Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, 05/6/1911 – 05/6/2011: Nơi này, Người ra đi

Đăng ngày: 5/17/2011 12:00:00 AM - Lượt xem 3292

 

1. Sài Gòn năm 1911. Tháng 02/1911, Sài Gòn đô hội chào đón người thanh niên Nguyễn Tất Thành nung nấu trong mình ước vọng và ý chí lớn.

Rời mái trường Dục Thanh bên bờ sông Cà Ty hiền hòa của xứ Phan nắng gió, anh Thành xin vào học ở trường dạy nghề đóng tàu.

Nếu nhiều thanh niên cùng trang lứa được cụ Phan Bội Châu hướng về phương Đông, xem nước Nhật là nơi có thể giúp cho mình thực hiện ước nguyện lớn, thì anh Thành lại suy nghĩ về một thế giới khác. Đó là phương Tây, đó là nước Pháp - nơi lần đầu tiên vang lên những chữ “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái”; nơi mà khoa học kỹ thuật phát triển và nơi đó - theo anh Thành, chỉ nơi đó mới giúp anh tiếp thu được những tri thức cần thiết và tìm ra con đường cứu nước. Sau này năm 1923, khi trả lời phỏng vấn tạp chí Ngọn lửa nhỏ (Liên Xô), Nguyễn Ái Quốc đã giải thích quyết định của mình như sau: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi đã được nghe những từ ngữ tiếng Pháp: tự do, bình  đẳng, bác ái - đối với chúng tôi lúc ấy, mọi người da trắng đều được coi là người Pháp - thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy…”[i][1].

Thời gian lưu lại Sài Gòn, bên cạnh hoài bão ra nước ngoài, anh Thành còn để tâm đến việc đi tìm và gặp được cụ thân sinh Nguyễn Sinh Sắc. Tác giả Chu Trọng Huyến trong quyển sách Chuyện kể từ làng Sen, ghi lại rằng:

“…-Ông cụ hỏi: Con đi đâu ?

-Anh Thành thưa: Con đi tìm cha.

-Cụ nói to: Nước mất thì đi tìm nước chứ công chi mà phải đi tìm cha?...”[ii][2].

Sài Gòn năm 1911, khắp nơi đều thấy quảng cáo về những chuyến hải trình đi đến Singapore, Colombo, Marseille, Le Havre… Tại cảng Việt Nam, các hãng tàu biển thường tuyển người làm phụ cho công nhân Pháp dưới tàu chở khách. Tác giả người Nga Côbêlép, trong quyển sách Đồng chí Hồ Chí Minh có đoạn viết:

“…Một hôm Thành nói với một người bạn cùng học 3 tháng với anh ở trường dạy nghề về kế hoạch của mình:

- Lê này! Mình đã quyết định ra nước ngoài, đến Pháp và các nước khác. Mình sẽ quan sát xem họ sống và lao động ra sao, sau đó sẽ trở về nước để giúp đồng bào.

- Cậu lấy tiền đâu để đi - người bạn ngạc nhiên hỏi. Thành giơ hai bàn tay ra và sôi nổi trả lời:

- Đây, tiền đây! Mình sẽ lao động, sẽ làm bất cứ việc gì để tự nuôi thân và có tiền để đi…”[iii][3]

Trưa ngày 03/6/11911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành bước chân lên con tàu Amiral Latouche Tre’ville làm việc, nhận thẻ nhân viên của tàu với tên gọi Văn Ba. Ngày 05/6/1911, con tàu rời bến đến Singapore 8/6, Comlombo 14/6, Ai Cập 30/6, Marseille (Pháp) 6/7, cập bến Le Havre 15/7.[iv][4] Sài Gòn thay mặt tổ quốc tiễn đưa một người con, một hoài bão lớn, một con người sau này trở thành lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi

Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác

Khi bờ bãi dần lui, làng xóm khuất

Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre…

(Người đi tìm hình của nước – Chế Lan Viên)

2. Nơi này Người ra đi.

Nhà Rồng là một trong những công trình đầu tiên Pháp xây dựng vào năm 1863 khi chiếm Sài Gòn, làm nơi bán vé tàu và chỗ ở viên tổng quản lý. Tòa nhà xây theo kiến trúc Pháp nhưng trên nóc lại gắn đôi rồng lớn bằng đất nung tráng men xanh quay đầu vào (lưỡng long chầu nguyệt - mô típ thường thấy tại đền chùa Việt), ở giữa có phù hiệu hình “đầu ngựa - mỏ neo” (biểu tượng hãng vận tải đường biển Pháp Messageries Maritimes). Vì đôi rồng trên nóc tòa nhà, nên người dân bấy giờ gọi nhà Rồng, người khác gọi tên sở Ông Năm (do một quan năm Pháp Domergue sáng lập hãng tàu biển này); nhưng vài ý kiến cho rằng “Nhà là Gia, Rồng là Long, Nhà Rồng nghĩa là Gia Long”, người Pháp đặt tên bến Nhà Rồng để nhớ mối quan hệ giữa vua Gia Long và nước Pháp.

Năm 1899, người Pháp làm bến bãi để tàu thuyền thuận tiện cập cảng. Bến cảng thuộc khu vực này cũng được gọi bến Nhà Rồng. Sau khi Pháp thất bại năm 1955, bến Nhà Rồng do chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý. Họ sửa chữa lại mái ngói tòa nhà, thay thế đôi rồng mới với tư thế quay đầu ra hai bên. Từ 1955 - 1975, nơi này dùng làm trụ sở của cơ quan tiếp nhận viện trợ quân sự Mỹ. Sau tháng 4/1975, bến Nhà Rồng thuộc Cục đường biển Việt Nam quản lý.  

Để ghi nhớ sự kiện ngày 05/6/1911, Nhà Rồng được dùng làm Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 20/9/1982, UBND Tp Hồ Chí Minh ra quyết định thành lập “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” và đến tháng 10/1995 có quyết định chuyển khu lưu niệm thành “Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh”.

Bảo tàng lưu giữ một số hiện vật quý như: bàn thờ do nhà sư Thích Pháp Lan vào tháng 9/1969 làm lễ cầu siêu khi Người qua đời tại chùa Khánh Hưng, có treo hai câu đối Nam Bắc toàn dân quy thượng chính/ Á Âu thế giới kính tu mi (hai chữ cuối Chính - Mi nói ngược lại là Chí Minh). Tháng 9/1984, bà ngoại ông Jean Francois Parot (Tổng lãnh sự Pháp tại Việt Nam thời gian này) gửi tặng Bảo tàng một viên gạch sưởi, giống loại gạch mà Nguyễn Ái Quốc dùng sưởi ấm vào mùa đông ở Paris (1921 - 1923). Loại gạch này làm ra để sưởi, có nhiều ngăn, nhiều lớp, đặt cạnh lò sưởi để hấp thụ nhiệt, sau đó đặt dưới giường để chống chọi lại cái rét. Đây là vật kỷ niệm rất quý mà bà sử dụng viên gạch này trong lúc gia đình nghèo khó.

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, nằm trong hệ thống Bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc. Bảo tàng gồm 09 phòng trưng bày, 02 kho với hơn 17.000 hiện vật, 4.000 cuốn sách do Bác viết và do các tác giả trong và ngoài nước viết về Bác, 450 hiện vật ngoài trời liên quan đến tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Tỉnh ủy Bình Thuận   



[i][1] Côbêlép Épghênhi Vaxilêvích, Đồng chí Hồ Chí Minh (người dịch Nguyễn Minh Châu, Mai Lý Quảng), Nxb Chính trị Hành Chính, Hà Nội 2010, tr 48

[ii][2] Chu Trọng Huyến, Chuyện kể từ làng Sen, Nxb Nghệ An, 2001, tr 113.

[iii][3] Côbêlép Épghênhi Vaxilêvích, Đồng chí Hồ Chí Minh, sđd, tr 49.

[iv][4] Dương Kinh Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858-1918, Nxb Giáo dục 2006, tr 328.

Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT