Tuyệt đối không sử dụng đất lúa 2 vụ để xây sân golf

Đăng ngày: 11/18/2009 12:00:00 AM - Lượt xem 2299

Cho ý kiến đối với dự thảo Quyết định Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tiêu chí tổng hợp quan trọng nhất là sân golf tuyệt đối không được sử dụng đất lúa 2 vụ.

Tại hội thảo "Sân Golf và xây dựng xanh", do Tổng Hội xây dựng Việt Nam tổ chức ngày 6/5/2009, một số đề xuất được nêu ra như: xây dựng dự án này ở những “sa mạc” cát trắng như Phan Thiết, Nha Trang, Quảng Nam… hay những vùng trung du đất đai bạc màu sẽ giúp chống xói mòn, chống sạt lở nhờ được phủ xanh bởi sân golf; nếu qui hoạch sân golf gắn với qui hoạch xanh sẽ tạo quỹ đất và quỹ cây xanh cho các đô thị, tạo cảnh quan môi trường.

Trường hợp phải sử dụng đất lúa để xây dựng sân golf thì chỉ được sử dụng đất lúa 1 vụ năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao với diện tích không quá 5% tổng diện tích quy hoạch một sân golf đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tuyệt đối không được sử dụng đất thuộc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng) để xây dựng sân golf.

Thời hạn thực hiện đầu tư một dự án sân golf không quá 4 năm kể từ khi được cấp phép.

Không sử dụng đất làm sân golf để kinh doanh bất động sản

Theo Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Lưu Đức Hải (Bộ Xây dựng), mỗi dự án sân golf đều chiếm diện tích khá lớn, từ 80 đến 700 ha và đa số là lấn vào đất nông nghiệp. Trong khi đó, đất dùng làm sân golf thực sự lại chiếm tỷ lệ rất thấp trong các dự án sân golf, có nơi chỉ bằng 30% diện tích được cấp; số còn lại được sử dụng để xây dựng các công trình kinh doanh, dịch vụ thương mại, biệt thự, khách sạn... Vì giá thuê đất làm sân golf thấp hơn nhiều lần so với giá thuê đất làm biệt thự, nhà ở, trung tâm dịch vụ thương mại nên nhà đầu tư đã lợi dụng kẽ hở này để kinh doanh bất động sản nhằm thu hồi vốn nhanh hơn...

Để hạn chế thực trạng này, Thủ tướng chỉ đạo, dự thảo Quyết định phải quy định rõ, việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sân golf chỉ được sử dụng đất đã giao để xây dựng sân golf, không được sử dụng đất đã cấp cho làm sân golf xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng.

Tỷ lệ diện tích đất dành để xây dựng nhà ở thấp tầng cho thuê trong tổng diện tích đất sân golf mà chủ đầu tư được giao đất hoặc cho thuê tối đa không quá 10% và mật độ xây dựng gộp của sân golf tối đa không quá 5% diện tích của dự án sân golf.

Không sử dụng ngân sách nhà nước xây dựng sân golf

Về nguồn vốn đầu tư sân golf, không sử dụng ngân sách nhà nước; việc sử dụng nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước để hỗ trợ xây dựng sân golf công cộng chỉ được xem xét trong trường hợp nhà nước có nhu cầu xây dựng sân golf công cộng và cho từng dự án cụ thể.

Vấn đề này được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bổ sung thành một nội dung cụ thể trong dự thảo Quyết định Quy hoạch sân golf đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến hoàn thiện. 

Địa phương chịu trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đầu tư sân golf

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, dự thảo Quyết định phải nêu rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc quyết định và chịu trách nhiệm việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư sân golf và thu hồi giấy phép theo quy định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan thẩm định các dự án sân golf không nằm trong quy hoạch này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sân golf.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và ban hành tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án sân golf; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng sân golf, bảo đảm phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của cả nước.

Bộ Xây dựng ban hành các quy định, hướng dẫn lập quy hoạch xây dựng sân golf; tiêu chuẩn kỹ thuật sân golf; quy hoạch đô thị, quy hoạch các điểm dân cư nông thôn và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật liên quan đến quy hoạch sân golf; thực hiện giám sát Luật Xây dựng, quản lý và phát triển đô thị trên các vùng có các dự án quy hoạch sân golf liên quan.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, công bố nội dung, tiêu chí đánh giá tác động môi trường sân golf; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong việc quản lý, sử dụng đất đầu tư xây dựng sân golf theo đúng quy định của pháp luật về đất đai; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về đất đai, thẩm tra đánh giá tác động môi trường và tham gia thẩm định nhu cầu sử dụng đất, sử dụng nước của các dự án sân golf.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2009 diễn ra ngày 31/8-1/9, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày Báo cáo quy hoạch phát triển sân golf trên phạm vi cả nước đến năm 2020.

Chính phủ đánh giá, thời gian qua, tình hình cấp phép đầu tư sân golf ở các địa phương phát triển quá mức cần thiết. Do vậy, nhằm phát huy vai trò tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của các sân golf, cần thiết phải xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống sân golf theo hướng hình thành hệ thống sân golf phân bố hợp lý trên các vùng, nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, thúc đẩy phát triển du lịch, thể thao, dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước. Chính phủ yêu cầu quy trình cấp phép xây dựng dự án sân golf phải được tuân thủ nghiêm ngặt, có sự giám sát chặt chẽ.

Chỉ đạo trên của Chính phủ thể hiện mạnh mẽ chủ trương đúng đắn trong việc phát triển kinh tế gắn với đảm bảo đời sống an sinh xã hội cho người dân.

Theo TẠP CHÍ BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

Bài viết liên quan

trung tâm thể dục thể thao Thể thao - kênh quảng bá cho du lịch
(Đăng ngày: 4/9/2021 8:24:30 AM)
Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT