Nữ hoàng tốc độ Việt Nam Vũ Thị Hương đã về nhất cự ly 60 nữ với thành tích 7 giây 24 hơn người về nhì là VĐV Guzel Khubbieva của Uzbekistan đúng 0,15 giây. Với thành tích ấy, Hương đã phá kỷ lục AI Games và cũng là kỷ lục châu Á. Tấm HCĐ nội dung này thuộc về Nongnuch Sanrat của Thái Lan với thành tích 7 giây 42. Nongnuch Sanrat chính là người nắm giữ kỷ lục ở nội dung này trước đó khi cô tạo lập được ở AI Games 2007 trên đất Thái. Cùng ở nội dung này một VĐV khác của Việt Nam là Lê Ngọc Phượng chỉ về thứ 8 với thành tích 7 giây 55.
Trong khi đó ở nội dung 1500, VĐV Trương Thanh Hằng chỉ giành được tấm HCĐ với thành tích 4 phút 23 giây 04. Người về nhất ở nội dung này là VĐV Qing Liu của Trung Quốc với thành tích 4 phút 19 giây 04. HCB thuộc về VĐV Mimi Belete của Bahrain với thành tích 4 phút 19 giây 79. Một VĐV khác của nước chủ nhà cũng tham gia ở nội dung này là Bùi Thị Hiền, cô chỉ về thứ 5 với thành tích 4 phút 29 giây 27.
Một tấm HCĐ khác của điền kinh Việt Nam trong ngày thi đấu 31/10 thuộc về VĐV Nguyễn Thị Thu Cúc ở nội dung 5 môn phối hợp.
|
Trương Thanh Hằng và tấm HCĐ nội dung 1500m nữ (Ảnh: VSI) |
Ở nội dung nhảy sào nữ, Lê Thị Phương của Việt Nam đã rất cố gắng và mang về cho thể thao Việt Nam tấm HCB. Lê Thị Phương đã bắt đầu với mức sào 3m70 và sau 2 lượt nhảy, Phương nhanh chóng vượt qua các mức 3m80 rồi 3m90. Ở mức sào 4m, Phượng phải nhảy tới lượt thứ 3 mới có thể vượt qua và giành tấm HCB một cách rất nỗ lực.
|
Lê Thị Phương và nỗ lực giành HCB môn nhảy sào (Ảnh: VSI) |
HCV ở nội dung này thuộc về VĐV Ling Li của Trung Quốc khi cô vượt qua mức sào 4m45 sau 9 lượt nhảy. HCĐ thuộc về VĐV của Indonesia, Desy Margawati với mức sào 4m như Lê Thị Phương của Việt Nam. Tuy nhiên, sự chủ quan của Desy ở lượt nhảy thứ 2 khi cô đánh rơi xà ở mức 3m80 đã giúp cho Lê Thị Phương vượt qua VĐV này.
Như vậy với 1 tấm HCV đi kèm với kỷ lục mới của châu Á và 1 HCB, 2HCĐ, điền kinh Việt Nam đã có sự khởi đầu khá thành công trong ngày 31/10.
Theo VTC