Buồn vui nghề...huấn luyện

Đăng ngày: 4/9/2010 12:00:00 AM - Lượt xem 2523

Huấn luyện cầu lông

Trên 20 năm là HLV cầu lông tại Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT tỉnh, cô Phạm Thị Mạnh có khá nhiều niềm vui cũng như  nỗi buồn…

HLV Mạnh nhớ lại: “Năm 1989, tôi theo chồng, chuyển công tác từ Yên Bái vào. Hồi đó cơ sở vật chất thiếu thốn lắm, thầy và trò khá vất vả để vượt qua!”.  Các VĐV cầu lông đang theo học ở trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT hầu hết ở  tuổi 11 – 14. Mỗi HLV phụ trách một lớp khoảng 10 em. Những VĐV này được lựa chọn, sàng lọc từ 500 – 600 học sinh cấp I trong tỉnh.

Ngoài việc huấn luyện phát triển năng khiếu, Trường nghiệp vụ TDTT rất chú trọng đến việc dạy và học văn hóa đối với từng VĐV năng khiếu. Các em phải học văn hóa một buổi, một buổi học thể thao. Và chính HLV là người “đứng mũi chịu sào” trong chuyện học tập và huấn luyện của các em. Thậm chí, HLV đôi khi  là “bố”, “mẹ” của các em; chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ và cả … chải tóc , kiêm luôn việc đi họp phu huynh...

“Mỗi em, một tính nết khác nhau. HLV phải hiểu rõ tâm tính từng em mới mong huấn luyện đạt hiệu quả!”- cô Mạnh bộc bạch.

Khi được hỏi về niềm vui trong nghề, mắt cô ánh lên: “Nhiều lắm. Nhất là  lúc các em đoạt giải  huy chương! (Hội Khỏe Phù Đổng Bình Thuận, năm 2009, VĐV cầu lông  của trường đạt cả 3 giải: nhất, nhì và ba). Hoặc, các em đều đạt tối đa những chỉ tiêu do nhà trường đặt ra, không phụ lòng mong mỏi của thầy cô. Những tiến bộ của các em trong học tập hay trưởng thành trong cuộc sống cũng là niềm hạnh phúc cho HLV và phụ huynh”.

Còn nỗi buồn? Cô Mạnh kể, đó là lúc thi đấu thua. Thầy buồn, trò cũng buồn, cùng ngồi lại rút kinh nghiệm. Rồi chính thầy là người an ủi, động viên trò “cố lên!”.

Những lúc VĐV ra sân thi đấu, HLV đứng ngồi không yên. Sức ép tâm lý không chỉ đè nặng lên vai VĐV mà ngay các HLV cũng căng thẳng. Nói về  học trò thân  yêu của mình, cô Mạnh hồ hởi: “Bốn em vừa mới ra trường, có việc làm ổn định. Hai em theo nghề HLV. Có em là bác sĩ, kỹ sư…dù đi đâu các em cũng nhớ thầy, cô đã hết lòng vì mình.

 Đến huấn luyện môn đua thuyền

Thật bất ngờ khi tiếp xúc với Trần Văn Nguyên, HLV môn đua thuyền tại Trung tâm Thi đấu Thể thao tỉnh bởi HLV này khá trẻ so với tuổi 30.

“Đây là môn thể thao truyền thống của địa phương, đang trên đà phát triển mạnh ”- HLV Nguyên mở đầu câu chuyện về nghề nghiệp của mình bằng giọng vui vẻ. “Môn này, mỗi năm huấn luyện từ 2 – 3 tháng và chỉ tổ chức từ 1 – 2 giải  thôi!”- HLV Nguyên nói tiếp. VĐV môn đua thuyền không tập trung huấn luyện thường xuyên bởi họ là những ngư dân, nông dân phải lo mưu sinh hàng ngày. Đây cũng là cái khó cho công tác huấn luyện.

Đa số VĐV trong thời gian không huấn luyện, cứ tầm 1,2 giờ sáng là ra khơi đánh cá. Đến 7-8 giờ thì quay vào. Lại phải lo rửa lưới, gỡ cá… nên thời gian tập luyện, chủ yếu vào buổi chiều.

Lực lượng VĐV đua thuyền ở Phan Thiết trên 50 người, ngụ tại các phường: Phú Trinh, Đức Nghĩa, Đức Long, Bình Hưng và Phú Tài…Bộ môn này không quy định lứa tuổi, đa số  từ 30 –  40 tuổi, với điều kiện thể lưc tốt. Vì VĐV là ngư dân, tính tình chân chất, tự nhiên trong lời ăn tiếng nói, trong cách hành xử… nên anh Nguyên phải mất khá nhiều thời gian để gần gũi, tạo nên sự đoàn kết, gắn bó giữa mọi người với nhau...

Cũng chính vì mỗi năm chỉ tập trung 1,2 lần nên đội đua thuyền thuờng có sự thay đổi về con người. Lại phải mất thời gian tuyển chọn lại và huấn luyện số người mới.

Tuy vậy, cả HLV và VĐV đều có chung niềm vui khi đội đạt  giải cao, hoàn thành trách nhiệm mà ngành thể dục- thể thao Bình Thuận giao phó. Đó  là sự khích lệ tinh thần cho người huấn luyện và VĐV.

Nhìn chung, nghề HLV ở tất cả các môn thể thao khá là khó khăn, vất vả. Bao nhiêu lo toan, căng thẳng trong những buổi tập luyện hay thi đấu đều dồn hết lên đôi vai HLV. Bù lại mọi thành tích  VĐV đạt được cũng chính là niềm hạnh phúc của HLV.

Theo Báo Bình Thuận

Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT