Hậu trường thể thao: Kỳ 2: Ôi “đá” bóng !

Đăng ngày: 11/25/2009 12:00:00 AM - Lượt xem 2232

Tin liên quan: Kỳ 1: Có thành tích, nhưng bấp bênh đãi ngộ

Bóng đá và “đá” bóng

Dù có nhiều khó khăn về dinh dưỡng, chế độ đãi ngộ, cơ sở vật chất nhưng các thế hệ vận động viên thể thao Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực, vượt khó khăn dành nhiều huy chương quốc gia, quốc tế. Đến nay, ngoài các huy chương quốc gia, các vận động viên Bình Thuận đã dành được nhiều huy chương châu Á và Đông Nam Á (1 HCĐ giải vô địch châu Á; 5 HCV, 3 HCB và 4 HCĐ các giải vô địch - Đông Nam Á) ở các môn đua thuyền, võ thuật, điền kinh, gây tiếng vang nhất định trong hoạt động thể thao nước nhà nói chung và thể thao Bình Thuận nói riêng.

Bình Thuận là một địa phương có truyền thống về bóng đá nên kể từ năm 1980, khi đó Ty TDTT cũ đã bắt đầu chương trình đào tạo năng khiếu bóng đá nhằm có nguồn tăng cường cho các đội tuyển bóng đá Bình Thuận. Vì thế, những năm từ 1990 đến 1995 là giai đoạn phát triển mạnh nhất của Bóng đá Bình Thuận nhờ vào lứa VĐV được đào tạo trước đó 10 năm (1980). Năm 1994 là cơ hội lớn nhất của Bình Thuận để thăng hạng từ hạng nhì lên hạng nhất, nhưng đội đã để thua đội Công an Hà Nội bằng những loạt thi đấu luân lưu may rủi ở trận quyết đấu chuyển hạng cuối cùng.

Tiếp nối truyền thống đó, Bình Thuận nhiều năm qua đã đào tạo được nhiều tài năng bóng đá cho Quốc gia như các VĐV: Nguyễn Minh Chuyên (thành viên đội tuyển quốc gia) Nguyễn Bình Minh, Bùi Quốc Sơn, Nguyễn Công Luận, Nguyễn Trần Minh Hiếu ( U17, U20 quốc gia), gần đây nhất là các VĐV: Vũ Minh Hoàng, Trần Văn Triệu tham gia đội tuyển U19 quốc gia. Thế nhưng, nhiều VĐV bóng đá giỏi của Bình Thuận ra đi do chế độ đãi ngộ tại địa phương quá thấp và do việc đầu tư bóng đá cả nước từ sau những năm 1995 đã có nhiều thay đổi về phương thức đầu tư, cả cơ chế quản lý theo hướng chuyên nghiệp. Dù muốn hay không, bóng đá là môn thể thao duy nhất đã trở thành nghề nghiệp. VĐV bóng đá rất cần dinh dưỡng, nhưng đãi ngộ cứ máy móc theo kiểu: tập huấn 45.000 đồng/ngày, thi đấu 60.000 đồng/ngày. Còn lúc tập bình thường vẫn ở mức 35.000 đồng ngày, mức này chỉ bằng 1/3 chế độ quy định hiện nay. Mới đây, khi đội U19 thi đấu kéo dài trong 3 tháng, hậu quả của sự cống hiến là hàng loạt học sinh bị lưu ban. Các em có lỗi gì không?! Bóng đá Bình Thuận đứng trước cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”. Vì thế bóng đá Bình Thuận nhiều năm qua vẫn chỉ duy trì ở giải hạng nhì . Đặc biệt, sau quá trình cống hiến cho thể thao tỉnh nhà, việc tìm kiếm công ăn việc làm cũng là một việc hết sức nan giải cho ngành. 

 Trả… đội bóng

Mô hình phát triển hầu hết các đội bóng đều được gắn với tên một doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu thông qua nguồn ngân sách chính là của doanh nghiệp, nhà nước chỉ hỗ trợ cơ sở vật chất, sân bãi và một phần kinh phí ban đầu. Sở TDTT (cũ) bằng các mối quan hệ của mình đã tích cực kêu gọi, vận động sự hỗ trợ giúp sức của các doanh nghiệp tại địa phương khi đội tham gia giải quốc gia, nhưng sự giúp sức nhỏ giọt nên không đạt kết quả. Nên chăng cần nghĩ đến mời các doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh “đỡ đầu” cho đội bóng.

Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc như trên và định hướng đầu tư xây dựng bóng đá Bình Thuận phù hợp với xu hướng hiện tại, mặt khác thực hiện tốt chủ trương  và chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác xã hội hoá trong lĩnh vực thể thao, từng bước đầu tư bóng đá Bình Thuận theo mô hình doanh nghiệp thể thao như các tỉnh khác. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị UBND tỉnh giải tán Đội bóng hạng II Bình Thuận để tập trung đầu tư kinh phí cho các môn thể thao mạnh khác của tỉnh, còn nếu không thì cần phải nâng chế độ đãi ngộ cho HLV và các vận động viên theo Thông tư liên tịch số 127 ngày 24/12/2008 của Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc hướng dẫn thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao cho phù hợp với mặt bằng chung của cả nước.

Theo ông Đỗ Văn Ba, nếu không thực hiện được chính sách đãi ngộ, thì nên chuyển đội bóng đá sang cho doanh nghiệp nào khác quản lý theo hình thức doanh nghiệp thể thao với điều kiện tỉnh hỗ trợ cho doanh nghiệp khoản chi phí mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư cho đội bóng đá hiện nay , dự kiến khoảng 1,5 tỷ đồng.

 QUANG NHÂN (Báo Bình Thuận)

Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT