Đó chính là một bộ phận của sự nghiệp đào tạo đội ngũ giáo viên Việt Nam, là một bộ phận của sự nghiệp sư phạm. Vì thế, nó cần được đặt ngang, đặt trong chương trình tổng thể của cải cách giáo dục ở Việt Nam.
Những nguyên tắc chung
Để có được một đội ngũ HLV thể thao cho TDTT tương lai của Việt Nam công tác quản lý nhà nước (QLNN) đối với TDTT nói chung, HLV thể thao nói riêng, cần chuyển hướng và nâng cấp theo chiều hướng sau:
Quản lý nhà nước đối với TDTT hoặc đào tạo và phát triển đội ngũ HLV thể thao là một bộ phận của QLNN nói chung, là một phần của toàn bộ công việc của bộ máy hành chính nhà nước, nên nó cũng phải tuân theo các nguyên tắc chung được đề ra cho mọi hoạt động QLNN.
Đó là các nguyên tắc: Tập trung dân chủ, kết hợp QLNN theo ngành và theo lãnh thổ...
Tuy nhiên, là một chuyên ngành, thậm chí, một bộ phận của chuyên ngành TDTT, nên việc đổi mới QLNN đối với các HLV thể thao cần tuân thủ một số nguyên tắc đặc thù.
Từ kinh nghiệm quốc tế, từ thực tế thành công và thất bại trong việc đào tạo, sử dụng và đãi ngộ HLV, chúng tôi thấy, giải pháp đào tạo và phát triển đội ngũ HLV thể thao cần những giải pháp sau:
- Xây dựng cơ chế, chính sách đối với hoạt động và hưởng thụ TDTT của nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
- Xây dựng cơ chế, chính sách về xã hội hóa các hoạt động TDTT. Áp dụng mức thuế ưu đãi nhằm khuyến khích, huy động các nguồn lực của nhân dân và xã hội hỗ trợ, đầu tư vào lĩnh vực TDTT, dịch vụ TDTT (xây dựng các công trình TDTT, sản xuất và lưu thông thiết bị, dụng cụ TDTT và đa dạng hoá hình thức thi đấu TDTT.. .).
- Xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên về cho thuê đất và cơ sở hạ tầng TDTT của Nhà nước.
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan QLNN với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp để phát triển TDTT.
- Xây dựng cơ chế, chính sách và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong đội ngũ cán bộ, HLV, VĐV thành tích cao.
- Tăng cường đầu tư đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên cho cán bộ TDTT cấp xã, phường, thị trấn, đặc biệt chú trọng đến đối tượng các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
- Cơ chế, chính sách về khen thưởng thoả đáng để động viên các hoạt động của ngành nhất là phong trào “Khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
- Xây dựng cơ chế, chính sách đối với VĐV thể thao thành tích cao, cán bộ, HLV, trọng tài và chính sách thu hút tài năng thể thao; cơ chế, chính sách đối với VĐV thể thao thành tích cao có nhiều cống hiến cho đất nước sau khi nghỉ thi đấu, hướng nghiệp.
Quản lý nhà nước chặt chẽ và định hướng rõ
Hướng phát triển TDTT là dự định về một tương lai của TDTT Việt Nam, bao gồm những giá trị phải có, mô hình hoạt động TDTT các loại.
Đây là cơ sở để nhà nước có hướng đào tạo HLV, đồng thời cũng là căn cứ để các chuyên gia TDTT lựa chọn con đường làm HLV cho mình, tìm con đường tự đào tạo mình để hành nghề suốt đời.
Vì vậy, cần chuẩn hóa các HLV.
Việc làm này rất cần thiết. Một mặt, đó là định hướng cho những ai muốn làm HLV thì phải phấn đấu. Mặt khác, đó là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng của Nhà nước kiểm tra sự hành nghề của các HLV.
Việc chuẩn hóa HLV phải đi kèm với việc cấp thẻ hành nghề HLV.
Người có thẻ hành nghề có được nơi nào thuê làm HLV hay không là do thị trường quyết định. Nhưng chỉ những ai có thẻ hành nghề mới được ký hợp đồng huấn luyện.
Về Tổ chức đào tạo HLV cần:
Trực tiếp xây dựng các trung tâm đào tạo HLV, với trang thiết bị hiện đại và mời các chuyên gia huấn luyện quốc tế làm thầy cho thầy tương lai.
Có quy hoạch mang tính chất lâu dài đối với phát triển từng môn thể thao trên tổng thể quy hoạch phát triển của toàn ngành TDTT để có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng HLV có chất lượng, phù hợp với nhu cầu phát triển của từng môn thể thao và tránh được tình trạng hẫng hụt giữa các thế hệ HLV.
Gửi học viên đi học nước ngoài để đào tạo HLV cho tương lai dưới nhiều hình thức: Gửi tới các trung tâm đào tạo HLV của các cường quốc TDTT, gửi làm trợ lý HLV cho các HLV giỏi ở các nước,..
Trong đào tạo HLV, cần coi trọng toàn diện, bao gồm không chỉ chuyên môn mà cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, có nhiệt huyết sẵn sàng cống hiến, phục vụ trong ngành, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, hội nhập nhanh và toàn diện với khu vực và quốc tế.
Tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo HLV nước ngoài để HLV nước ta có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm chuyên môn và dần chuẩn hoá đội ngũ HLV này.
Hỗ trợ các HLV hành nghề
Trong khâu này, cần đặc biệt quan tâm đến lực lượng HLV hành nghề tự do, các Trung tâm huấn luyện không của nhà nước. Việc hỗ trợ này nhằm giúp họ triển khai thuận lợi nghề nghiệp của mình.
Trong QLNN về kinh tế, Nhà nước thường hỗ trợ doanh nhân lập nghiệp về vốn, về hạ tầng cơ sở, về thông tin... Trong đối xử với các HLV hành nghề tự do, các Trung tâm huấn luyện thể thao không của Nhà nước, Nhà nước cũng cần có chế độ, chính sách hỗ trợ như thế.
Nội dung hỗ trợ có nhiều, rất đa dạng, tùy từng bộ môn. Nhưng tựu trung lại, sự hỗ trợ cần hướng vào các mặt sau: Môi giới việc làm; Tạo dựng cơ sở vật chất kỹ thuật; Quan hệ quốc tế; Cung cấp thông tin TDTT quốc tế, liên quan đến hoạt động tiếp thị; Tổ chức các dịch vụ thể thao.
Tăng cường cơ sở pháp lý cho nghề HLV
Huấn luyện viên là một nghề và rất có ý nghĩa với thể thao, vì vậy cần có cơ sở pháp lý vững chắc để họ hành nghề và cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Vì vậy, nếu có một quyết định về quyền hành nghề HLV tự do thì đó chính là một bước ngoặt của nghề HLV tại Việt Nam.
Văn kiện này sẽ tạo cơ sở pháp lý để những cán bộ, công chức giỏi nghề huấn luyện nhưng không phát huy được tài năng, do cơ chế quản lý cán bộ, công chức, có thể rời bỏ cơ quan nhà nước ra hoạt động tự do, tránh tình trạng “công tư lẫn lộn” như một số HLV hiện nay.
Bên cạnh đó, nên có Quyết định về việc xây dựng các trung tâm huấn luyện TDTT tư nhân.
Đây là loại quyết định rất cần có hiện nay. Trong giáo dục phổ thông, cao đẳng, đại học, dạy nghề... Nhà nước cho phép lập trường tư. Trên lĩnh vực vực dạy nghề TDTT cũng cần được quản lý như vậy.
Khi các Trung tâm này ra đời, họ sẽ làm hai chức năng: Vừa đào tạo cơ bản, vừa cung cấp HLV cho các câu lạc bộ TDTT, các cơ quan cần HLV phong trào, các đội thể thao tự do cần thầy huấn luyện.
Đồng thời, qua Trung tâm, việc quản lý bằng pháp luật đối với các HLV sẽ tốt hơn là để các HLV hoạt động tự do.
Cần có Quyết định về chế độ công chức công vụ riêng đối với HLV thể thao là viên chức nhà nước
Hiện nay, không riêng trong hoạt động huấn luyện thể thao, trong nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật, nghiên cứu khoa học, nhiều người là cán bộ, công chức nhưng trong chức trách công vụ của họ không riêng đâu là việc cơ quan, đâu là việc làm thêm kiếm tiền. Nhiều người vẫn hưởng lương nhà nước đầy đủ, nhưng công việc của họ thì chủ yếu là thực thi các hợp đồng cá nhân trực tiếp, với mức thù lao mà tiền lương chỉ là số lẻ.
Vì thế, Chính phủ cần có một văn bản để minh bạch hóa điều này.
Cần có Quyết định về phong danh hiệu đối với HLV thể thao
Như đã trình bày ở trên, nghề huấn luyện thể thao cũng cần đặt ngang hàng với nghề dạy học. Vậy mà, có Nhà giáo ưu tú, hay Nghệ sĩ nhân dân trong lĩnh vực văn hoá, nhưng hiện nay chưa có một văn bản pháp lý nào công nhận hoặc phong danh hiệu cao quý đối với những HLV lập thành tích đặc biệt xuất sắc. Vì vậy, cần bổ sung ngay một quyết định về vấn đề này để đảm bảo công bằng cho các HLV, đồng thời đây cũng là nguồn động viên, động lực thúc đẩy cho các HLV tiếp tục phấn đấu cho sự nghiệp TDTT của nước nhà.
Nguồn: Tạp chí Thể thao