Phóng viên có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Văn Ba - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ông đánh giá thế nào về thể thao phong trào của tỉnh ta?
Ông Đỗ Văn Ba: Hàng năm, trung bình trên địa bàn tỉnh tổ chức hơn 20 giải thể thao quần chúng, qua đó các môn thể thao dân tộc được khôi phục, đồng thời đã phát triển các môn mới như leo núi, chạy vượt đồi cát, đua thuyền truyền thống, 3 môn phối hợp bơi - xe đạp - chạy bộ… Kể từ sau Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV năm 2002 đến nay, sự nghiệp TDTT từng bước phát triển theo định hướng kế hoạch phát triển sự nghiệp TDTT được UBND tỉnh phê duyệt, nhất là đề án phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2020. Từ đó, phong trào TDTT cho mọi người được chú trọng, tỷ lệ số người tham gia tập luyện thường xuyên tăng đều hàng năm cụ thể đến năm 2011 là 26%; tỷ lệ hộ gia đình thể thao 18%; số câu lạc bộ thể thao cơ sở 120; tỷ lệ trường học đảm bảo giáo dục thể chất 100%; số điểm tập thể dục thể thao đã hình thành từ cơ sở tại các địa phương mà tập trung là thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi, huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Bắc Bình và huyện Đức Linh.
Thế còn thể thao thành tích cao của Bình Thuận ra sao, thưa ông?
Từ một địa phương không có thành tích đáng kể so với các tỉnh khu vực và trong cả nước, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, thể thao thành tích cao đã gặt hái được nhiều thành tích, đặc biệt là những huy chương vàng, bạc cấp thế giới, châu Á, Đông Nam Á và SEA Games. Thành tích vận động viên (VĐV) đạt huy chương và đẳng cấp năm sau cao hơn năm trước, đóng góp cho đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia hơn 120 lượt VĐV; các môn thể thao thế mạnh được đầu tư và duy trì thường xuyên như Võ thuật, Điền kinh, Đua thuyền. Cụ thể tại Đại hội TDTT lần VI - 2010, thể thao Bình Thuận vượt lên đoạt 10 HCV - 12 HCB - 24 HCĐ, vượt chỉ tiêu đề ra, giành vị trí thứ 20/65 tỉnh - thành - ngành tham gia, xếp thứ nhất trong khối các tỉnh miền Đông Nam bộ. Đồng thời, thể thao Bình Thuận còn lọt vào Top 5 của các tỉnh, thành phía Nam có thành tích thi đấu tốt nhất, được Bộ VHTTDL tặng bằng khen. Thành tích tại các giải Quốc tế, Bình Thuận được khẳng định một số môn và VĐV xuất sắc như: tại Đại hội Thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 15 tại Chieng Mai - Thái Lan, ở bộ môn Taekwondo, đoàn thể thao Việt Nam tham dự 5 nội dung quyền và đoạt 4 HCV - 1 HCB. Trong đó 2 VĐV của Bình Thuận là Nguyễn Thị Lệ Kim và Lê Dương Lệ Giang đã góp công lớn khi đem về cho Việt Nam 2 chiếc HCV; Giải vô địch quyền Taekwondo Thế giới lần thứ 5, VĐV Nguyễn Thị Lệ Kim đoạt huy chương Vàng ở nội dung đồng đội nữ; VĐV Nguyễn Thành Quang (Canoeing) đạt 2 huy chương Bạc tại SEA Games 24; huy chương Vàng tại giải Vô địch trẻ Đông Nam Á; VĐV Hứa Thành Công (Judo) đoạt huy chương đồng tại giải Quốc tế; VĐV Nguyễn Ngọc Hiếu (Điền kinh) đoạt huy chương đồng giải Điền kinh học sinh Đông Nam Á. Đội Đua thuyền truyền thống đạt 2 huy chương đồng tại SEA Games 22 và nhiều huy chương bạc, vàng tại các giải quốc tế và gần đây nhất đạt Cúp Bạc tại Thái Lan năm 2010. Tại SEA Games 26 vừa qua ở Indonesia, Bình Thuận có 2 VĐV đoạt 1 huy chương vàng Canoeing và 1 HCB Taekwondo. Ngoài ra tại Giải vô địch quyền Taekwondo Thế giới lần thứ 6 tại Nga năm 2011, VĐV Nguyễn Thị Lệ Kim tiếp tục giành 1 HCV, 1 HCB, đem vinh quang về cho Tổ quốc.
Gương mặt Vàng của thể thao Bình Thuận - Nguyễn Thị Lệ Kim (phải)
cùng HLV Nguyễn Thanh Huy tại Giải Quyền Taekwondo vô địch thế giới - Nga 2010
Nhà vô địch SEA Games 26 - Indonesia 2007: Nguyễn Thành Quang (môn Canoeing) - Huy chương Vàng nội dung 200m kayak đơn nam.
Bình Thuận còn tiếp nhận, đăng cai tổ chức thành công 2 sự kiện cấp thế giới: giải Lướt ván buồm cúp thế giới PWA Mũi Né - Việt Nam và Festival thuyền buồm quốc tế Mũi Né - Bình Thuận - Việt Nam năm 2011, qua đó khẳng định tiềm năng, thế mạnh biển Bình Thuận có thể đăng cai tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, thể thao tầm thế giới trong tương lai để đưa du lịch tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Với cương vị là người phụ trách về lĩnh vực thể thao, những gì mà ông quan tâm hiện nay để đưa thể thao Bình Thuận lên một vị thế mới?
Thể thao có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện thể chất, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển giống nòi. Các công trình phục vụ cho hoạt động TDTT từ tỉnh đến địa phương được chú ý đầu tư. Phong trào TDTT quần chúng đang mở rộng đến mọi đối tượng, địa bàn dân cư với các loại hình phong phú, tỷ lệ người tập TDTT ngày càng tăng; định hướng tốt một số loại hình thể thao giải trí; công tác đào tạo VĐV được chú trọng; thành tích thể thao có tiến bộ đạt nhiều huy chương, đẳng cấp thông qua các giải khu vực, quốc gia và quốc tế. Thể thao Bình Thuận còn tích cực quảng bá du lịch, góp phần trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, hiện nay thiết chế thể thao từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu và không đồng bộ; phong trào thể dục, thể thao quần chúng chưa đồng đều và vững chắc; thành tích thể thao Bình Thuận chỉ đứng ở hàng trung bình của cả nước; quản lý nhà nước về TDTT còn thể hiện sự lúng túng. Cụ thể là hệ thống cơ sở vật chất còn thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên môn; công tác đào tạo và bồi dưỡng huấn luyện viên, VĐV chưa mang tính khoa học; đầu tư kinh phí còn hạn chế, chế độ dinh dưỡng còn thấp, kinh phí khen thưởng chưa kịp thời động viên. Do đó, ngành TDTT vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới, để nâng tầm vị thế.
Nguồn: Báo Bình Thuận