Đấy là điều xưa nay chưa từng có. Thế nhưng, theo lý giải của ông Hoàng Mạnh Cường - Tổng thư ký VAF - đấy chỉ là ý tưởng mới của điền kinh Việt Nam…
Cũng cần có tiêu chuẩn
Lâu nay, ai cũng chỉ biết các sự kiện điền kinh lớn như giải vô địch thế giới, Olympic mới đưa ra bảng tiêu chuẩn để tuyển chọn các VĐV ưu tú nhất của mỗi quốc gia tham gia tranh tài. Điều đó giúp chất lượng của giải đấu được nâng cao hơn. Và đấy cũng chính là cái đích phấn đấu nhất định đối với các VĐV cũng như điền kinh các quốc gia trên thế giới.
Nhưng đối với điền kinh Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đây là điều hoàn toàn mới. Thực ra, theo ông Hoàng Mạnh Cường, đấy là một trong những đề xuất của VAF nhằm góp phần chuyên nghiệp hóa hình ảnh của điền kinh Việt Nam. “Chúng tôi đưa ra bảng tiêu chuẩn này để tham khảo ý kiến của các địa phương, các HLV cũng như chuyên gia, chứ không hề áp đặt.
Thử đặt ra một chuẩn để chọn VĐV cho đội tuyển quốc gia cũng là cách giúp chúng ta chọn được đúng người tài trước cuộc tranh tài lớn. Hơn nữa, các tiêu chuẩn không quá cao so với thực tế trình độ của VĐV Việt Nam”, ông Cường bày tỏ.
Ví dụ, ở cự ly 100m nam, tiêu chuẩn đủ để vào ĐTQG dự SEA Games 26 là 10"50. Nếu so với KLQG hiện tại ở cự ly này (10"52), thì tiêu chuẩn này cao hơn hẳn. Nhưng nếu thử so sánh với mức đoạt HCV, HCB và HCĐ ở SEA Games 25 thì hợp lý (các mức 10"17, 10"30 và 10"61). Hoặc ở nội dung nhảy cao nam, tiêu chuẩn là 2m14, kém xa so với KLQG (2m25), nhưng ngang bằng thành tích HCB ở SEA Games kỳ trước (2m14)…
Cũng theo ông Cường, giới chức VAF sau khi được các chuyên gia Đức góp ý mới đưa ra bảng tiêu chuẩn cho 23 nội dung nam và 23 nội dung nữ được tổ chức tranh tài tại SEA Games 26. Bảng này nếu được đa số các địa phương, HLV cũng như VĐV ủng hộ sẽ tạo nên bước ngoặt quan trọng cho điền kinh Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
Phá cách lại hóa hay!
Tháng 9 tới, giải VĐQG 2011 sẽ diễn ra tại TPHCM. Đấy chính là thời điểm để giới chức điền kinh hy vọng tìm kiếm thêm những gương mặt xuất sắc khác, bên cạnh những VĐV kỳ cựu như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương, Vũ Văn Huyện…
Ông Hoàng Mạnh Cường hy vọng ngoài những trụ cột của đội tuyển nói trên, sẽ có thêm những nhân tố mới xuất hiện, đáp ứng được tiêu chuẩn tuyển chọn của VAF cũng như của bộ môn điền kinh quốc gia.
Thực tế thì đối với các gương mặt trụ cột, bảng tiêu chuẩn (nếu được chính thức công nhận) không hề làm khó họ. Chẳng hạn, đối với “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương, mốc thời gian 11"61 ở cự ly 100m hay 23"70 ở cự ly 200m, không thành vấn đề. Đối với Trương Thanh Hằng, mốc 2’07"66 (cự ly 800m) và 4’26"09 (cự ly 1.500m) thấp hơn nhiều so với khả năng hiện tại của cô. Trong khi đó, “người không phổi” Vũ Văn Huyện đã gần đạt đến cột mốc 8.000 điểm, nên tiêu chuẩn 6.976 điểm ở nội dung 10 môn phối hợp không phải là rào cản đáng kể.
|
Bảng tiêu chuẩn dự kiến dành cho các VĐV nữ của VAF. |
Ý tứ của VAF quá rõ ràng: muốn thúc đẩy điền kinh phát triển hơn nữa và ngày càng xuất hiện nhiều tài năng hơn nữa. Sau lưng các VĐV hàng đầu Hương, Hằng, Cương, Huyện, điền kinh Việt Nam vài năm trở lại đây chưa lộ thêm những tài năng khác, dù tiềm năng ở nhiều địa phương như: Hà Nội, Khánh Hòa, TPHCM, Bến Tre, An Giang… không hề nhỏ.
|
Giả sử bảng tiêu chuẩn được công nhận,thì với các VĐV chủ lực như Thanh Hằng, đấy không phải là thách thức đáng kể. Ảnh: N.P |
Chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến khác nhau đánh giá về bảng tiêu chuẩn chọn VĐV dự SEA Games 26 của VAF. Tuy nhiên, nếu đánh giá thuần về chuyên môn, đồng thời nhìn xa hơn về tương lai, đấy có khi lại là điều tốt cho điền kinh Việt Nam. Chuyên nghiệp hóa là giấc mơ, và để nuôi dưỡng giấc mơ ấy cần có thêm nhiều điều lạ và “phá cách” như cái bảng tiêu chuẩn tuyển chọn VĐV dự SEA Games 26 của VAF.
Theo SGGP Online