5 giai đoạn thăng trầm của Vận động viên

Đăng ngày: 8/17/2011 12:00:00 AM - Lượt xem 4801

Diễn biến và mức độ biểu hiện không phải lúc nào cũng là một đường thẳng, mà nó tiến triển bằng những giai đoạn thoái trào, bứt phá vươn lên... Quá trình đó không nằm ngoài mối tương tác giữa các mức độ biểu hiện stress với cao trào cảm xúc và năng lực chuyên môn.

Tất cả điều đó tạo nên diễn biến phức tạp của stress trong quá trình phát triển năng lực VĐV. Mô hình stress được phác thảo một cách đơn giản hoá diễn tả sự tiến triển năng lực chuyên môn của VĐV với 5 giai đoạn cơ bản.

 

Giai đoạn 1 - Thăng hoa

Bắt đầu giữa giai đoạn của sự quyết tâm cao (mới gia nhập hoặc bắt đầu học) và cao điểm đầu tiên. Sự thăng hoa của tài năng. Giai đoạn này bắt đầu đánh dấu sự thành công đầu tiên của VĐV. Thành công này tiềm ẩn những vấn đề ở các quá trình phát triển tiếp theo.

Thứ nhất, bởi vì đó là chiều hướng khởi đầu cho mỗi khả năng mà những người có tố chất đã được lựa chọn và được tập luyện trong môi trường với những điều kiện thích hợp.

Thứ hai, thông thường một VĐV lần đầu thi đấu không suy nghĩ nhiều đến việc phải làm gì, không trăn trở nhiều cho bước đột phá. Người mới chơi thường như vậy bởi họ chưa có nhiều kinh nghiệm để đào sâu suy nghĩ. Một người chơi giàu kinh nghiệm cũng có thể ngạc nhiên trước những kết quả của người mới chơi bởi những cú đánh mà họ có thể cũng chưa từng biết đến. Đó là sự thật, là cách thức của một lối chơi tự do, báo hiệu một tài năng.

Như vậy, bước đột phá đưa đến cao điểm thành tích đầu tiên, có thể là rất tốt cho một tài năng triển vọng. Khả năng của người chơi có thể phát triển chậm - đường cong ở giai đoạn 1 được hư cấu và đỉnh cao thứ nhất thực tế có thể chậm hơn. Sự tăng dần và sự sụt giảm có tính ổn định nhưng chưa đầy đủ ở giai đoạn này.

Giai đoạn 1 là giai đoạn ngắn nhất. Việc cải thiện những kết quả sẽ tăng thêm động cơ thúc đẩy lối chơi của VĐV. Cuối giai đoạn này, nếu VĐV sớm thoả mãn với thành quả đã đạt được, tinh thần thể thao suy giảm và thiếu nỗ lực sẽ khiến VĐV không dễ dàng có được thành tích tốt hơn. Thậm chí VĐV khó lường trước được điều gì đang đợi mình ở phía trước, từ đó dẫn tới hẫng hụt, không thể vượt qua để tới các giai đoạn tiếp theo.

 

Giai đoạn 2 - giai đoạn khủng hoảng

Giai đoạn này bắt đầu trực tiếp sau cao điểm đầu tiên và được xác định bởi sự sụt giảm thành tích và tinh thần ở người chơi. Giới hạn của giai đoạn 2 được xác định bởi điểm cuối của sự sụt giảm này, hoặc bởi năng lực đã được khai thác và không thể phát triển hơn. Kết quả của người chơi không thể tốt hơn trong nhiều năm sau cao điểm đầu tiên và có thể dẫn đến sụt giảm. Nhiều VĐV nản chí, thiếu nỗ lực và không thoát khỏi giai đoạn này, cũng có thể hoàn toàn thoát khỏi giai đoạn này bằng nhiều phương thức...

Trong tất cả các giai đoạn, thì giai đoạn suy giảm thành tích và năng lực vận động là giai đoạn gây cho VĐV nỗi lo ngại nhất. Nhưng đó vốn là điều tất yếu, nếu vượt qua sẽ giúp VĐV có thành tích tốt hơn. Nghịch lý ở đây là có thể xảy ra cả với những VĐV đã là người thành công. Trong giai đoạn này, những cố gắng tư duy để vượt qua những điều khó hiểu ở giai đoạn khủng hoảng như một dấu hiệu tích cực. Nếu không qua được giai đoạn sụt giảm, VĐV sẽ không có kinh nghiệm và đạt được sự tinh thông. Như vậy sẽ rất khó để đến được giai đoạn phát triển cao hơn - sự hiểu biết những phương thức vận động và tăng thành tích ở những giai đoạn tiếp theo.

Biểu hiện stress ở giai đoạn sụt giảm sau cao điểm đã đạt được là sự giảm sút đột ngột sức mạnh và bế tắc trong lối chơi, thậm chí tinh thần hoảng loạn. Thành tích không tăng mà suy giảm. Diễn biến stress có nhiều biến động và mâu thuẫn. VĐV trong trạng thái này thường có những phản ứng không kiểm soát được, không tiến bộ hơn được, có biểu hiện thiếu niềm tin, bi quan (hoặc ngược lại, tự tin thái quá)... Trong giai đoạn này, VĐV luôn muốn thay đổi một điều gì đó để bứt phá với thái độ vừa tích cực, vừa tiêu cực.., sự trì trệ vẫn tiếp diễn.

Sụt giảm cùng với tình trạng stress trong quá trình phát triển năng lực của VĐV là điều khó tránh. Nó thường làm cho VĐV có những trạng thái bất ổn về tâm lý. Thậm trí gây stress tiêu cực. Thiếu tự tin vào bản thân và hẫng hụt... Đây là giai đoạn gây ra tuyệt vọng, thậm chí là hoảng loạn. VĐV lúc này cần phải nghiêm túc kiếm tìm các phương thức mới, nên làm thế nào đối với một chiến thuật bứt phá? Giai đoạn sụt giảm cứ đeo đẳng, phần lớn do thiếu thông tin về sự bứt phá. VĐV trong giai đoạn này thường quá chú trọng tới thành tích mà quên đi hình ảnh và giá trị nhân cách của mình, dẫn đến có những biểu hiện như một thành viên kém cỏi, không thể kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Thậm chí gây thất vọng không phải vì thành tích mà vì những mâu thuẫn các nét tính cách theo chiều hướng không tích cực. Hãy tránh những sai lầm này!

Điều gì sẽ giúp VĐV tiếp tục duy trì tập luyện và thoát khỏi giai đoạn sụt giảm? Cảm thấy quá khó khăn để vượt qua là không có tinh thần thể thao. Những kỹ năng bứt phá cần thiết, đừng chán nản, mà chấp nhận một cách thoải mái. Những lo lắng ở giai đoạn này chỉ gây ảo giác và làm bạn trở nên yếu đi. Nhớ rằng bạn đang chơi một trò chơi mà bạn yêu thích. Quan trọng là đừng bỏ cuộc và đừng làm mất đi những giá trị của bản thân mình. Sau giai đoạn sụt giảm, vinh quang có thể sẽ lại đến.

Những người không vượt qua được giai đoạn sụt giảm, phần lớn thuộc nhóm những người không kiên trì hoặc năng lực không thể phát triển hơn. Với những nỗ lực cố gắng, không phải bằng lối chơi tự do hay sức mạnh, hơn lúc nào hết, lối chơi của bạn lúc này không chỉ cần một tài năng thật sự, mà cần một trí tuệ, sự hiểu biết, cần kinh nghiệm và cách thể hiện. Cuối cùng bạn sẽ biết điều chỉnh để xác định mức giới hạn của giai đoạn sụt giảm.

Nếu vượt qua giai đoạn sụt giảm (khủng hoảng) đó, VĐV sẽ đến một mức độ thích ứng cao hơn, đó là giai đoạn hiểu biết thực tiễn.

 

Giai đoạn 3 - Nỗ lực vươn lên

Thăng trầm là xu hướng tự nhiên của một quá trình phát triển. Sự kiên trì, nỗ lực ý chí và trí tuệ để tài năng được thăng hoa lần nữa. Những thành tích đạt được ở giai đoạn này đã mang đến những niềm hy vọng. Trong thực tế, quá trình tìm kiếm giải pháp đã bắt đầu ở giai đoạn khủng hoảng trước, nhưng có thể VĐV đã bỏ lỡ những cơ hội do những bất ổn về tâm lý. Hoặc VĐV nhất thiết phải trải nghiệm để có sự hiểu biết. Trong những hoàn cảnh khác nhau, những vấn đề mà VĐV tưởng như không thể tránh được ở giai đoạn sụt giảm, nó vẫn có thể tiếp tục xuất hiện và đeo đẳng như những stressor liên tục thách thức VĐV. Tuy nhiên, VĐV khi ở giai đoạn này, có thể dự đoán trước những điều sẽ đến nhờ kinh nghiệm. Thực tiễn vẫn trực tiếp bổ trợ thêm kiến thức, kinh nghiệm cho lối chơi của VĐV. Nên cảm nhận và suy nghĩ về nó! Những tiến bộ dù không lớn trong giai đoạn này nhưng rất quan trọng. Phong độ và nhịp điệu thành tích vẫn được tiếp tục duy trì ở mức độ cao hơn. VĐV đã biết ứng phó trước những tình huống bất ngờ tại mỗi cuộc đấu.

Sau những nỗ lực và thăng trầm vất vả, VĐV vẫn khó tránh được những khủng hoảng tiếp theo.

 

Giai đoạn 4: khủng hoảng lần 2

Sau những nỗ lực vất vả, VĐV đã vươn tới cao điểm 2, hơn cả cao điểm thứ nhất. Nhưng bây giờ có thể là khủng hoảng lần 2 mà VĐV phải đương đầu. Không phải tất cả những người chơi đều đi đến giai đoạn này. Trong suốt giai đoạn 2 và 3, bây giờ VĐV đã biết chấp nhận và thoải mái hơn để sẵn sàng đương đầu với khủng hoảng lần 2 của mình để vươn tới đỉnh cao sau đó.

Khủng hoảng lần 2 ít kịch tính hơn so với lần thứ nhất. Bởi VĐV đã có kinh nghiệm và sự hiểu biết cần làm gì trong hoàn cảnh tương tự. Sự ổn định trạng thái tâm lý nhờ có kinh nghiệm và hiểu biết sẽ góp phần cho sự phát triển tối ưu các năng lực tâm lý ở trình độ cao. Điều đó giúp VĐV đương đầu với giai đoạn khủng hoảng lần 2 này với một thái độ tích cực hơn.

Nếu thỏa mãn với những kết quả đã đạt được và thiếu nhiệt huyết, ý chí, có thể VĐV sẽ dừng lại. Nếu tiếp tục bền bỉ và vượt qua khủng hoảng lần 2 này, có thể sẽ đưa VĐV trở lại cảm giác như ở đỉnh cao đầu tiên. Bạn sẽ không thể “mơ” được cảm giác này khi bạn còn ở giai đoạn khủng hoảng lần thứ nhất. Sự sụt giảm lần 2 là một giai đoạn không dài. Nếu bạn may mắn thì bạn sẽ không thể có kinh nghiệm về nó, hoặc từ một chút thăng trầm ở kinh nghiệm lần đầu tiên, bạn có thể tìm thấy cách thức của bạn để kiểm định.

Giai đoạn 4 được xem như là thời gian củng cố kinh nghiệm và bản lĩnh. VĐV lúc này rất cần sự ủng hộ, sự quan tâm của tập thể và an toàn trong các mối quan hệ. Điểm mấu chốt trong giai đoạn sụt giảm này, bạn đừng nản chí mà hãy dùng bản lĩnh để tiếp tục củng cố những giá trị nhân cách của mình, đừng để nhân cách và hình ảnh của bạn sụt giảm theo thành tích. Sụt giảm thành tích và khủng hoảng ở giai đoạn này là cần thiết để giúp bạn một lần nữa nhìn nhận lại mình và khẳng định lại hình ảnh của mình một lần nữa trong một đẳng cấp mới cao hơn. Những người đã đến được ở giai đoạn 5 sẽ nể phục bạn, đặc biệt khi thấy bạn đang tiến đến vị trí của giai đoạn 5.

Trong suốt quá trình trải nghiệm và đi tới khủng hoảng lần 2, là điều kiện cho VĐV nhiều kinh nghiệm và hiểu biết hơn rất nhiều về kiến thức lối chơi. Cảm xúc và hành vi được kiểm soát.

Điều tồi tệ nhất trong những cuộc bứt phá và những khủng hoảng tâm lý tưởng như không thể vượt qua, hoặc từng nghĩ phải chấm dứt cuộc chơi... liên tục thách thức VĐV ở giai đoạn này. Nếu thiếu một chút hiểu biết, VĐV có thể sẽ trở lại vị trí ban đầu và phai nhạt hình ảnh.

 

Giai đoạn 5: Khẳng định đẳng cấp – chuyên môn tinh thông

Nỗ lực trải qua những biến cố, thăng trầm của sự nghiệp, cuối cùng người chơi cũng vươn tới sự tinh thông về chuyên môn. Nếu chiếm lĩnh và kiểm soát được, VĐV sẽ có nhiều kinh nghiệm và đưa ra những phán đoán cho các giai đoạn khác. Sự kiên định để khẳng định mình, những vấn đề tiếp theo sẽ không trở nên quá quan trọng nhờ có kiến thức và kiểm soát bản thân. Lúc này, với kinh nghiệm và tài năng đã và đang được mài giũa của mình, bạn sẽ trở thành một người có năng lực chuyên môn thật sự tốt.

Trong giai đoạn này, VĐV trở nên điềm tĩnh, hiểu biết và bản lĩnh. Khi đó, bạn có đủ điều kiện cần thiết để vươn tới đỉnh cao của sự thành đạt trong sự nghiệp thể thao của mình.

Từ khoá trong giai đoạn này là “tính vững chắc”. Dấu hiệu rõ ràng là VĐV đang đạt đến trình độ cao. Những kỹ năng thi đấu của VĐV ở giai đoạn đỉnh cao này có thể trở thành nghệ thuật biểu diễn bởi khả năng kiểm soát kỹ thuật và cảm xúc của mình. Điều đó là chắc chắn và sự thật là bạn đã kiên định suốt quá trình và làm chủ ở tất cả các bước thăng trầm của sự nghiệp. Có lẽ bạn còn thiếu chút năng lực hoặc còn trẻ để trở thành một chuyên gia, nhưng bạn có thể tin rằng, bạn đã chiếm hữu tất cả những hiểu biết cần thiết.

 

Nguồn: Tạp chí Thể thao

Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT