Đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa thể thao

Đăng ngày: 4/2/2011 12:00:00 AM - Lượt xem 3550

Là một trong những vấn đề nổi bật mang tính quan điểm trong “Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020” mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nhằm tận dụng và phát huy mọi nguồn lực trong xã hội đồng thời đẩy nhanh tiến trình chuyên nghiệp hóa một bộ phận thể thao đỉnh cao, công tác xã hội hóa TDTT là một con đường tất yếu. Ông Phạm Văn Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ VHTTDL) đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
* Với vai trò của một lãnh đạo TDTT trực tiếp quản lý, ông có thể đưa ra một cái nhìn mang tính chất tổng quan thực trạng công tác xã hội hóa TDTT ở Việt Nam?

Ông Phạm Văn Tuấn: Cần xác định ngay rằng đây là một trong những chủ trương lớn, đã được Chính phủ sớm triển khai từ cách nay đã hơn 10 năm với những văn bản mang tính định hướng rất rõ ràng. Trở lại một chút với lịch sử, năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị quyết 90 về “phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa”, tạo nên tảng cho việc ra đời Nghị định 73 về “chính sách khuyến khích xã hội hóa với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao”. Năm 2005, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 05 về “đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao”.

Theo tôi, cần hiểu khái niệm “xã hội hóa” không đơn giản chỉ là thu hút tiền tài trợ cho thể thao mà chính là để tận dụng mọi nguồn lực chăm lo cho thể dục thể thao nước nhà. “Xã hội hóa” không có nghĩa là Nhà nước hết trách nhiệm hoặc đẩy trách nhiệm của mình cho xã hội mà ngược lại, Nhà nước vẫn đầu tư, thậm chí đầu tư lớn hơn cho việc xây dựng các chương trình, cơ sở vật chất lớn mang quy mô quốc gia và quốc tế, hỗ trợ phát triển thể dục thể thao ở các vùng sâu, vùng xa, để toàn dân được thụ hưởng ích lợi của hoạt động TDTT. Nhìn từ một góc độ khác, xã hội hóa chính là động lực mạnh mẽ để chuyên nghiệp hóa các hoạt động thi đấu TDTT...

Hiểu theo nghĩa rộng như vậy, chúng ta có thể nhận thấy công tác xã hội hóa TDTT ở nước ta trong khoảng 10 năm qua đã được thực hiện, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt của thể thao trong nước. Dĩ nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà trong thời gian qua, chúng ta vẫn chưa thật sự tận dụng, phát huy được hết các nguồn lực từ xã hội cho TDTT. Dù vậy, những thành tựu bước đầu vẫn rất đáng ghi nhận. Tôi xin lấy ví dụ từ môn bóng đá. Khi thực hiện chủ trương xã hội hóa một cách triệt để, ngày nay, chỉ riêng 28 CLB bóng đá ở 2 hạng cao nhất (V.League và hạng Nhất) đã huy động nguồn kinh phí đầu tư ước chừng 2.000 tỷ đồng mỗi năm từ xã hội. Đấy là chưa kể những khoản tiền rất lớn mà các doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá bỏ ra để củng cố cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ cho công tác đào tạo, huấn luyện... Không thể bì được với bóng đá, nhưng ở môn bóng chuyền, sau khi kết thúc năm vừa qua, ngân quỹ của Liên đoàn BCVN cũng có số dư tới hơn 15 tỷ đồng.

Hiện ngành TDTT vẫn chưa thể thông kê được nguồn tiền mà tư nhân bỏ ra để tự đầu tư, thành lập các cơ sở dịch vụ TDTT trong nhân dân là bao nhiêu, nhưng chắc chắn sẽ là con số rất lớn, hỗ trợ ngành đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của đông đảo nhân dân. Tôi biết ở Gia Lai, có người bạt rẫy làm sân bóng đá nhân tạo, đầu tư xây sân hết khoảng 300 triệu, nhưng doanh thu mỗi ngày đạt tới 3 triệu đồng, chẳng mấy mà thu hồi được vốn.

 

* Một trọng điểm trong công tác xã hội hóa TDTT chính là hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội TDTT trong nước. Tại Việt Nam, hoạt động của các tổ chức xã hội nghề nghiệp này ra sao, thưa ông?

Ông Phạm Văn Tuấn: Hiện cả nước có 22 liên đoàn, hiệp hội TDTT cấp quốc gia đã được thành lập. Tuy nhiên, thực chất chỉ có 4-5 tổ chức hoạt động thực sự có hiệu quả (nổi bật nhất là LĐ bóng đá).

Một số liên đoàn, hiệp hội TDTT trên thực chất chỉ tồn tại trên danh nghĩa, trong khi ngay cả quy chế hoạt động, trụ sở làm việc... cũng chưa có, tổ chức nhân sự rất đỗi nghèo nàn. Tôi không hề ngần ngại mà xin nói thẳng: Nhiều nhân sự chủ chốt ở liên đoàn, đặc biệt là Tổng thư ký và Chánh văn phòng quá yếu kém, trình độ chuyên môn cũng như quản lý hành chính, kinh tế chưa hề đáp ứng được yêu cầu... Thực tế cho thấy Liên đoàn nào mạnh thì Tổng thư ký Liên đoàn ấy giỏi, và ngược lại.

 

* Theo ông, đâu là nguyên nhân chính của những tồn tại ấy?

Ông Phạm Văn Tuấn: Tất cả xuất phát từ yếu tố con người thôi. Thực tế, một số bộ môn được đề nghị thành lập liên đoàn, hiệp hội, nhưng cố chần chừ. Vì các cán bộ chuyên môn sợ bị mất quyền lợi. Có “Ban vận động thành lập liên đoàn” sau 12 năm vẫn cứ là... Ban vận động.

Một số liên đoàn đã được thành lập nhưng hoạt động yếu vì thiếu người có tài, có tâm, thực sự nhiệt huyết... Ban chấp hành thoạt nhìn thì đồ sộ, đông đảo nhưng cả năm có khi chẳng họp được lấy một lần.

 

* Điều ấy đặt ra yêu cầu cần thiết phải rà soát, củng cố lại và khi cần thì phải tổ chức lại các liên đoàn, hiệp hội nói trên, phải không thưa ông?

Ông Phạm Văn Tuấn: Đúng như vậy. Nhưng có một điều khó khăn trong cách phân công phân nhiệm hiện nay. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Tổng cục TDTT chỉ quản lý về chuyên môn, trong khi Bộ Nội vụ quản lý về mặt tổ chức. Đây là điều mà ngành TDTT đang đề nghị cần xem xét lại, bởi các liên đoàn, hiệp hội TDTT có tính chất hoạt động đặc thù, khác với các liên đoàn, hiệp hội khác  như “Hội cây cảnh”, “Hội câu cá”... Liên đoàn, hiệp hội TDTT tuy là tổ chức xã hội nhưng lại chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chuyên môn do cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Tổng cục TDTT) giao phó. Nếu công tác tổ chức, hoạt động của liên đoàn, hiệp hội mà có vấn đề thì cũng sẽ ảnh hưởng ngay tới chất lượng TDTT, trong đó có việc tận dụng và phát huy các nguồn lực xã hội.

Bởi vậy, Tổng cục TDTT đang đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Bộ Nội vụ cần có thông tư liên tịch và phân công trách nhiệm rõ ràng trong công tác này để việc quản lý các liên đoàn, hiệp hội TDTT được sâu sát hơn.

Quan điểm của tôi là các bộ môn chưa có liên đoàn cần mạnh dạn và tích cực, chủ động xây dựng đề án, thành lập Ban vận động để thành lập. Bóng đá, bóng chuyền, quần vợt, xe đạp, thể thao dưới nước... mới đây là môn cờ, đều đã làm được, vậy thì nhiều môn khác cũng có thể làm được. Sẽ có những khó khăn nhất định trong thời gian trước mắt, nhưng chúng ta vẫn cần làm để có thực tiễn, từ đó tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện. Chẳng phải để phát triển như hôm nay, Liên đoàn BĐVN đã phải trả qua hơn 20 năm hoạt động, tháo gỡ khó khăn hay sao?

 

* Trong Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020 có ghi rõ giải pháp quy hoạch các nhóm môn để đầu tư cho hợp lý. Việc thành lập và củng cố hoạt động của các liên đoàn, hiệp hội của những môn thuộc nhóm trọng điểm 1-2 hẳn sẽ rất có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng đầu tư cho các môn ấy?

Ông Phạm Văn Tuấn: Chắc chắn vậy. Nếu có liên đoàn, hiệp hội hoạt động tốt, các môn thể thao trọng điểm sẽ thu hút được nguồn lực mạnh từ xã hội. Điều này sẽ giúp gia tăng kinh phí hoạt động, đổi mới cơ cấu và bộ máy tổ chức, tạo sự năng động hơn trên bước đường phát triển. Trong Chiến lược cũng đã nêu rõ quan điểm: Việc đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà nước về phát triển TDTT bao gồm cả việc đổi mới về thể chế, cải cánh hành chính cũng như thực hiện lộ trình chuyển đổi của các cơ sở TDTT công lập sang phương thức cung ứng dịch vụ công, đồng thời đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa. Theo đó, ngành sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển thể dục thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp.

* Xin cảm ơn ông!

 

Theo Cinet

Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT