THƯ GỬI HỘI NGHỊ THỂ DỤC THỂ THAO
Gửi Hội nghị cán bộ thể dục, thể thao toàn miền Bắc,
Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khoẻ. Muốn giữ sức khoẻ thì nên thường xuyên tập thể dục, thể thao. Vì vậy, chúng ta nên phát triển phong trào thể dục, thể thao cho rộng khắp.
Cán bộ thể dục, thể thao thì phải học tập chính trị, nghiên cứu nghiệp vụ và hăng hái công tác. Vì đó cũng là một công tác trong những công tác cách mạng khác.
Thân ái chúc Hội nghị thành công tốt đẹp!
Ngày 31 tháng 3 năm 1960
BÁC HỒ |
Chúng tôi cho rằng làm rõ tư tưởng của Hồ Chí Minh về TDTT không thể tách rời sự hiểu biết tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam. Nếu người nghiên cứu không hiểu bản chất xã hội hiện có thì sẽ không thể thấy sự khác biệt về bản chất xã hội trong hoạt động TDTT được Hồ Chí Minh nhận thức và lý giải thế nào.
Với nhận định trên, chúng tôi thử cố gắng tiếp cận tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT xuất phát qua lá thư Người gửi Hội nghị cán bộ TDTT toàn miền Bắc ngày 31 tháng 3 năm 1960 (Lá thư được công bố trên báo Nhân dân, số 2205, ngày 1/ 4/1960 và in trong Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội -2000, tập 10, tr116).
Nếu Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục năm 1946 đã xác định sự khác biệt về mặt bản chất xã hội của hoạt động TDTT trong xã hội mới trên hai phương diện: hoạt động này thể hiện lòng yêu nước của mỗi người Việt Nam khi chung tay xây dựng xã hội mới và hoạt động này nhất thiết phải có sự quản lý của Nhà nước thì đến năm 1960, trong lá thư gửi Hội nghị cán bộ TDTT toàn miền Bắc, tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT đã cụ thể hóa hơn về tính định hướng cho TDTT trong xã hội mới là vấn đề cán bộ TDTT. Phẩm chất và ý thức chính trị của cán bộ TDTT có quan hệ chặt chẽ với chất lượng, hiệu quả của hoạt động TDTT trong xã hội mới.
Do đó, lá thư này được chúng tôi tiếp cận dưới hình thức các mệnh đề, có tính chỉnh thể của sự nhận thức lý luận, nằm trong hệ tư tưởng của cách mạng Việt Nam hiện đại, đồng thời, phản ánh quan niệm của Người về một lĩnh vực vận động đặc thù của xã hội là TDTT.
Các tầng lớp ý nghĩa của lá thư
Đọc lá thư Hồ Chí Minh viết vào 31/1/1960, chúng ta nhận thấy văn bản này rất cô đọng, súc tích, cấu thành từ hai đoạn văn ngắn: Đoạn thứ nhất có 46 chữ. Đoạn thứ hai có 35 chữ, cùng cấu thành từ 3 mệnh đề. Song, ngoài 2 mệnh đề/câu biểu đạt hiển ngôn, thì nối vào ý của đoạn thứ nhất, lúc này có một mệnh đề ẩn đi.
Hai đoạn văn của lá thư, về hình thức diễn ngôn là hai hệ tam đoạn luận, chúng ta thường gặp ở các nhà lý luận vẫn sử dụng trong thao tác tư duy logic biểu thị về các mối quan hệ, chẳng hạn, giữa cái chung tổng quát với các bộ phận của nó trong mối liên hệ mang tính nhân quả, hệ thống và trật tự trong hệ thống.
Đoạn văn thứ nhất gồm ba mệnh đề thể hiện các tương quan, ràng buộc lẫn nhau như sau :
- Thứ nhất: Hồ Chí Minh xác định điều kiện cần cho mọi người trong xã hội mới để hoàn thành nhiệm vụ chung của cách mạng là sức khỏe.
- Thứ hai: Người nêu lên phương thức đảm bảo cho điều kiện cần trở thành hiện thực là mọi người “ thường xuyên tập thể dục, thể thao”.
- Thứ ba: Người kết luận ý/chủ đề thứ nhất, thể hiện quan hệ Nhân - Quả : “Vì vậy, chúng ta nên phát triển phong trào thể dục, thể thao cho rộng khắp”
Chúng ta có thể tái tạo lại triết lý của Hồ Chí Minh tiếp cận về TDTT như sau: Làm cách mạng cần phải có sức khỏe mà sức khỏe có là do thường xuyên tập TDTT. Vì sức khỏe của nhân dân có được là nhờ thường xuyên tập luyện TDTT nên phát triển phong trào rộng khắp tạo động lực cho sự tập luyện TDTT thường xuyên trong nhân dân nhằm hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng.
Đoạn văn thứ hai, phát triển ý của đoạn văn đầu, một mặt thể hiện mối liên hệ Nhân - Quả, trong cấu trúc chỉnh thể của văn bản; mặt khác, kết luận của 3 đoạn văn trên “phát triển phong trào thể dục, thể thao rộng khắp”- trở thành mệnh đề ẩn để xác định nhiệm vụ cho cán bộ thể dục thể thao - đối tượng nhận thư, đọc thư của Bác “phải học tập chính trị, nghiên cứu nghiệp vụ và hăng hái công tác”
Tái tạo logic 3 đoạn văn trên cho đoạn văn thứ hai, theo chúng tôi là như sau :
Mệnh đề 1: “Phát triển phong trào thể dục, thể thao rộng khắp”
Mệnh đề 2: “ Thể dục, thể thao cũng là một công tác cách mạng ”.
Mệnh đề 3: “Cán bộ thể dục, thể thao thì phải học tập chính trị, nghiên cứu nghiệp vụ và hăng hái công tác”
Tức là, để có phong trào rộng khắp, điều kiện cần và đủ là phải có cán bộ - đầu tàu trong lĩnh vực này. Khi và chỉ khi, chúng ta nhận thức được rằng lĩnh vực hoạt động này “cũng là một công tác cách mạng”, do đó, người cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này cũng là một chiến sĩ cách mạng.
Vậy, lời lá thư thì rất ngắn gọn, cô đọng chỉ là hai đoạn văn, được xây dựng nên từ 5 câu/tương ứng 6 mệnh đề nhưng sự chuyển tải thông tin - mang những thông báo hướng vào chủ thể nhận thư: cán bộ TDTT đang dự hội nghị toàn miền Bắc rõ ràng trong tính định hướng nhận thức và hành động. Nói cách khác, nội dung lá thư đã hàm chứa trong đó sự phong phú, đầy đủ các vấn đề quan trọng, cơ bản hướng vào chủ thể đang hoạt động trên lĩnh vực TDTT là sự xác định lập trường, quan điểm, tư tưởng cho người cán bộ TDTT mới - cách mạng khi thực hiện nhiệm vụ được Đảng, và Nhà nước giao phó phục vụ lợi ích nhân dân, dân tộc và giai cấp.
Hàm ý sâu sắc cần tiếp tục làm rõ với những người trên tư cách một cán bộ quản lý ngành TDTT - qua lá thư của Hồ Chí Minh - ở chỗ cần phải hiểu những yêu cầu về nhiệm vụ của mình gồm những gì? Đâu là nhiệm vụ trực tiếp trước mắt, đâu là nhiệm vụ lâu dài... Lá thư Hồ Chí Minh đã gợi mở cho sự nhận thức, qua những tiêu chí cụ thể mang tính biệt hóa hướng vào cán bộ do Đảng và Nhà nước lựa chọn và phân công công tác trên lĩnh vực TDTT.
Những điều nhận thấy qua lá thư
Suy ngẫm về lá thư, theo chúng tôi, ở đây đã xác lập những dấu hiệu mang tính nguyên tắc, thể hiện bản chất của nền TDTT mới, khác những hoạt động TDTT ở xã hội khác, mà chúng ta có thể đối chứng, ví dụ, với quan điểm của Pierre De Coubertin về tư tưởng Olympic hiện đại. Tính nguyên tắc, chúng tôi muốn nói đến ở đây nằm trong nhận thức cũng như hành động thực tiễn của những người đi theo đường lối, quan điểm Mác- Lê nin là luôn quán triệt tinh thần: trong xã hội có giai cấp thì không có sự nhận thức và hành động nào đứng ngoài, đứng trên lợi ích giai cấp. Vậy là từ sự chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, chúng ta thấy có những vấn đề cơ bản của Lý luận TDTT trong xã hội mới của Việt nam, như sau :
- Thứ nhất, nhiệm vụ trực tiếp của công tác ở người cán bộ thể dục thể thao là phong trào rộng khắp để đi đến mục tiêu gắn liền lợi ích của nhân dân: giữ gìn và tăng cường sức khỏe.
- Thứ hai, Sức khỏe không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực, đồng thời, có tính phương tiện thực hiện các nhiệm vụ cách mạng mang ý nghĩa, tính chất chính trị cao, lớn hơn, đó là : xây dựng và bảo vệ tổ quốc XHCN.
- Thứ ba, trong giai đoạn cách mạng còn mục tiêu lớn là đấu tranh vì độc lập của dân tộc, sự thống nhất của Tổ quốc thì ngành TDTT phải căn cứ vào các nhiệm vụ chính trị để xác định sự phát triển ưu tiên của mình trong quá trình tạo lập, thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT trong nhân dân, trong xã hội.
- Thứ tư, nhiệm vụ lâu dài trong những năm còn chiến tranh giữ nước là giành lại sự thống nhất Tổ quốc; song, tính mục đích sâu sắc của hoạt động TDTT ở Việt Nam, với tính cách là xã hội sẽ tiến lên xã hội chủ nghĩa vẫn được Đảng và Nhà nước ghi nhận mang tính định hướng và làm nên cái khác về bản chất với mọi hoạt động TDTT trong các xã hội cũ, đó chính là vấn đề cải tạo giống nòi.
Nguồn: Tạp chí Thể thao