* Xã hội hóa có phải là để quản lý nhà nước... “ngồi chơi”
Nói đúng hơn là khi xã hội hóa thể thao, thì quản lý nhà nước làm gì và các tổ chức và hiệp hội thể thao làm gì, một câu hỏi đã được đặt ra cách nay gần 20 năm và là vấn đề thời sự ở thời điểm ban hành Nghị định số 73/1999/ ND-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao của Chính phủ. Câu trả lời đã có từ lâu: Quản lý nhà nước có trách nhiệm xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật về thể dục thể thao, các chiên lược, qui hoạch, kế hoạch phát triển thể dục thể thao; thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thể dục thể thao. Các liên đoàn, hiệp hội thể thao thực hiện các hoạt động tác nghiệp như: tổ chức các cuộc thi đấu thể thao, quản lý lực lượng vận động viên, trọng tài, huấn luyện viên; các đội tuyển thể thao; công nhận thành tích thi đấu, đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển thể thao chuyên nghiệp của từng môn thể thao, tham gia thi đấu quốc tế…
Xã hội hóa và chuyển giao các hoạt động tác nghiệp cho các Liên đoàn và Hiệp hội này không phải là giảm trách nhiệm, giảm đầu tư của nhà nước đối với TDTT mà chính là nhà nước tăng cường đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho thể thao. Việc chuyển giao này kết hợp với quá trình kiện toàn sắp xếp lại bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và đổi mới phương thức hoạt động của các tổ chức xã hội. Ban soạn thảo đề án ở Hội thảo cũng đã xác định rõ như thế.
* Lịch sử phải sang trang
Năm 1980, khi Việt Nam tham dự Olympic Moscow, Hiến chương Olympic quy định các quốc gia tham dự phải có tối thiểu 5 Liên đoàn. Lúc đó Việt Nam có Liên đoàn Bóng đá, Bóng chuyền, Điền kinh, Bơi, Bắn súng và Thể dục. Tiếp đó, trong số 21 Liên đoàn Hiệp hội hiện thời, có khá nhiều Liên đoàn ra đời để phục vụ mục đích đối ngoại. Thành thử, chúng ta đã mặc nhiên coi nó là “cánh tay nối dài” của cơ quan QLNN (nhiều lãnh đạo Thể thao đã từng quan niệm), nên đã ôm đồm và làm hết mọi hoạt động.
Từ nhận thức và tâm lý “không buông” quyền hành và quyền lợi đã dẫn tới sự trì trệ, ì ạch trong thực hiện xã hội hóa. Độc quyền, không công khai, minh bạch, các hoạt động quản lý TDTT; hành chính hóa các tổ chức xã hội. Các quan chức QLNN, từ cấp cao như Chủ nhiệm, phó chủ nhiệm UB TDTT trước đây đến lãnh đạo các cấp vụ các trưởng bộ môn thể thao đều được sắp xếp nắm giữ các chức vụ Chủ Tịch, Phó Chủ Tịch, Tổng thư ký các Liên đoàn Hiệp hội và Ủy ban Olympic quốc gia. Thậm chí có vị Giám đốc Sở vừa “ được bầu” vừa “tự phong, tự nhận” là Chủ tịch của 7,8 LĐ, HHTT chính thức và lâm thời. Ngay ở năm 2010 này, có vị quản lý cấp cao vẫn vui vẻ “nhận làm” Chủ tịch của 3 Ủy ban và Liên đoàn Thể thao!
Tình trạng “ vừa đá bóng, vừa thổi còi” là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn mất đoàn kết ở nhiều Liên đoàn Hiệp hội với các bộ môn thể thao của QLNN. Vì tổ chức bộ máy như thế nên Liên đoàn Hiệp hội luôn luôn thụ động, ỷ lại và trông chờ ở sự bao cấp của nhà nước.
* Hy vọng sẽ thay đổiTừ năm 2004-2006, ngành TDTT đã xây dựng xong đề án xã hội hóa trình Chính phủ. Sau khi Luật TDTT ban hành, UB TDTT (cũ) cũng đã bắt tay xây dựng lại đề án, nhưng 3 năm qua, việc này không được quan tâm triển khai.
Vì vậy lần này Tổng cục TDTT tiến hành khởi động xây dựng lại đề án là thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo. Đề án cũng được hoan nghênh và đóng góp ý kiến của Bộ nội vụ, Bộ tài chính, Bộ tư pháp, Bộ kế hoạch đầu tư và một số cơ quan hữu quan.
Ai cũng biết là còn nhiều khó khăn; khó khăn về nhận thức, khó khăn vì phải từ bỏ quyền lợi và danh vị, khó khăn về kinh phí, cơ sở điều kiện vật chất… Tuy nhiên những người làm thể thao đều phải “tự giải thoát” để phát triển – như lời Tổng cục phó TC TDTT Phạm Văn Tuấn phát biểu kết luận Hội nghị.
+ Theo đề án, năm 2010 chuyển giao cho các liên đoàn, hiệp hội “ nhóm I” – nhóm có khả năng nhận chuyển giao: có điều kiện tài chính, có thị trường tập luyện, có bộ máy, có trụ sở như Ủy ban Olympic, Liên đoàn Bóng đá, Liên đoàn Bóng chuyền, Hiệp hội Golf, Hội thể thao điện tử giải trí…
+ Năm 2011-2012 chuyển giao cho các liên đoàn, hiệp hội nhóm II ( Liên đoàn Cầu lông, Bóng bàn, Cờ, Mô tô – Xe đạp, Điền kinh, Vovinam, Cầu mây…).
+ Giai đoạn 2013-2015 chuyển giao tiếp một số nhiệm vụ tác nghiệp cho các liên đoàn, hiệp hội nhóm I, II và các liên đoàn, hiệp hội thể thao còn lại. |
Theo Thể Thao & Văn Hóa Online