Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 19/12/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo đẩy mạnh phong trào thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 37 năm ngày giải phóng quê hương và 20 năm tái lập tỉnh Bình Thuận; công văn số 234/SKHĐT-KH ngày 01/2/2012 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện nội dung, phân công của Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (viết tắt VHTTDL) báo cáo tổng quan 20 năm phát triển sự nghiệp ngành từ năm 1992 đến năm 2012 như sau:
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH
Sau khi tách tỉnh Thuận Hải (cũ) thành 02 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận năm 1992, ngành Văn hóa Thông tin - Thể thao tỉnh Bình Thuận được thành lập và hoạt động đến năm 1994 tách thành 02 Sở Văn hóa Thông tin và Sở Thể dục - Thể thao trực thuộc UBND tỉnh; sau sự kiện nhật thực toàn phần (24/10/1995), hoạt động du lịch Bình Thuận liên tục phát triển và đến năm 2005 UBND tỉnh Quyết định thành lập Sở Du lịch (trên cơ sở tách mảng Du lịch từ Sở Thương mại và Du lịch); lĩnh vực gia đình thuộc Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em trước đây (đã giải thể) trở thành một mảng công tác của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ năm 2008 đến nay theo Quyết định của UBND tỉnh quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của Sở VHTTDL.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/4/2008 theo Quyết định số 630 ngày 06/3/2008 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về : văn hoá, gia đình, thể dục, thể thao, du lịch và quảng cáo (trừ quảng cáo trên các phương tiện báo chí, mạng thông tin máy tính và xuất bản phẩm) ở địa phương, các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Sở và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự uỷ quyền của UBND tỉnh và theo quy định của pháp luật. Sở có 12 đơn vị trực thuộc (bao gồm cơ quan Sở) và 10 Phòng Văn hóa và Thể thao huyện, thị xã, thành phố với 540 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Trụ sở nhà làm việc hiện nay tại số 86 Trần Hưng Đạo, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Với sự xuất phát điểm không giống nhau về chức năng, nhiệm vụ và thời gian hình thành nhưng trong 20 năm qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch luôn xác định rõ chức năng, nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu hàng năm của ngành, nhất là trong công tác tham mưu văn bản cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt sự nghiệp về : văn hoá, gia đình, thể thao và du lịch đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần to lớn vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
II. KHÁI QUÁT NHỮNG THÀNH TỰU TRONG 20 NĂM PHÁT TRIỂN NGÀNH
1. Những kết quả đạt được
1.1. Lĩnh vực Văn hóa
Trước và trong 20 năm tái lập tỉnh Bình Thuận đến nay, hoạt động Văn hóa luôn gặp nhiều khó khăn về điều kiện kinh phí thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn song ngành đều vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng, trưởng thành và phát triển về mọi mặt, như Bác Hồ lúc sinh thời đã dạy: “Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”; từ đó, đội ngũ cán bộ ngành VHTTDL luôn tự hào là chiến sĩ văn hóa đã kế thừa truyền thống văn hoá cách mạng, ra sức thi đua trong công tác đạt được những thành quả hết sức vẻ vang.
Thấm nhuần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và các quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, dưới sự lãnh đạo của các Cấp ủy, Chính quyền và sự quan tâm của Bộ VHTTDL, sự nghiệp Văn hóa tỉnh nhà ngày càng được củng cố, duy trì và phát triển trên các mặt: cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, hệ thống bộ máy tổ chức cán bộ, trình độ quản lý, năng lực điều hành và hoạt động nghiệp vụ chuyên môn, đạt được một số thành tựu có ý nghĩa quan trọng trên lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và các tầng lớp nhân dân về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của quảng đại công chúng, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước hăng hái lập công thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thành tựu nổi bật của ngành được thể hiện khá rõ nét trên một số mặt công tác trọng tâm như sau :
- Công tác tuyên truyền, cổ động, triển lãm, văn hóa, văn nghệ phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương và cả nước như: chào mừng các ngày kỷ niệm, lễ, Tết, các sự kiện chính trị, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, Việt Nam gia nhập WTO… trong đó nổi lên các hoạt động : Tổng kết 15 năm (1993-2008) thực hiện chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa tuyến biển, đảo; tiếp tục đầu tư củng cố, kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động Thông tin lưu động trong thời kỳ hội nhập; cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tổ chức thành công sự kiện Văn hóa - Thể thao - Du lịch “Sắc màu Đông Nam bộ - Bình Thuận 2009”; Tuần lễ môi trường Văn hóa - Du lịch Bình Thuận năm 2011; đăng cai tổ chức tốt “Hội thi Tuyên truyền lưu động khu vực miền Đông Nam bộ mở rộng” năm 2009... Ngoài các hoạt động tại chỗ được duy trì tổ chức thường xuyên, ngành đã đầu tư xây dựng chương trình tham gia các hoạt động có quy mô toàn quốc như: “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” do Bộ VHTTDL tổ chức tại Hà Nội; tham gia Liên hoan Dân ca Việt Nam khu vực Nam Trung bộ do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức tại tỉnh Phú Yên; tham gia Hội diễn nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp tại Khánh Hòa và Hội thi tuyên truyền lưu động miền Đông Nam bộ mở rộng miền Trung, Tây Nguyên; tham gia Liên hoan Tiếng hát miền Đông định kỳ 2 năm/lần. Hoạt động tuyên truyền, kẻ vẽ khẩu hiệu, panô cổ động trực quan đã góp phần làm khởi sắc bộ mặt xã hội, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà. Hệ thống phát thanh, truyền thanh, truyền hình không ngừng phát triển.
- Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp với hàng nghìn chương trình tiết mục biểu diễn phục vụ hàng triệu lượt người xem và làm nòng cốt cho phong trào văn nghệ quần chúng địa phương; đồng thời, tham gia biểu diễn giao lưu ở nhiều nước trên thế giới và đạt nhiều thành tích cao tại các Liên hoan, Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Phong trào văn nghệ quần chúng đã trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu được của cán bộ và nhân dân trong tỉnh, hầu như mỗi thôn - khu phố văn hóa cũng như 127/127 xã, phường, thị trấn đều có đội văn nghệ thường xuyên tổ chức biểu diễn. Đây là lực lượng tham gia xã hội hóa hoạt động văn hóa tích cực và rõ nét ở khắp các địa bàn cơ sở. Theo định kỳ, Hội diễn văn nghệ quần chúng được tổ chức ở cấp huyện từ 1 - 2 năm/1 lần, cấp tỉnh được tổ chức 5 năm/2 lần. Liên đoàn Lao động tỉnh duy trì tổ chức Hội diễn nghệ thuật không chuyên trong khối CNVC- LĐ 5 năm/2 lần…, đã thu hút đông đảo mọi lứa tuổi, đối tượng công chúng tham gia, thực sự là đội quân văn nghệ đông đảo và trực tiếp phục vụ có hiệu quả việc tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
- Hoạt động bảo tồn, bảo tàng có ý nghĩa chiều sâu về giáo dục truyền thống luôn được chú trọng và đạt kết quả tốt. Với 300 di tích (trong đó 24 di tích cấp quốc gia và 20 di tích cấp tỉnh) và hơn55.000 hiện vật bảo tàng được lập hồ sơ lý lịch đưa vào quản lý, phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục truyền thống ở địa phương; nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã và đang được đầu tư, trùng tu, nâng cấp để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu; trong số đó, các di tích trở thành điểm đến thường xuyên của du khách như Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận, di tích tháp Pô Sah Inư, Nhà trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh, chùa núi Tà Cú…tạo được ấn tượng với đông đảo du khách. Ngành còn thực hiện 12 đề tài nghiên cứu cấp Bộ và 04 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh được nghiệm thu đạt loại xuất sắc, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc ở địa phương.
- Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh từ năm 1996; đến nay đã phát động xây dựng 696/703 điểm xây dựng Thôn - Khu phố văn hoá và 42 điểm xây dựng xã, phường, thị trấn văn hoá, trong đó được giữ chuẩn là 218 điểm đạt Thôn - Khu phố văn hóa và công nhận mới là 123 điểm; có 257.503 hộ đăng ký xây dựng GĐVH ở các khu dân cư, trong đó được công nhận 227.478 hộ; có 1.602/1.676 cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng Nếp sống văn minh; 44 cơ sở thờ tự và 48 dòng tộc đăng ký xây dựng Dòng tộc văn hóa. Phong trào ngày càng được mở rộng và phát triển, tiếp tục chuyển biến tích cực về nội dung theo hướng nâng dần chất lượng, đúng thực chất nhờ vào sự hưởng ứng thực hiện phong trào ngày càng cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và đông đảo nhân dân trong tỉnh.
- Các hoạt động sự nghiệp của Ngành có nhiều cố gắng thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu giao hàng năm; hoạt động sự nghiệp có thu tuy ở mức độ khiêm tốn và còn nhiều khó khăn, song đã có nhiều cố gắng đạt doanh thu và nộp ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước, đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của toàn Ngành. Đặc biệt, các chỉ tiêu đưa văn hóa về cơ sở được ngành VHTTDL duy trì hàng năm, Trung tâm Phát hành Phim và chiếu bóng tỉnh (20.000 buổi); Đội TTLĐ (tỉnh, huyện, thị xã, thành phố) biểu diễn 10.000 buổi; Câu lạc bộ Đờn ca Tài tử - cải lương, Câu lạc bộ Đưa dân ca vào trường học (15 buổi/năm); Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh xây dựng mới 180 chương trình, biểu diễn hơn 4.000 buổi; Thư viện tỉnh duy trì hoạt động luân chuyển về cơ sở gần 20 triệu lượt bản sách. Nhờ vậy từng bước rút ngắn khoảng cách hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật giữa khu vực nông thôn, miền núi và thành thị. Đi đôi với việc tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ tại chỗ từng địa phương tạo sự chuyển biến tích cực đối với đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
- Hệ thống thiết chế về văn hóa được đầu tư và mở rộng, các Trung tâm VH-TT, Thư viện, Rạp chiếu phim, phát hành sách, văn hóa phẩm ở tỉnh và huyện, thị xã, thành phố đã phát huy tác dụng thiết thực góp phần phát huy quyền làm chủ về văn hóa của nhân dân, tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân hưởng thụ văn hóa, nâng cao tri thức và hoạt động sáng tạo các giá trị văn hóa mới, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương. Các Đội Tuyên truyền lưu động, Đội chiếu bóng lưu động luôn phát huy tốt vai trò xung kích trong việc đưa chủ trương, chính sách và nghị quyết của Đảng và Pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, đặc biệt là các vùng nông thôn xa, miền núi, vùng cao, vùng căn cứ kháng chiến cũ, hải đảo, đáp ứng nhu cầu được thông tin và hưởng thụ văn hóa của bà con.
Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước thông qua thực hiện Đề án phát triển hệ thống thiết chế văn hoá thông tin cơ sở đến năm 2010, đến nay đã được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 05 Trung tâm Văn hoá và Thể thao huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Hàm Thuận Nam, huyện Tuy Phong, huyện Phú Quý và thành phố Phan Thiết; đầu tư xây dựng 26 Nhà văn hoá xã/127 xã, phường, thị trấn;495/698 thôn, khu phố đã có trụ sở sinh hoạt cộng đồng gắn với hoạt động văn hoá. Việc huy động sức dân đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa chủ yếu thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để xây dựng trụ sở sinh hoạt - Nhà văn hóa thôn, khu phố đã phát huy hiệu quả sử dụng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của đông đảo nhân dân.
Ngoài ra, thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã đầu tư gần 15 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương trên 10 tỷ đồng, còn lại ngân sách địa phương 4,5 tỷ đồng và nhân dân đóng góp 291 triệu đồng) để tu bổ, tôn tạo 17 di tích (16 di tích cấp quốc gia, 01 di tích cấp tỉnh), đầu tư xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở vùng sâu, vùng xa là 3.685 triệu đồng, trang thiết bị cho 33 nhà văn hóa xã, trang thiết bị nhạc cụ, âm thanh, ánh sáng cho 9 Trung tâm VH-TT huyện, thị xã, thành phố, Đội TTLĐ các cấp, trang thiết bị cho 71 xã, phường văn hóa, xã, bản, thôn đặc biệt khó khăn, cấp sách lưu động…đến nay các trang thiết bị trên phát huy hiệu quả sử dụng tốt. Đặc biệt, có 02 công trình được Tỉnh chọn thi đua chào mừng Đại hội Đảng các cấp năm 2011: Nâng cấp và đổi mới Đai trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận; Trung tâm trưng bày văn hóa dân tộc Chăm Bình Thuận.
1.2. Lĩnh vực Thể thao
- Hoạt động thể thao quần chúng gắn liền với phong trào “Toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại” trong thời gian qua có những bước phát triển với nhiều loại hình hoạt động thường xuyên thông qua các kỳ Đại hội TDTT, ngày chạy đầu năm mới, hội thi, lễ hội và các giải vô địch thể thao từng môn từ tỉnh đến cơ sở. Phong trào được các tầng lớp nhân dân tự nguyện tham gia, phát triển rộng khắp trong các câu lạc bộ, hội, liên đoàn thể thao, cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, trường học qua việc phối hợp tổ chức thông qua chương trình ký kết liên tịch giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh. Hàng năm, trung bình trên địa bàn tỉnh tổ chức hơn 20 giải thể thao quần chúng, qua đó các môn thể thao dân tộc được khôi phục và phát triển các môn mới như leo núi, chạy vượt đồi cát, đua thuyền truyền thống, 3 môn phối hợp Bơi - Xe đạp - Chạy bộ…Kể từ sau Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV năm 2002 đến nay, sự nghiệp TDTT từng bước phát triển trên cơ sở định hướng Kế hoạch phát triển sự nghiệp TDTT tỉnh Bình Thuận được UBND tỉnh phê duyệt, nhất là UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2020. Từ đó Phong trào TDTT cho mọi người được chú trọng, tỷ lệ số người tham gia tập luyện thường xuyên tăng đều hàng năm cụ thể đến năm 2011 là 26%; tỷ lệ hộ gia đình thể thao 18%; số Câu Lạc bộ thể thao cơ sở 120; tỷ lệ trường học đảm bảo Giáo dục thể chất 100%; số điểm tập thể dục tập thể đã hình thành từ cơ sở tại các địa phương mà tập trung tại thành phố Phan Thiết, thị xã Lagi, huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Bắc Bình và huyện Đức Linh. Tổ chức bộ máy đã được sắp xếp ổn định nhất là sau khi sáp nhập Sở (4/2008), Trung tâm TDTT tỉnh được thành lập; công tác quy hoạch và sử dụng cán bộ đúng quy trình và được phân công phù hợp với nhiệm vụ; trình độ và năng lực cán bộ, Huấn luyện viên được nâng lên thông các lớp đào tạo của Trung ương và địa phương. Cơ sở vật chất phục vụ việc tập luyện và thi đấu từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh ngày càng được hoàn thiện; các huyện, thị xã và thành phố đã được xây dựng nhà tập luyện thể thao, hiện nay một số huyện đã và đang tiến hành xây dựng bể bơi (riêng huyện Tánh Linh đã xây dựng xong Bể bơi và đưa vào hoạt động 01/9/2009).
Hệ thống đào tạo được phát huy có hiệu quả từ “Đề án Chương trình đào tạo vận động viên thể thao cơ sở” từ năm 1999 đến nay trãi qua 3 giai đoạn, đã đào tạo hơn 2000 lượt Vận động viên, tuyển chọn cho Trường Năng khiếu Nghiệp vụ TDTT tỉnh trên 250 lượt Vận động viên, tiêu biểu gồm các Vận động viên như: Nguyễn Ngọc Hiếu (Điền Kinh), Nguyễn Thị Lệ Kim (Taekwondo), Nguyễn Ngọc Phong và Hứa Thành Công (Judo), Nguyễn Thành Quang (Canoeing), Vũ Minh Hoàng và Nguyễn Khắc Triệu (Bóng đá); đội thể thao tiêu biểu như: Đua thuyền truyền thống, Đua thuyền Canoeing, Điền kinh và Võ thuật, thông qua hoạt động tổ chức các giải thể thao của tỉnh đã phát hiện và cung cấp cho Trường Năng khiếu Nghiệp vụ TDTT tỉnh hàng năm 30-40 Vận động viên xuất sắc tiếp tục đào tạo chuyên sâu làm lực lượng kế thừa cho tỉnh. Hiện nay, Trung tâm TDTT tỉnh đang đào tạo và quản lý 15 huấn luyện viên và 118 Vận động viên tuyến Tuyển và Trẻ. Trường Năng khiếu Nghiệp vụ TDTT tỉnh đang quản lý 18 Giáo viên và đào tạo gần 200 Học sinh, với 10 môn: Bóng rổ (nam, nữ), Cầu lông, Vovinam, Judo, Taekwondo, Boxing, Bóng đá, Canoeing, Điền kinh, Karatedo.
- Hoạt động thể thao thành tích cao : Từ một địa phương không có thành tích đáng kể so với các tỉnh trong khu vực và trong cả nước, nhưng chỉ trong thời gian khoảng 10 năm trở lại đây, thể thao thành tích cao đã gặt hái được nhiều thành tích, đặc biệt là những huy chương Vàng, Bạc cấp Thế giới, Châu Á, Đông Nam Á và Sea Games. Thành tích Vận động viên đạt huy chương và đẳng cấp năm sau cao hơn năm trước, đóng góp cho đội tuyển Trẻ và đội Tuyển quốc gia hơn 120 lượt Vận động viên; các môn thể thao thế mạnh được đầu tư và duy trì thường xuyên như Võ thuật, Điền kinh, Đua thuyền. Cụ thể tại Đại hội lần VI-2010, thể thao Bình Thuận xuất sắc đoạt 10 HCV-12 HCB-24 HCĐ, vượt chỉ tiêu đề ra. Kết quả trên đã giúp thể thao địa phương giành vị trí thứ 20/65 tỉnh- thành- ngành tham gia, xếp thứ nhất trong khối các tỉnh miền Đông Nam bộ. Đồng thời, thể thao Bình Thuận còn lọt vào Top 5 của các tỉnh-thành phía Nam có thành tích thi đấu tốt nhất, được Bộ VHTTDL tặng bằng khen. Thành tích tại các giải Quốc tế Bình Thuận được khẳng định một số môn và vận động viên xuất sắc như: tại Đại hội Thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 15 tại Chieng Mai - Thái Lan, ở bộ môn Taekwondo, Đoàn thể thao Việt Nam tham dự 5 nội dung quyền và đoạt 4 HCV- 1 HCB. Trong đó 2 VĐV của Bình Thuận là Nguyễn Thị Lệ Kim và Lê Dương Lệ Giang đã góp công lớn khi đem về cho Việt Nam 2 chiếc HCV; Giải vô địch quyền Taekwondo Thế giới lần thứ 5 Vận động viên Nguyễn Thị Lệ Kim đạt huy chương Vàng ở nội dung đồng đội nữ; Vận động viên Nguyễn Thành Quang (Canoeing) đạt 02 huy chương Bạc tại Sea Games 24; huy chương Vàng tại giải Vô địch trẻ Đông Nam Á; Vận động viên Hứa Thành Công (Judo) đạt huy chương Đồng tại giải Quốc tế; Vận động viên Nguyễn Ngọc Hiếu (Điền kinh) đạt huy chương Đồng giải Điền kinh học sinh Đông Nam Á. Đội Đua thuyền truyền thống đạt 02 huy chương đồng tại Sea Games 22 và nhiều huy chương Bạc, Vàng tại các giải quốc tế và gần đây nhất đạt Cúp Bạc tại Thái Lan năm 2010. Tại Sea Games 26 vừa qua ở Indonesia, Bình Thuận có 02 VĐV đạt 01 huy chương Vàng Canoeing và 01 HCB Taekwondo, ngoài ra tại Giải vô địch quyền Taekwondo Thế giới lần thứ 6 tại Nga năm 2011, VĐV Nguyễn Thị Lệ Kim tiếp tục dành 01 HCV, 01 HCB, đem vinh quang về cho Tổ quốc.
Ngoài các giải thể thao cấp khu vực, quốc gia và Đại hội TDTT toàn quốc, Bình Thuận đã tiếp nhận, đăng cai tổ chức có hiệu quả, góp phần quảng bá và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương; đặc biệt là thể thao tỉnh nhà đã đăng cai và tổ chức thành công 02 sự kiện cấp thế giới : giải Lướt ván buồm cúp thế giới PWA Mũi Né - Việt Nam và Festival thuyền buồm quốc tế Mũi Né - Bình Thuận - Việt Nam năm 2011, qua đó khẳng định tiềm năng, thế mạnh biển Bình Thuận có thể đăng cai tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, thể thao tầm thế giới trong tương lai để đưa du lịch tỉnh nhà ngày càng phát triển.
1.3. Lĩnh vực Du lịch
Sau sự kiện nhật thực toàn phần (24/10/1995) với hàng trăm ngàn người đến thành phố Phan Thiết và một số địa điểm thuộc các huyện lân cận xem hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, từ những làng chài yên ả bên biển xanh, địa danh Mũi Né - Phan Thiết nhanh chóng trở thành một điểm đến hấp khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt, chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, thành phố biển Phan Thiết với điểm nhấn Mũi Né - Hòn Rơm đã được du khách xa gần gọi tên một cách lãng mạn là thiên đường nghỉ dưỡng - Thủ đô Resort. Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, vị trí địa lý thuận lợi, gần 17 năm qua, trong điều kiện có rất nhiều khó khăn nhưng Đảng, Chính quyền các cấp ở Bình Thuận đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch. Vai trò, vị trí của du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh ngày càng nâng lên, thể hiện là ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh ngày càng rõ nét, góp phần quan trọng trong việc khai thác có hiệu quả tài nguyên đất đai, lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Bình Thuận.
- Du lịch Bình Thuận với thương hiệu biển xanh - cát trắng - nắng vàng đã vươn xa, trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và tin tưởng của du khách từ khắp nơi trong và ngoài nước. Diện mạo du lịch Bình Thuận hôm nay có dáng dấp của một khu du lịch tầm cỡ quốc gia với nhiều loại hình, từ nghỉ dưỡng, giải trí, dưỡng bệnh, hồi phục sức khoẻ; du lịch sinh thái, tìm hiểu môi trường thiên nhiên khác lạ, giao lưu với các nền văn hóa, dân tộc khác nhau; du lịch tín ngưỡng, tôn giáo, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, lễ hội, các di tích lịch sử - văn hoá, phong tục tập quán, các làng nghề truyền thống; du lịch kết hợp với thăm hỏi, đoàn tụ, lễ tết, nghỉ ngơi; du lịch kết hợp với thể thao, hội hè; du lịch MICE, kết hợp với hội thảo, ngoại giao, văn hóa nghệ thuật, nghiên cứu thị trường, hội chợ, triển lãm, giao dịch, buôn bán; du lịch chất lượng cao của giới doanh nhân như chơi gofl, chơi các môn thể thao biển…mà điểm nhấn là tổ chức thành công Lễ hội du lịch Bình Thuận - Hội tụ Xanh năm 2005 đã quảng bá tích cực hình ảnh điểm đến du lịch Bình Thuận đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ du lịch tiếp tục phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng :
Từ 10 cơ sở lưu trú (CSLT) năm 1995 đến nay (năm 2011) toàn tỉnh có 186 CSLT đang hoạt động kinh doanh với tổng số 7.541 phòng, trong đó đạt tiêu chuẩn 4 sao có 14 cơ sở với 1.390 phòng, 3 sao có 11 cơ sở với 799 phòng, 2 sao có 29 cơ sở với 1.316 phòng, 1 sao có 26 cơ sở với 695 phòng, đạt tiêu chuẩn kinh doanh có 47 cơ sở với 869 phòng.
Dịch vụ kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch từng bước phát triển. Hiện có 31 đơn vị đang hoạt động kinh doanh lữ hành, trong đó có 3 Công ty lữ hành quốc tế; 47 Hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ, trong đó có 15 Hướng dẫn viên quốc tế.
Dịch vụ ăn uống, mua sắm và các dịch vụ khác phục vụ khách du lịch phát triển nhanh đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Hiện có hơn 100 nhà hàng đầy đủ tiện nghi, sang trọng phục vụ các món ăn Âu, Á, đặc sản địa phương, hơn 60 cơ sở massage và hơn 80 cơ sở bán các mặt hàng hải đặc sản, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm phục vụ du khách; dịch vụ vận chuyển khách tham quan, du lịch...đặc biệt là các dịch vụ thể thao biển ngày càng phong phú đa dạng như: lướt ván buồm, lướt ván diều, lặn biển...Chất lượng dịch vụ ngày càng cao, phong cách phục vụ ngày càng chuyên nghiệp.
Du lịch phát triển tạo việc làm ổn định cho hơn 10.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch. Lao động được chú ý đào tạo, bồi dưỡng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu phục vụ khách du lịch.
- Công tác quản lý nhà nước về du lịch ngày càng được quan tâm, nhất là về môi trường thiên nhiên (xử lý nước thải, rác thải…), môi trường xã hội (chèo kéo, chèn ép du khách, ăn xin, bán hàng rong), vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông; công tác quy hoạch du lịch được triển khai đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh đã thu hút trên 410 dự án du lịch còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng trên 63.000 tỷ đồng và diện tích đất chiếm 8.391 héc ta, chủ yếu là nằm dọc theo ven biển; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Bình Thuận được đẩy mạnh trên tất cả các kênh. Do đó, góp phần vào việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành khá cao và ổn định. Các chỉ tiêu du lịch từ năm 1995 đến nay đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; thời gian lưu trú của khách dài hơn, quay lại nhiều lần hơn; doanh thu du lịch và các khoản nộp ngân sách từ du lịch tăng trưởng ở mức cao. Giai đoạn từ năm 1995 - 1999, là 53.000 - 345.000 lượt khách, doanh thu từ 30,66 tỷ - 99 tỷ đồng, khách quốc tế 5.300 - 28.000 lượt; từ năm 2000 - 2004, là 513.000 - 1.000.000 lượt khách; doanh thu từ 123 tỷ - 440 tỷ đồng, khách quốc tế 53.000 - 96.000 lượt; từ năm 2005 - 2009, là 1.200.000 - 2.200.000 lượt khách, doanh thu từ 600 tỷ - 1.890 tỷ đồng, khách quốc tế 130.000 - 220.000 lượt; năm 2011 là 2.804.500 lượt khách, doanh thu3.351,462 tỷ đồng, khách quốc tế 300.550 lượt khách. Lượng khách du lịch đến tỉnh tăng trưởng ổn định, khách quốc tế tăng từ 13-15%/năm, doanh thu du lịch tăng bình quân 32 - 35 %/năm.
- Sự phát triển của du lịch Bình Thuận trong những năm qua đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Bình Thuận theo hướng tiến bộ, giải quyết nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo. Du lịch phát triển đã làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn, nhất là các vùng ven biển- những nơi trước đây từng là vùng sâu, vùng xa - thì nay đã mang bộ mặt mới, khang trang, kết hợp hài hoà giữa thiên nhiên và kiến trúc hiện đại, đường sá, điện nước, thông tin liên lạc phục vụ du lịch cũng góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân ở các vùng du lịch. Du lịch phát triển đã góp phần gìn giữ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, các tài nguyên thiên nhiên, làm đẹp thêm cảnh quan và cải thiện môi trường... đồng thời cũng góp phần nâng cao trình độ dân trí của nhân dân.
1.4. Lĩnh vực Gia đình
Trong những năm qua, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, công tác gia đình đã triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao, được các cấp, các ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp thực hiện, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg ngày 04/5/2001 về việc lấy ngày 28/6 hàng năm làm ngày Gia đình Việt Nam; Tỉnh ủy Bình Thuận ban hành Kế hoạch 45 ngày 19/9/2005 về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đồng thời trực tiếp xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động nhân ngày Gia đình Việt Nam trong ngành mình, cấp mình. Đặc biệt, sau khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chính thức có hiệu lực, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5659 ngày 09/11/2009 về phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2009-2015, công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình ngày càng đi vào chiều sâu; hoạt động truyền thông thực sự lôi cuốn các lực lượng xã hội, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng các hoạt động tại địa phương và cơ sở, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của xã hội, từng gia đình trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Nhiều hoạt động nổi bật về công tác gia đình như : Tổ chức Ngày hội thể thao các gia đình toàn tỉnh năm 2006, với sự tham gia của 10 đội thuộc 7/10 huyện, thị xã và thành phố. Đồng thời, phối hợp tổ chức mitting và đi bộ diễu hành nhân kỷ niệm 5 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2006), có khoảng 3.000 người tham gia, với đông đảo các thành phần trong xã hội, nhất là các cặp vợ chồng cán bộ, công nhân viên chức, thanh niên học sinh, công an, bộ đội. Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch đã tổ chức thu thập các chỉ số về gia đình và các chỉ số về phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng chương trình nhập dữ liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình để tổng hợp, xử lý báo cáo. Đã triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại 10 huyện, thị xã, thành phố từ năm 2009; đến nay đã có 10/10 huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban chỉ đạo mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 72 xã, phường, thị trấn thành lập Ban chỉ đạo mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; 68 thôn, khu phố thành lập Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và hình thành 105 Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở. Các ngành, các cấp đã tổ chức tuyên truyền vận động xây dựng gia đình theo tiêu chí “No ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”; triển khai giáo dục kiến thức về gia đình trong nhà trường, cộng đồng và xã hội. Cấp phát tài liệu về kiến thức gia đình cho xã, phường, thị trấn để tuyên truyền kiến thức về gia đình, về hôn nhân và gia đình, về chăm sóc và nuôi dạy trẻ em đến từng hộ gia đình.
2. Công tác xã hội hóa văn hóa, thể thao và du lịch
- Về Văn hóa : Thông qua phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, các địa phương trong tỉnh đã huy động sức dân với phương châm huyện đầu tư 50% và nhân dân đóng góp 50% (hoặc 40/60) và các nguồn tài trợ xây dựng các công trình giao thông, kết cấu hạ tầng và thiết chế văn hóa ở cơ sở; đến nay toàn tỉnh có 495/698 trụ sở sinh hoạt thôn, khu phố được xây dựng, đạt tỷ lệ 70,91%, 03 huyện Hàm Thuận Bắc, Phú Quý và Tánh Linh là các địa phương dẫn đầu phong trào về xây dựng trụ sở sinh hoạt cộng đồng thôn, khu phố hoặc sử dụng cơ sở vật chất của Hợp tác xã làm nơi hội họp, sinh hoạt; toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 26/127 Nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, đồng thời thực hiện chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa, toàn tỉnh đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 17 Nhà văn hóa xã.
Các lễ hội văn hóa tiêu biểu như Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa ở Phan Thiết, Lễ hội Katê của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở huyện Hàm Thuận Bắc, Lễ hội Trung thu của thành phố Phan Thiết, Lễ hội Dinh Thầy Thím ở thị xã La Gi,... bình quân mỗi lễ hội có phần đóng góp của nhân dân dao động từ 50 đến 100 triệu đồng, thu hút hàng chục ngàn người tham dự, tạo chuyển biến rõ nét cho bộ mặt đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương. Riêng Lễ hội Dinh Thầy Thím tổ chức hàng năm vào dịp tế Thu (tháng 9 Âm lịch), năm 2011 Ban Tổ chức đã chủ động sử dụng ngân sách của Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy Thím nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ khách về hành lễ. Trong đó đầu tư kinh phí trên 5 tỷ đồng xây dựng 41 ki ốt đưa vào hoạt động dịch vụ thương mại, nâng cấp lót nền gạch trong khuôn viên di tích, thay mới hệ thống chiếu sáng, chương trình phục vụ miền phí các buổi ăn trong 3 ngày diễn ra lễ hội trên hàng vạn người…
- Về Thể thao : Công tác xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động TDTT được quan tâm đầu tư ngân sách, vận động nhân dân đóng góp thực hiện xã hội hóa xây dựng các sân bãi TDTT ở cơ sở. Các cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức và nhân dân trong tỉnh ngoài việc thường xuyên duy trì các hoạt động tập luyện, thi đấu, còn tham gia đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (nhà thi đấu, sân quần vợt, cầu lông, bóng chuyền, bóng đá mi ni, bể bơi…) nhằm phục vụ rèn luyện sức khỏe, giáo dục thể chất trong sinh hoạt, học tập và làm việc hàng ngày. Công tác xã hội hóa TDTT được mở rộng với nhiều đối tượng, địa bàn ở cơ sở với những hình thức đa dạng, phong phú như thành lập các Câu lạc bộ, Hội liên đoàn trong từng môn thể thao; phối hợp tổ chức nhiều giải thể thao như Bóng chuyền cúp Đức Khải, Việt dã ngân hàng Sacombank, Bida Duy Sơn, Lướt ván buồm CLB Jibe’s Beach, đặc biệt là đăng cai tổ chức 02 sự kiện quốc tế là Giải Lướt ván buồm Cúp Thế giới PWA Mũi Né - Việt Nam vàFestival thuyền buồm quốc tế Mũi Né - Bình Thuận - Việt Nam năm 2011 bằng nguồn kinh phí xã hội hóa từ các doanh nghiệp trong tỉnh, trong đó ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ một phần cho công tác tuyên truyền, quảng bá. Doanh nghiệp tư nhân trong tỉnh tham gia đầu tư xây dựng sân bóng đá mi ni nhân tạo, sân Golf, sân quần vợt, hồ bơi… và tài trợ kinh phí tổ chức cho các giải thể thao, góp phần giảm bớt ngân sách tỉnh, đẩy mạnh phong trào TDTT phát triển trong thời gian qua.
- Về Du lịch : Công tác xã hội hóa xúc tiến, quảng bá du lịch Bình Thuận cũng từng bước được các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh quan tâm, hưởng ứng ngày càng tích cực thông qua các Lễ hội văn hóa của địa phương, các Hội chợ du lịch trong và ngoài nước, đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho địa phương, tiếp đón các đoàn Famtrip, các đoàn làm phim trong và ngoài nước đến Bình Thuận tham quan, khảo sát và làm phóng sự…Kết quả đóng góp kinh phí của các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh qua các năm như sau : Năm 2005 : 97.061.000đ, năm 2006 : 114.000.000đ, năm 2007 : 79.000.000đ, năm 2008 : 205.000.000đ, năm 2009 : 149.500.000đ, năm 2010 : 391.800.000đ, năm 2011 ngoài đóng góp bằng tiền mặt là 134.200.000đ, các doanh nghiệp du lịch còn hỗ trợ phòng nghỉ để đón tiếp các VĐV đến tham gia 02 sự kiện thể thao quốc tế tổ chức tại Bình Thuận, các đoàn báo chí trong nước và quốc tế, các công ty lữ hành quốc tế đến tham quan, khảo sát, tìm hiểu về du lịch Bình Thuận, với số tiền gần 300.000.000đ (chưa tính trong năm 2012 các khách sạn, resort có số lượng khách Nga lưu trú trong thời gian Lanta-tour Voyazh thông báo ngưng cung cấp dịch vụ đã chấp thuận cho khách lưu trú và đi theo đúng chương trình tour đã đăng ký).
3. Những công trình văn hóa, thể thao tiêu biểu được đầu tư bằng ngân sách trong những năm qua
- Về Văn hóa :
+ Công trình nhà làm việc Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh Bình Thuận : Hoàn thành và sử dụng năm 2004, với tổng kinh phí 2 tỷ đồng.
+ Công trình Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận : Hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2010, với tổng kinh phí 18 tỷ đồng.
+ Công trình trùng tu nâng cấp Đai trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận : Hoàn thành vào năm 2010, với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng.
+ Công trình đổi mới đai trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận : Hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2009, với tổng kinh phí 7 tỷ đồng.
+ Công trình đầu tư xây dựng 17 Nhà văn hóa xã cho các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi : Hoàn thành và đi vào hoạt động với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng (trong đó có 02 Nhà văn hóa xây dựng từ nguồn quỹ tài trợ từ Quỹ hỗ trợ văn hóa Việt Nam - Thụy Điển - Đan Mạch và 02 Nhà văn hóa được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia).
+ Công trình trùng tu di tích lịch sử văn hóa Vạn An Thạnh, huyện Phú Quý (năm 2011) với tổng kinh phí 5 tỷ đồng và công trình trùng tu di tích lịch sử văn hóa đền thờ công chúa Bàn Tranh, huyện Phú Quý (năm 2009), với tổng kinh phí 3 tỷ đồng.
- Về Thể thao :
+ Công trình Nhà thi đấu tổng hợp thuộc Trung tâm TDTT tỉnh : Hoàn thành và sử dụng từ năm 2001, với tổng kinh phí đầu tư trên 7 tỷ đồng.
+ Công trình trụ sở Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT tỉnh : Hoàn thành và sử dụng từ năm 2002, với tổng kinh phí đầu tư gần 4 tỷ đồng; công trình Nhà luyện tập Trường Năng khiếu nghiệp vụ TDTT tỉnh (năm 2008), với kinh phí 2,5 tỷ đồng.
+ Công trình đường chạy phủ nhựa tổng hợp sân vận động tỉnh : Hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2011, với tổng kinh phí 6 tỷ đồng.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Mặt được
Nhìn chung, qua 20 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều cố gắng tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Công tác chỉ đạo, điều hành của ngành bám sát nhiệm vụ trọng tâm Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ VHTTDL giao, chủ động, sáng tạo, đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân, phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững sự đoàn kết, nhất trí, kỷ cương, kỷ luật; bộ máy quản lý nhà nước của ngành tiếp tục được kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; các lĩnh vực hoạt động ngành ngày càng gắn kết và phát huy vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Công tác tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật căn bản đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước các lĩnh vực hoạt động ngành. Công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trên các lĩnh vực ngành được chú ý tăng cường. Các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức tốt, góp phần quảng bá hình ảnh và du lịch Bình Thuận đến với du khách trong và ngoài nước.
- Hoạt động Văn hóa : Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, nâng dần chất lượng, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật kết hợp với quảng bá du lịch được chú ý, chất lượng nghệ thuật được nâng lên. Hoạt động văn nghệ quần chúng được mở rộng, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Công tác bảo tồn, bảo tàng được quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo và nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển.
- Hoạt động Thể dục, thể thao có vai trò quan trọng trong việc rèn luyện thể chất, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển giống nòi. Các công trình phục vụ cho hoạt động TDTT từ tỉnh đến địa phương được chú ý đầu tư. Phong trào TDTT quần chúng phát triển rộng đến mọi đối tượng, địa bàn dân cư với các loại hình phong phú, tỷ lệ người tập TDTT ngày càng tăng lên; định hướng tốt một số loại hình thể thao giải trí; công tác đào tạo Vận động viên được chú trọng; thành tích thể thao có tiến bộ đạt nhiều huy chương, đẳng cấp thông qua các giải khu vực, quốc gia và quốc tế. Thể thao Bình Thuận còn tích cực quảng bá du lịch, góp phần trong việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
- Hoạt động Du lịch Bình Thuận mặc dù còn non trẻ, nhưng với những con số đã đạt được và thương hiệu Mũi Né - Hòn Rơm ngày càng nổi tiếng trên thị trường nội địa lẫn quốc tế, du lịch Bình Thuận đã khẳng định con đường phát triển đúng đắn của tỉnh, của ngành để phấn đấu sớm trở thành một trung tâm du lịch lớn của cả nước lẫn thế giới trong tương lai. Từng bước hoàn thiện dần về cơ chế chính sách, thông thoáng trong đầu tư, thu hút các dự án du lịch mới có tiềm năng. Chính từ những đổi mới trong công tác quản lý, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du khách và sự quyến rũ của du lịch biển đảo, hàng năm lượt du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng đều tăng cao. Đồng thời, ngày càng thu hút nhiều dự án đầu tư vào các lĩnh vực như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại.
- Công tác gia đình có bước chuyển biến đáng kể. Nhận thức về tầm quan trọng của công tác gia đình và nhiệm vụ xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ở cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên rõ nét. Các mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình bước đầu phát huy hiệu quả tốt và được nhân rộng.
Có thể nói, thành tựu lớn nhất là sau khi thực hiện hợp nhất ba lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch đã đảm bảo giữa văn hoá, thể thao và du lịch có mối liên hệ chặt chẽ, tạo tiền đề cho nhau cùng phát triển. Hệ thống tổ chức bộ máy ngành, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành đã có sự trưởng thành hơn, tạo sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển chung của toàn ngành.
2. Mặt còn khó khăn, hạn chế
2.1. Về Văn hóa
- Hoạt động văn hóa chưa có những sự kiện lớn tạo được ấn tượng mạnh mẽ đối với đông đảo các tầng lớp nhân dân ở cơ sở; chưa huy động sự tham gia rộng rãi của các cộng đồng dân cư theo phương châm xã hội hóa của Chính phủ và UBND tỉnh. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở một số địa phương trong tỉnh tuy có chú ý mở ra về bề rộng phong trào nhưng chất lượng chưa đồng đều và chiều sâu nghệ thuật còn hạn chế; mức hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, miền trong tỉnh vẫn còn sự chênh lệch.
- Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển chưa đồng đều, thiếu vững chắc, có nơi vẫn còn chạy theo thành tích. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa thật chặt chẽ và đồng bộ; lực lượng cán bộ phong trào ở cơ sở còn thiếu, yếu về trình độ năng lực; nguồn kinh phí cấp cho phong trào hàng năm quá eo hẹp.
- Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển thiết chế văn hóa còn chậm, nhất là ở cơ sở. Tiến độđầu tư phát triển thiết chế văn hoá chưa nhiều do ngân sách địa phương còn khó khăn. Đầu tư của ngân sách nhà nước cho văn hóa còn thấp.
2.2. Về Thể thao
Thiết chế thể thao từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu và không đồng bộ; phong trào thể dục, thể thao quần chúng chưa đồng đều và vững chắc; thành tích thể thao Bình Thuận chỉ đứng ở hàng trung bình của cả nước; quản lý nhà nước về TDTT còn lúng túng; hệ thống cơ sở vật chất còn thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên môn; công tác đào tạo và bồi dưỡng Huấn luyện viên, Vận động viên chưa mang tính khoa học; đầu tư kinh phí còn hạn chế, chế độ dinh dưỡng còn thấp, kinh phí khen thưởng chưa kịp thời động viên.
2.3. Về Du lịch
- Một số điểm du lịch vẫn chưa khắc phục về mặt quản lý như : chèo kéo, bắt ép du khách vẫn còn xảy ra; môi trường, sản phẩm du lịch vẫn còn hạn chế; công tác quản lý nhà nước về mặt du lịch chưa sâu; một số vấn đề như khoáng sản, thủy sản, giao thông có ảnh hưởng nhiều đối với phát triển của hoạt động du lịch; công tác đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch còn chậm.
- Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tuy đã có tiến bộ nhưng chưa có tính chuyên nghiệp. Còn thiếu trung tâm mua sắm, trung tâm biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, phố ẩm thực hoạt động thường xuyên để phục vụ du khách.
- Việc khai thác các giá trị văn hóa phục vụ du lịch còn hạn chế, số di tích văn hóa lịch sử thực sự trở thành điểm tham quan du lịch và hình thành các tour du lịch đa dạng để thu hút du khách còn ít.
3.4. Về Gia đình
Tình hình tổ chức bộ máy, quản lý công tác gia đình các cấp tại địa phương chưa thật sự ổn định, còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa có cán bộ chuyên trách công tác gia đình mà chủ yếu là kiêm nhiệm và bị chi phối nhiều bởi các lĩnh vực công tác khác nên chất lượng, hiệu quả triển khai công việc chưa cao.
Trên dây là báo cáo tổng quan 20 năm phát triển sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận (1992-2012)./.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ngô Minh Chính (đã ký)
Nguồn: Sở VHTTDL BT