Những gì đọng lại trong 26 tháng qua có nhiều sắc thái khác nhau, từ sự kịch tính, bất ngờ, những lời khẳng định của kẻ mạnh, hay cuộc "nổi loạn" của những nền bóng đá bị xem là thế giới thứ hai,... đến nụ cười của người chiến thắng và những giọt nước mắt của kẻ lỡ bước...
Tiến đến VCK World Cup 2010 |
Danh sách 23 đội giành vé chính thức Châu Phi (2): Bờ Biển Nga, Ghana - châu lục này còn 3 vé nữa Châu Á (4): Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên Châu Âu (9): Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Slovakia, Thụy Sỹ, Anh, Ý, Serbia, Tây Ban Nha Nam Mỹ (4): Brazil, Paraguay, Chile, Argentina CONCACAF (3): Mỹ, Mexico, Honduras Đội nghiễm nhiên giành vé: chủ nhà Nam Phi Các đội đấu vé vớt (đấu vào ngày 14 & 18/11): - Bahrain (châu Á) - New Zealand (châu Đại dương) - Uruguay (Nam Mỹ) - Costa Rica (CONCACAF) 8 đội xếp nhì có thành tích tốt nhất chia cặp đấu play-off, tranh 4 vé khu vực châu Âu là: Nga, Bosnia-Hercegovina, Pháp, CH Ireland, Bồ Đào Nha, Hi Lạp, Slovenia, Ukraine |
Điều đó hứa hẹn sẽ tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho VCK World Cup 2010, và có thể là kỳ đại hội nhiều sắc màu nhất trong lịch sử giải đấu ra đời từ năm 1930, như sự kỳ vọng của FIFA khi lần đầu tiên trao quyền tổ chức cho một quốc gia ở châu Phi.
Quyền lực của kẻ mạnh
Những người Hà Lan có thể tự hào rằng, họ là một trong số các đội đầu tiên giành vé đi Nam Phi. Đội bóng của đất nước với những chiếc cối xay gió khổng lồ đã hoàn thành mục tiêu của mình ngay từ ngày 6/6, cùng thời điểm với 3 đại diện châu Á Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc.
Nằm trong bảng đấu không hẳn là dễ dàng, với hai đối thủ khó chịu Na Uy và Scotland, nhưng Hà Lan đã kết thúc chiến dịch vòng loại với thành tích toàn thắng, ghi 17 bàn và chỉ 2 lần để lọt lưới.
Sự kết hợp giữa kinh nghiệm của nhũng cựu binh và sức trẻ đã giúp cho "Cơn lốc màu da cam" có một sức mạnh đáng nể. Trong quá trình tìm lại vị thế của một trong những thế lực mạnh nhất thế giới, Hà Lan chắc chắn sẽ là đối thủ mà bất kỳ ai cũng phải dè chừng.
Cùng với Hà Lan, Tây Ban Nha là một trong hai đội toàn thắng ở vòng loại. Nhà ĐKVĐ châu Âu đã thể hiện một sức mạnh vượt trội so với các đối thủ trong bảng đấu của mình, và kết thúc vòng loại với khoảng cách 11 điểm so với đội đứng ngay phía sau (Bosnia - Herzegovina).
|
Thể hiện sức mạnh tuyệt đối, Hà Lan là đội đầu tiên ở châu Âu bước vào VCK. Ảnh: Reuters |
Có cảm giác "Những chú bò tót" tham dự vòng loại như thể họ đang đi dạo. "Cơn cuồng phong đỏ" (La Furia Roja) do HLV Vicente del Bosque dẫn dắt đã cuốn phăng tất cả các đối thủ trên bước đường đến Nam Phi của mình, kể cả đó là Thổ Nhĩ Kỳ hay Bỉ.
Tại châu Âu, Đức, Anh, ĐKVĐ thế giới Italia cũng đã thể hiện được sự vượt trội của mình để đoạt vé đến Nam Phi. Ở Nam Mỹ là một Brazil đang với điệu samba đang được Dunga cách tân. Trong khi đó, châu Phi có Ghana và Bờ Biển Ngà; còn CONCACAF là "show diễn" của người Mỹ".
Những giấc ngủ dài
Trong quá trình diễn ra vòng loại, đã có những ông lớn gây thất vọng như Argentina, Pháp, Bồ Đào Nha, Mexico... Bước vào giai đoạn cuối, đã có những kẻ kịp tỉnh giấc ngủ dài để kịp "book vé" đến Nam Phi, hoặc tìm cho mình cơ hội khác, và có đội đã phải ngậm ngùi làm khán giả.
|
Vượt qua khó khăn, Argentina đến Nam Phi để hội quân với các ĐTQG khác. Ảnh: Reuters |
Cái tên gây ấn tượng nhất trong cuộc hồi sinh không ai khác ngoài Argentina. Bản lĩnh? Có! May mắn? Rất nhiều! Hai yếu tố trên đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng giúp Argentina vượt qua khủng hoảng để giành chiếc vé chính thức thứ 4 của khu vực Nam Mỹ.
Có thể nói, để đến Nam Phi bằng cửa chính, Argentina đã phải trả những cái giá không hề rẻ. HLV huyền thoại Alfio Basile đã bị sa thải để thay bằng Diego Maradona khi vòng loại bước qua nửa chặng đường.
Bản thận "Cậu bé vàng" sau đó bị coi thường, nhận rất nhiều lời chỉ trích, và chỉ có thể mỉm cười nhờ "sự giúp đỡ của Chúa", thông qua bàn thắng may mắn của "Gã khùng" Martin Palermo, và cú dứt điểm tinh tế của một cái tên còn khá vô danh: Mario Bolatti.
Được đánh giá sẽ sớm đoạt vế dự VCK, nhưng Mexico đã có một giai đoạn chật vật. Đội bóng khổng lồ của khu vực Bắc - Trung Mỹ đã phải sử dụng đến 3 HLV khác nhau, khi Jesus Ramirez và Sven-Goran Eriksson lần lượt bị sa thải, trước khi phần nào tìm lại mình cùng Javier Aguirre.
|
Bồ Đào Nha kịp tỉnh giấc ở giai đoạn cuối để tìm chiếc vé đi Nam Phi qua cánh cửa play-off. Ảnh: Getty Images |
Pháp - đội bóng từng thống trị thế giới cuối thập niên trước, và những năm đầu của thập niên này, cũng kịp tỉnh cơn mê để tránh cảnh phải đứng "bên lề" cuộc chơi, ít nhất là đến lúc này khi loạt đấu play-off chưa diễn ra. Không làm nên kỳ tích như Argentina, nhưng vòng đấu tranh vé vớt là cơ hội để đội bóng màu Lam sửa sai và tìm vé đến Nam Phi.
Cũng là những chiến thắng cuối cùng, nhất là khi "nghiền nát" Hungary, Bồ Đào Nha đã giành suất đi play-off trong cuộc tranh đến phút cuối cùng với Thụy Điển. Đội bóng từng được ca ngợi có lối chơi quyến rũ bậc nhất châu Âu ấy đã lách qua khe cửa rất hẹp, dù đá như thể "chấp" Quả bóng vàng Cristiano Ronaldo.
Những kẻ nổi loạn
Cho đến lúc này, đã có thể xác định được ít nhất một tân binh góp mặt trong kỳ World Cup thứ 19. Để có vinh dự trở thành tân binh của đại hội bóng đá toàn cầu, Slovakia đã mang đến không ít bât ngờ và một phong độ ổn định.
|
Niềm vui của các cầu thủ Slovakia sau khi loại hai "đàn anh" Ba Lan và CH Czech để lần đầu tiên được dự VCK Word Cup. Ảnh: Getty Images |
Đội bóng từng là một phần của Tiệp Khắc hùng mạnh ngày nào đã không dám mơ đến một suất đi Nam Phi. Chính việc không đặt mục tiêu cao đã giúp Slovakia có được tinh thần thoải mái, cùng sự tự tin nhất định để tạo nên cuộc lật đổ thú vị.
Dưới sự dẫn dắt của Vladimir Weiss, người từng khoác áo Tiệp Khắc cũ lẫn Slovakia sau này, đội bóng bên dòng Danube thơ mộng đã đánh bại Ba Lan trong cả hai lượt trận, giành 4 điểm khi đối đầu với "người anh em" CH Czech.
Trong đội hình Slovakia hiện tại có một vài cái tên được chú ý ở châu Âu, như tiền vệ Hamsik của Napoli (Italia); Martin Skrtel của Liverpool; Peter Pekarik đang thi đấu dưới màu áo nhà VĐ Bundesliga Wolfsburg; hay Vladimir Weiss - cầu thủ trẻ của Man City và trùng tên với HLV trưởng, cũng là cha anh.
|
Người dân Bosnia đổ ra đường mừng đội nhà bước vào vòng play-off. Ảnh: Reuters |
Chỉ giành vé dự play-off khu vực châu Âu, nhưng Bosnia - Herzegovina cũng đã tạo một tiếng vang lớn. Đội bóng non trẻ thuộc Nam Tư cũ như vươn vai thành một gã không lồ dưới sự nhào nặn của Miroslav Blazevic, vị HLV đã cùng Croatia viết nên chuyện cổ tích ở EURO 1996 (tứ kết) và World Cup 1998 (hạng 3).
Khi mà "đàn anh" Croatia sa lầy, Bosnia cùng Serbia và Slovenia đang hy vọng thắp ngọn lửa cho bóng đá Nam Tư cũ. Serbia đã vào VCK, và người dân vùng Balkan đang chờ đợi Bosnia sẽ cùng Slovenia đoạt vé đi tiếp, với điều kiện họ không đụng nhau ở vòng play-off.
Ở châu Phi, người dân Algeria cũng đang mơ đến điều kỳ diệu với chiếc vé dự VCK đầu tiên kể từ sau Mexico 1986. Sau khi đã loại Senegal, đội bóng quê hương thứ hai của huyền thoại Zinedine Zidane đang nuôi tham vọng lật đổ Ai Cập. Chỉ cần một trận hòa tại Cairo, hoặc thất bại với cách biệt không quá 1 bàn là đủ với Algeria...