ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TỈNH BÌNH THUẬN Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 898 /QĐ-UBND Phan Thiết, ngày 26 tháng 4 năm 2010
QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Đề án phát triển thể thao thành tích cao
tỉnh Bình Thuận đến năm 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Chỉ thị 17/CT-TW ngày 23/10/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 21/CT-TU ngày 29/01/2003 của Tỉnh ủy Bình Thuận về việc phát triển thể dục thể thao đến năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trên lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường;
Căn cứ Quyết định số 285/QĐ-UBND ngày 31/7/2007 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc Phê duyệt “Kế hoạch phát triển sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh Bình Thuận đến năm 2010”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 25/TTr-SVHTTDL-NVTDTT ngày 12/4/2010 về việc đề nghị phê duyệt Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Bình Thuận đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Bình Thuận đến năm 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận: CHỦ TỊCH
- Bộ VHTTDL;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX, Hương (25)
Huỳnh Tấn Thành
ỦY BAN NHÂN DÂN CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TỈNH BÌNH THUẬN Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN THỂ THAO THÀNH TÍCH CAO
TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2020
I. Quan điểm:
1. Phát triển thể thao thành tích cao (TTTTC) tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 có tính bền vững lấy trường học làm nền tảng, tạo nền móng cho việc xây dựng thể thao có thành tích cao, tập trung phát triển phong trào TDTT quần chúng.
2. Quy hoạch đầu tư các môn thể thao trọng điểm có thế mạnh, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương.
3. Mở rộng mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế, tiếp thu các kiến thức về khoa học thể thao hiện đại để phát triển TTTTC địa phương.
4. Tăng cường công tác quản lý và tăng mức đầu tư của Nhà nước nhằm huy động tổng hợp mọi nguồn lực trong việc xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo Vận động viên
II. Mục tiêu:
Các mục tiêu trọng điểm được xác định bao gồm:
1. Quy hoạch lực lượng và địa bàn trọng điểm để đầu tư và tạo mũi nhọn đột phá về thành tích thể thao.
2. Ổn định hệ thống đào tạo Vận động viên từ Chương trình đào tạo Vận động viên thể thao cơ sở, Trường Năng khiếu Nghiệp vụ Thể dục thể thao tỉnh, Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh và các Câu lạc bộ, Hội, Liên đoàn thể thao.
3. Tiếp tục hoàn thiện và đổi mới tổ chức bộ máy sự nghiệp; đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và ổn định nguồn kinh phí hoạt động TTTTC.
4. Bước đầu mở rộng quá trình chuyên nghiệp hóa một số môn thể thao có thế mạnh của tỉnh: Bóng đá, Đua thuyền,Võ thuật... khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư kinh doanh các loại hình dịch vụ và đào tạo, huấn luyện TTTTC.
5. Phấn đấu:
- Hoàn thành chỉ tiêu tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VI năm 2010, lần thứ VII 2014 và lần thứ VIII 2018; đóng góp nhiều lượt vận động viên vào các đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia; tập trung đầu tư các vận động viên ở các môn Đua thuyền, Điền kinh, Võ thuật để đạt thành tích tốt ở các giải quốc tế và SEA Games.
* Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VI năm 2010: đạt từ 08-10 huy chương vàng, xếp hạng từ 20 - 25 so với các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc.
* Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VII năm 2014: đạt từ 10-15 huy chương vàng, xếp hạng từ 15 -20 so với các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc.
* Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018: đạt từ 15-20 huy chương vàng, xếp hạng từ 10 -15 so với các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc.
- Đưa đội Bóng đá nam lên hạng nhất quốc gia.
- Đội Bóng rổ nam giữ vững thành tích từ 1-5 ở giải hạng nhất quốc gia.
- Đội Đua thuyền truyền thống là đội mạnh quốc gia.
- Các môn Võ: Judo, Taekwondo, Vovinam trong tốp 10 đội mạnh quốc gia ở các giải hàng năm.
III. Nhiệm vụ:
Để đạt được mục tiêu đề ra, cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ sau:
1. Phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục thể thao quần chúng cả về số lượng và chất lượng, nhất là trong lực lượng thanh thiếu niên, học sinh; lấy trường học làm địa bàn trọng điểm để làm nguồn tuyển chọn tài năng thể thao, lấy thành tích thể thao làm hạt nhân tác động trở lại cho sự phát triển phong trào.
2. Triển khai và tổ chức tốt các giải thể thao theo hệ thống của tỉnh hàng năm, tổ chức tốt Đại hội Thể dục Thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể dục Thể thao toàn tỉnh lần thứ VI năm 2010, lần thứ VII năm 2014, lần thứ VIII năm 2018.
3. Xây dựng lực lượng Vận động viên có hệ thống:
- Giai đoạn 2010 - 2015:
+ Chương trình đào tạo vận động viên thể thao cơ sở giai đoạn (2006-2010) của tỉnh phải đào tạo ở các huyện, thị xã và thành phố đảm bảo được 10 môn, có từ 40 đội, tổng số đào tạo 630 vận động viên (nữ chiếm tỷ lệ 28 -30 %).
+ Phê duyệt Đề án Chương trình đào tạo vận động viên thể thao cơ sở giai đoạn (2011-2015), đồng thời chuyển tiếp kết quả đạt được từ Chương trình đào tạo vận động viên thể thao cơ sở giai đoạn (2006-2010) ổn định đào tạo 50 đội, từ 10-12 môn thể thao, nâng tổng số 750 vận động viên được đào tại các huyện, thị xã, thành phố và mở rộng đến các trường học phổ thông trên địa bàn thành phố Phan Thiết.
+ Trường Năng khiếu Nghiệp vụ Thể dục thể thao tỉnh ổn định và tiếp tục mở rộng bổ sung đào tạo 2-3 môn mới, tăng cường kiểm tra, phát hiện và tuyển chọn nâng tổng số lực lượng học sinh đào tạo từ 200-250.
+ Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh tập trung bổ sung vận động viên cho tuyến trẻ và tuyển từ các nguồn theo hệ thống đào tạo của tỉnh và thông qua các giải thể thao của tỉnh, đảm bảo tập trung đào tạo và huấn luyện từ 100-150 tuyến tuyển và 150-200 tuyến trẻ.
+ Đối với các Câu lạc bộ, Hội và Liên đoàn thể thao từng môn phải tăng cường tuyển chọn bổ sung lực lượng nhất là tuyến năng khiếu và trẻ để có kế thừa làm nhiệm vụ.
- Giai đoạn 2016 - 2020:
+ Tăng cường công tác liên thông, kế thừa của các tuyến và hệ thống tuyển chọn, đào tạo vận động viên một cách khoa học, hiệu quả và hạn chế thấp nhất xác suất đào thải do bệnh lý hoặc không có khả năng phát triển chuyên môn.
+ Đảm bảo lực lượng đào tạo và huấn luyện tại tỉnh: 250-300 học sinh năng khiếu; 150-200 tuyến tuyển và 200-250 tuyến trẻ.
4. Phát triển và quy hoạch môn thể thao:
Ngoài những môn huấn luyện và có thành tích cao như Đua thuyền, Điền kinh Võ thuật…hiện nay đang đào tạo. Bình Thuận cần phải phát triển các môn thể thao có phong trào và phù hợp với địa phương như: Golf, Karatedo, Bóng chuyền bãi biển, Bóng đá bãi biển, Bơi lặn, Đua thuyền Rowing, Xe đạp, Bóng bàn, Lướt ván, Lướt ván buồm, Lướt ván diều…
Nhóm môn thể thao đầu tư trọng điểm như sau:
* Nhóm 1: Nhóm môn thể thao trọng điểm, có thế mạnh bao gồm: Đua thuyền truyền thống, Canoeing, Rowing, Taekwondo, Judo, Vovinam, Điền kinh và Bơi lặn.
* Nhóm 2: Bao gồm: Golf, Bóng rổ (nam,nữ), Cầu lông, Karatedo, Bóng đá, Thể hình, Võ thuật cổ truyền, Bóng bàn, Bóng chuyền bãi biển, Bóng đá bãi biển, Lướt ván, Lướt ván buồm và Boxing
* Nhóm 3: Bao gồm: Xe đạp, Cờ tướng, Cờ vua, Quần vợt.
5. Đầu tư đặc biệt trọng điểm nhóm thể thao, Vận động viên mũi nhọn ở nhóm 1: Đua thuyền, Điền kinh, Võ thuật… gửi đi tập huấn tại nước ngoài để nâng cao thành tích. Đầu tư trọng điểm một số môn thể thao trên biển như: Lướt ván, Lướt ván buồm, Bóng đá bãi biển…hướng đến việc đăng cai tổ chức các hoạt động thể thao biển toàn quốc và quốc tế.
6. Có kế hoạch đào tạo hoặc gửi đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý; huấn luyện viên từng môn thể thao đảm bảo yêu cầu về quản lý và huấn luyện thể thao nâng cao; xây dựng đội ngũ trọng tài trẻ, y bác sỹ thể dục thể thao chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển của TTTTC.
7. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lòng yêu nghề và chống tiêu cực trong hoạt động thể thao.
8. Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo tài năng thể thao. Đào tạo tập trung 10 đến 12 “môn thể thao trọng điểm có thế mạnh” với 200 đến 250 vận động viên các tuyến trẻ và tuyển làm nhiệm vụ thi đấu các giải quốc gia và quốc tế hàng năm.
9. Xúc tiến thành lập và ổn định từng bước các câu lạc bộ, Hội và Liên đoàn thể thao từng môn nhằm từng bước đổi mới cơ chế tổ chức, điều hành các môn TTTTC theo mô hình chuyên nghiệp: tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
10. Xây dựng cơ sở vật chất, công trình thể thao và đầu tư trang thiết bị dụng cụ đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu các môn TTTTC cấp tỉnh, khu vực, quốc gia và quốc tế.
* Giai đoạn 2010- 2015:
- Cấp tỉnh:
+ Sữa chữa khu ký túc xá Trường Năng khiếu Nghiệp vụ Thể dục thể thao tỉnh và các phòng ở của Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh.
+ Làm mới đường chạy 400m nhựa tổng hợp tại sân vận động Phan Thiết.
+ Thay thế và bổ sung các thiết bị, dụng cụ tập luyện tại Nhà tập luyện của Trường Năng khiếu Nghiệp vụ Thể dục thể thao tỉnh và Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh.
+ Hoàn chỉnh các thủ tục thiết kế những hạng mục Khu Liên hợp thể thao của tỉnh, xây dựng từ 02 - 03 hạng mục công trình như: Tường rào, mặt sân bóng đá, khu nhà ở vận động viên, đường chạy 400 mét nhựa tổng hợp
- Cấp huyện, thị xã thành phố:
+ Tiếp tục khai thác, tu bổ các công trình như: Sân bóng đá, nhà tập luyện…
+ Xây dựng mới nhà tập luyện cho huyện Hàm Tân (Theo chương trình đào tạo Vận động viên).
+ Tiếp tục xây dựng mới các hồ bơi ở các huyện, thị xã, thành phố theo Chương trình đào tạo vận động viên thể thao cơ sở.
* Giai đoạn 2016-2020:
- Cấp tỉnh: Tiếp tục xây dựng các hạng mục còn lại của Khu Liên hợp, phấn đấu hoàn chỉnh toàn bộ công trình vào cuối năm 2020 để đưa vào sử dụng.
+ Nâng cấp mặt sân vận động Phan Thiết.
IV. Giải pháp thực hiện:
1. Về tổ chức bộ máy:
Ổn định và tiếp tục cũng cố tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp Thể dục thể thao cấp tỉnh như: Trường Năng khiếu Nghiệp vụ Thể dục thể thao tỉnh, Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh; từng bước hoàn chỉnh nguồn lực cán bộ chuyên môn đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ, chức năng của từng lĩnh vực hoạt động.
2. Hoàn thiện hệ thống thi đấu các giải thể thao cấp tỉnh.
- Định kỳ tổ chức kiểm tra các môn thể thao thực hiện Chương trình đào tạo vận động viên thể thao cở sở, thông qua tổ chức giải thi đấu để phát hiện tuyển chọn tài năng thể thao.
- Từng bước hoàn thiện hệ thống tổ chức thi đấu các môn thể thao cho lứa tuổi thanh thiếu niên ở các huyện, thị xã, thành phố và trường học làm cơ sở cho công tác tuyển chọn năng khiếu.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thi đấu các giải trẻ, Đại hội Thể dục Thể thao học sinh, Hội khỏe Phù đổng và các giải thể thao học sinh định kỳ từng năm; câu lạc bộ từng môn, vô địch tỉnh và các kỳ Đại hội Thể dục Thể thao toàn tỉnh để làm công tác tuyển chọn bổ sung và nâng cao năng lực cho các vận động viên tại các kỳ Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc, khu vực (SEA Games), Châu lục (ASIAD) …
- Tạo mọi điều kiện để cho các đội thể thao thi đấu nhiều giải trong năm từ giải khu vực, các nhóm tuổi, trẻ, cúp các câu lạc bộ, vô địch quốc gia và quốc tế mở rộng để nâng cao trình độ bản lĩnh và khả năng chuyên môn cho vận động viên và huấn luyện viên.
3. Tăng cường công tác tuyển chọn, quản lý và huấn luyện nâng cao để phát triển tài năng thể thao:
- Tuyển chọn lực lượng vận động viên ở các tuyến năng khiếu, trẻ và tuyển để bổ sung nội dung cho các môn thể thao đủ để làm nên thế mạnh và đạt thành tích cao cho tỉnh đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
- Vận động viên được tuyển chọn vào Trường Năng khiếu Nghiệp vụ TDTT tỉnh phải bảo tiêu chuẩn tuyển chọn và được sàn lọc qua quá trình thi đấu, hạn chế thấp nhất việc đào thải vận động viên
- Phát triển vận động viên đảm bảo về chất lượng, ổn định TTTTC lâu dài.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động tổ chức học tập văn hóa chương trình phổ thông cho các học sinh và vận động viên tại Trường Năng khiếu Nghiệp vụ Thể dục thể thao tỉnh, định kỳ tổ chức Hội khoẻ Phù đổng và tổ chức giải thể thao học sinh từng môn của tỉnh, xây dựng hệ thống thi đấu các giải thể thao học sinh tập trung các môn Điền kinh, Bơi lặn, Võ thuật, Bóng bàn… Tạo điều kiện cho các vận động viên là học sinh phổ thông các trường được thuận lợi khi đi thi đấu tại các giải quốc gia, đồng thời đưa một số môn thể thao trọng điểm vào giảng dạy ngoại khóa, chính khoá.
- Thường xuyên nguyên cứu cải tiến, áp dụng theo những đề tài khoa học trên lĩnh vực TTTTC phục vụ cho công tác tuyển chọn và đào tạo tại Trường năng khiếu Nghiệp vụ Thể dục thể thao và Chương trình đào tạo vận động viên thể thao cơ sở.
- Hoàn chỉnh hệ thống đào tạo, huấn luyện vận động viên theo 04 tuyến: Năng khiếu ban đầu (theo Chương trình đào tạo), chuyên môn hoá ban đầu (tập trung Trường NKNVTDTT tỉnh), chuyên môn hóa sâu-hoàn thiện thể thao (Trung tâm TDTT tỉnh).
4. Xác định và đầu tư sâu các môn Thể thao theo nhóm:
- Tập trung đầu tư mạnh các môn ở nhóm 1: Đua thuyền truyền thống, Canoeing, Rowing, Taekwondo, Judo, Vovinam, Điền kinh và Bơi.
- Ổn định các môn thể thao ở nhóm 2: Gofl, Bóng rổ (nam, nữ), Bóng đá, Cầu lông, Karatedo, Thể hình, Võ thuật cổ truyền, Bóng chuyền bãi biển, Bóng đá bãi biển, Lướt ván, Lướt ván buồm, Bóng bàn và Boxing.
- Duy trì tốt các môn thể thao ở nhóm 3: Xe đạp, Cờ tướng, Cờ vua, Quần vợt.
- Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả Chương trình đào tạo vận động viên thể thao cơ sở giai đoạn 2011 - 2015, nghiên cứu xây dựng Đề án mới giai đoạn (2016 - 2020); thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn cho lực lượng huấn luyện viên và trọng tài cơ sở nhằm nâng cao chất lượng hoạt động phong trào, tạo nguồn nhân lực cho TTTTC.
5. Xây dựng lực lượng huấn luyện viên và đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật:
Đào tạo và sử dụng lực lượng huấn luyện viên có hiệu quả đáp ứng được yêu cầu phát triển thành tích thể thao của ngành. Do vậy phải có những giải pháp thật toàn diện, hiệu quả để nâng cao trình độ cho lực lượng huấn luyện viên gồm:
- Có kế hoạch đào tạo lực lượng huấn luyện viên hiện có để cập nhật kiến thức mới áp dụng khoa học kỹ thuật vào lý luận chuyên môn để triển khai thực hiện công tác huấn luyện.
- Đào tạo lực lượng huấn luyện viên trẻ đáp ứng đủ số lượng cho sự phát triển các môn mới.
+ Ưu tiên chọn những vận động viên có thành tích và đẳng cấp quốc gia ở các môn thể thao, không còn khả năng thi đấu đỉnh cao có đạo đức tốt gửi đi đào tạo Đại học Thể dục thể thao để trở thành huấn luyện viên.
+ Tiếp nhận những sinh viên, huấn luyện viên đã tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao về tham gia công tác huấn luyện.
+ Mời các chuyên gia, huấn luyện viên giỏi (kể cả nước ngoài) về công tác vừa huấn luyện vận động viên có thành tích, vừa tạo điều kiện cho các huấn luyện viên trong tỉnh học hỏi nâng cao trình độ huấn luyện.
+ Từ năm 2010 trở đi các huấn luyện viên phải có trình độ Cử nhân thể thao hoặc đang theo học Đại học Thể dục thể thao (thực hiện theo Quyết định 202/QĐ-SVHTTDL ngày 4/6/2009).
- Thường xuyên bồi dưỡng chính trị, đạo đức để huấn luyện viên nhận thức được vai trò, vị trí của mình, khắc phục khó khăn hoàn thành công việc được giao.
- Tiến hành rà soát kiểm tra năng lực, kết quả huấn luyện trong thời gian qua của huấn luyện viên, kiểm tra tư cách đạo đức của người thầy, lòng say mê nghề nghiệp để xem xét bố trí tiếp hay điểu chỉnh tuyến khác, đội khác cho phù hợp, trường hợp năng lực kém thì kiên quyết chuyển sang công tác khác hoặc giải quyết chính sách.
- Quy chế hóa và tiêu chuẩn hóa công tác huấn luyện và quản lý huấn luyện: Có kế hoạch đào tạo, chuẩn hóa để có đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, y, bác sỹ, huấn luyện viên trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt phù hợp với yêu cầu của ngành.
6. Phát triển lực lượng trọng tài :
- Tăng cường đội ngũ trọng tài chuyên nghiệp và nghiệp dư để đủ lực lượng tổ chức các giải thể thao trong tỉnh, khu vực, cung cấp cho quốc gia những trọng tài giỏi làm nhiệm vụ tại các giải quốc gia và quốc tế.
- Bên cạnh công tác đào tạo nâng cao trình độ các trọng tài hiện có, chú ý đào tạo trọng tài trẻ, trọng tài nữ đầy đủ các môn thể thao. Thường xuyên giáo dục đạo đức, chính trị để các trọng tài làm nhiệm vụ đạt kết quả chuyên môn cao, trung thực, chống tiêu cực.
7. Giải pháp chuẩn bị các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc 2010, 2014, 2018):
Với chu kỳ 04 năm 01 lần, ở các kỳ Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc (2010, 2014, 2018), tỉnh có kế hoạch chuẩn bị lực lượng sớm, dài hạn, tập trung đẩy mạnh việc đầu tư sâu về chuyên môn, chế độ đãi ngộ, chính sách khen thưởng,…cho các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh để tập luyện và thi đấu đạt các chỉ tiêu đề ra:
- Đầu các năm có Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc, tham mưu cho Sở thành lập đoàn Thể thao tỉnh với thành phần lãnh đạo đoàn, huấn luyện viên và vận động viên tham dự Đại hội để có kế hoạch chuẩn bị bị cho đoàn;
- Đoàn xây dựng kế hoạch tập luyện cho từng đội tuyển các môn thể thao và dự trù kinh phí, chế độ đầu tư cho các đội tuyển để sớm tổ chức huấn luyện nâng cao thành tích thi đấu thể thao;
- Chọn các đội thể thao, vận động viên ưu tú cho đi tập huấn nước ngoài hoặc các Trung tâm Thể dục thể thao mạnh trong nước để rèn nâng cao năng lực chuyên môn;
- Hợp đồng một số chuyên gia thể thao giỏi để huấn luyện một số đội, vận động viên tài năng có khả năng dành huy chương cao tại các kỳ Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc.
8. Thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù và chế độ ưu đãi cho huấn luyện viên và vận động viên.
Đối tượng là huấn luyện viên và vận động viên thể thao trong và sau quá trình phấn đấu, cống hiến và đạt những thành tích nhất định, tạo điều kiện cho họ khắc phục khó khăn, để ổn định cuộc sống, tìm kiếm việc làm, lập nghiệp, mà cụ thể cho các huấn luyện viên và vận động viên đạt huy chương Vàng, Bạc, Đồng Đại hội thể thao Olympic, Đại hội thể thao châu Á, Đại hội thể thao Đông Nam Á. Các chính sách phải đảm bảo theo quy định của Nhà nước như: Dinh dưỡng đặc thù; ưu đãi học tập, đào tạo; ưu tiên giới thiệu việc làm; trợ cấp ưu đãi một lần; ưu đãi về nhà ở…Trước mắt giải quyết cho huấn luyện và vận động viên các tuyến thể thao của tỉnh được hưởng chế độ tập huấn và thi đấu theo Thông tư liên tịch 127/2008/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 24/12/2008.
9. Liên kết với các Trung tâm Huấn luyện quốc gia và một số tỉnh thành bạn để đào tạo vận động viên tài năng trong nước hoặc tập huấn nước ngoài:
- Chọn một số huấn luyện viên, vận động viên ưu tú để gửi đi tập huấn nước ngoài nâng cao thành tích thể thao.
- Đẩy mạnh việc hợp tác trong nước và quốc tế: giao lưu, ký kết hợp tác trên cơ sở bình đẳng và hỗ trợ lẫn nhau với các địa phương, tổ chức trong và ngoài nước có thế mạnh ở một số lĩnh vực thể thao thích hợp.
10. Phát triển xã hội hoá thể dục thể thao:
- Tiếp tục ổn định các câu lạc bộ, Hội và Liên đoàn từng môn thể thao hiện có
- 2010-2015 thành lập mới 2 - 3 tổ chức Hội, câu lạc bộ, Liên đoàn.
- 2016-2020 thành lập mới 2 - 3 tổ chức Hội, câu lạc bộ, Liên đoàn.
- Khuyến khích các tổ chức xã hội, tư nhân đầu tư xây dựng các cơ sở tập luyện và đào tạo tài năng thể thao (một môn hoặc nhiều môn). Đề xuất cơ chế ưu đãi, thu hút, tạo điều kiện để các tổ chức xã hội, tư nhân tham gia. Ngành hướng dẫn về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy trình kỹ thuật xây dựng các công trình thể thao (theo Luật Thể dục, thể thao) để các tổ chức, cá nhân nắm bắt và tổ chức thực hiện.
11. Phát triển cơ sở vật chất, sân bãi:
Hiện nay, cơ sở vật chất, sân bãi của ngành rất thiếu, không đúng các tiêu chuẩn chuyên môn, so với các tỉnh bạn, nhất là khu vực miền Đông Nam bộ. Để đáp ứng nhu cầu thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ phát triển TTTTC đạt chỉ tiêu đề ra và khắc phục sự tồn tại và thiếu thốn về cơ sở vật chất sân bãi, có đủ điều kiện đảm bảo để phát triển TTTTC đến năm 2020, nhà nước cần tập trung vào các công trình sau:
- Thường xuyên tu bổ, chỉnh trang công trình nhà tập luyện và thi đấu tại các huyện, thị xã, thành phố và tỉnh, đảm bảo an toàn cho quá trình tập luyện và thi đấu của các vận động viên.
- Tiếp tục xây mới hồ bơi (15m x 25m) tại các huyện, thị xã và thành phố, theo Đề án Chương trình đào tạo vận động viên thể thao cơ sở giai đoạn (2006-2010).
- Xây mới hồ bơi tỉnh, đường chạy nhựa tổng hợp 400m, nhà tập thể lực cho vận động viên và khu ở tập trung cho các vận động viên các đội tuyển.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành lập dự toán thiết kế xây dựng công trình thể thao khu liên hợp thể thao tỉnh gồm 11 hạng mục: Sân vận động, nhà thi đấu, khu thể thao dưới nước, nhà tập luyện Điền kinh, khu triển lãm hội chợ, khu thể thao ngoài trời, khu luyện tập Đua thuyền, quảng trường, khu nhà điều hành, bãi đậu xe và sân tập Bóng đá.
- Đầu tư trang thiết bị phục vụ nguyên cứu, ứng dụng y sinh học và tổ chức chăm sóc hồi phục sức khỏe của vận động viên.
12. Kinh phí cho Đề án:
Kinh phí tập trung cho Đề án được chia 2 giai đoạn:
* Giai đoạn I: (Từ 01/2010- 12/2015) tổng kinh phí: 28.000.000.000đ
- Tăng cường Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI - 2010: 2.000.000.000đ.
- Tăng cường Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - 2014: 8.000.000.000đ.
- Đầu tư VĐV ưu tú các môn: Bình quân mỗi năm có 80 VĐV và 10 HLV:
30.000.000đ/ người x 90 người x 6 năm = 16.200.000.000đ
- Mua sắm trang thiết bị, dung cụ chuyên môn:
50.000.000đ/đội x 6 đội x 6 năm = 1.800.000.000đ
* Giai đoạn II: (Từ 01/2016- 12/2020), tổng kinh phí : 38.200.000.000đ
- Tăng cường Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII - 2018: 10.000.000.000đ.
- Đầu tư VĐV ưu tú các môn: Bình quân mỗi năm có 100 VĐV và 12 HLV:
50.000.000đ/ người x 100 người x 5 năm = 25.000.000.000đ
- Mua sắm trang thiết bị, dung cụ chuyên môn:
80.000.000đ/đội x 8 đội x 5 năm = 3.200.000.000đ
* Tổng kinh phí cho Đề án đến năm 2020 là: 66.200.000.000đ.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Sở Văn hoá,Thể thao và Du lịch: Là cơ quan thường trực chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Đề án; đồng thời chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra để báo cáo UBND tỉnh theo qui định.
2. Sở Nội vụ phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch rà soát lại tổ chức bộ máy của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cụ thể là các tổ chức đơn vị sự nghiệp thể dục thể thao đề xuất với UBND tỉnh để hoàn thiện về biên chế tổ chức, bảo đảm chất lượng cán bộ, huấn luyện viên, giáo viên… đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp thể dục thể thao trong những năm tới.
3. Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính cân đối kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và ngân sách phục vụ nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện và thi đấu đỉnh cao; phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các cơ quan liên quan để đề xuất với UBND tỉnh những chế độ, chính sách khuyến khích vận động viên, huấn luyện viên giỏi, có thành tích cao; khuyến khích đơn vị, cá nhân tham gia đầu tư trong việc phát triển thể thao thành tích cao.
4. Sở Giáo dục - Đào tạo có trách nhiệm nghiên cứu và áp dụng các giải pháp để mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào thể dục thể thao trong trường học; phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện kế hoạch tuyển chọn vận động viên năng khiếu trong trường học; thống nhất tổ chức các kỳ Hội khỏe Phù đổng, Đại hội Điền kinh Học sinh và một số giải thể thao học sinh từng năm theo yêu cầu đào tạo vận động viên của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được tham gia chương trình tập huấn và thi đấu đỉnh cao của tỉnh.
5. Sở xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường: phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện việc quy hoạch sử dụng đất đai, cơ sở vật chất cho các công trình thể thao và các cơ chế chính sách có liên quan.
6. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Bình Thuận: phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thường trú trên địa bàn tỉnh và Sở Văn hoá,Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức tuyên truyền các hoạt động thể dục thể thao nói chung và công tác đào tạo, huấn luyện, thi đấu đỉnh cao diễn ra trên địa bàn của tỉnh.
7. UBND các huyện, thị xã và thành phố phối hợp với Sở Văn hoá,Thể thao và Du lịch chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển thể thao thành tích cao trên địa bàn; thực hiện quy hoạch ổn định đất cho hoạt động thể dục thể thao; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng sân bãi, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ luyện tập, thi đấu thể thao; đẩy mạnh phong trào luyện tập thể dục thể thao trong nhân dân, tổ chức tốt việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan công tác thể dục thể thao, góp phần tích cực cho công tác đào tạo vận động viên và thi đấu đỉnh cao của tỉnh.
CHỦ TỊCH
Huỳnh Tấn Thành