lời cảnh báo trên bao thuốc lá tại Việt Nam đại loại như “hút thuốc lá có hại cho sức khỏe”, “hút thuốc có thể gây ung thư phổi”... thực tế không tạo ấn tượng và chỉ dành cho người biết chữ. Cần làm như một số nước, bắt buộc in trên bao thuốc những hình ảnh bệnh lý răng miệng, ung thư phổi... để tạo hiệu ứng lo sợ thực sự không chỉ cho người biết chữ mà còn cho cả người không biết chữ khi hút thuốc.  Trước quy định kiên quyết của Chính phủ nhằm bảo vệ sức khỏe người dân thì việc thay đổi mẫu mã bao bì thuốc lá như thế cần được tiến hành sớm.

* VN là một trong những quốc gia có tỷ lệ nam giới hút thuốc cao nhất (với 56%).

* Mỗi năm người dân VN chi cho việc hút thuốc lá khoảng 14.000 tỉ đồng; và hậu quả do thuốc lá gây ra là: có 40.000 ca tử vong/năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá (cao gấp 4 lần so với số tử vong do tai nạn giao thông mỗi năm); chi phí cho việc điều trị chỉ 3 trong 25 bệnh do thuốc lá gây ra đã ngốn hết hơn 1.000 tỉ đồng!

*  Cấm hút thuốc lá nơi công cộng bao gồm cấm sử dụng các sản phẩm thuốc lá (đó là các sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hay một phần nguyên liệu thuốc lá và được chế biến dưới dạng thuốc điếu, xì-gà, thuốc lá sợi dùng để hút tẩu hoặc các sản phẩm khác dùng để hút, nhai ngửi và mút).

Liên Châu - Thanh Tùng (Thanh niên)

 

Bài viết liên quan

trung tâm thể dục thể thao Thể thao - kênh quảng bá cho du lịch
(Đăng ngày: 4/9/2021 8:24:30 AM)
Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT