Phần 1: Lý luận huấn luyện nhóm môn - một bước tiến mới của lý luận huấn luyện thể thao
1. Ứng dụng lý luận huấn luyện nhóm môn trong xây dựng chiến luợc phát triển thể thao thành tích cao
Thực tiễn thể thao thành tích cao trong và ngoài nước trong những năm qua cho thấy: Bất cứ một quốc gia nào, hoặc một tỉnh, thành phố nào, khi xây dựng chiến lược phát triển thể thao thành tích cao đều phải coi trọng việc xác định chính xác các môn thể thao mũi nhọn, môn thể thao trọng điểm. Lý luận huấn luyện nhóm môn có tác dụng hỗ trợ rất lớn tới quá trình xác định này.
Trước hết, phải tiến hành phân tích nhóm môn đối với các môn thể thao có trình độ phát triển khác nhau để giúp chúng ta nắm được thực trạng phát triển của các môn thể thao trên bình diện vĩ mô. Trên cơ sở đó, phân tích một cách khoa học từ các góc độ xã hội học, điều kiện địa lý, di truyền học và học thuyết huấn luyện… đối với các nguyên nhân tạo nên sự khác biệt về trình độ thể thao của các loại môn và nhóm môn.
Từ sự hình dung và đánh giá tổng quan có thể xác định ra các môn trong cùng nhóm môn tạm thời ở trình độ kém hơn. Song nếu môn thể thao tạm thời đó nằm trong nhóm môn phát triển đã đạt trình độ cao rồi thì các huấn luyện viên, VĐV có thể dựa vào kinh nghiệm huấn luyện thành công của các môn cùng nhóm môn đó. Vì vậy, trong một thời gian nhất định, môn thể thao đó sẽ có thể phát triển và nâng cao theo kịp trình độ các môn thể thao cùng nhóm môn.
Ở nước ta, các nhóm môn thể năng chủ đạo mang tính sức mạnh tốc độ, sức nhanh và sức bền như đẩy tạ, nhảy cao nữ, chạy ngắn, bơi cự ly ngắn, chạy cự ly trung bình và dài đều đang có xu hướng phát triển từ môn thể thao quan trọng trở thành các môn mũi nhọn…
Thực tế cho thấy, mỗi tỉnh, thành và vùng miền đều có những điều kiện sống, thói quen sinh hoạt, truyền thống phát triển các môn thể thao khác nhau. Vì vậy, muốn xây dựng được chiến lược dài hơn trong việc phát triển các môn thể thao càng cần dựa vào lý luận huấn luyện nhóm môn để làm chỗ dựa về lý luận cho quá trình xây dựng. Nói cách khác là có thể dựa vào những môn thể thao truyền thống, có thế mạnh của mình để phát triển các môn thể thao cùng nhóm môn. Ví dụ: một vùng, miền hoặc tỉnh, thành nào đó có truyền thống môn bơi thì có thể phát triển kèm theo các môn đua thuyền hoặc lặn, nếu có truyền thống về môn vật thì có thể phát triển kèm theo môn judo… Còn nếu địa phương có truyền thống về môn bóng bàn có thể phát triển kèm theo các môn tenis hoặc cầu lông… để có thể lợi dụng kinh nghiệm trong huấn luyện các môn có thế mạnh đó cho các môn thể thao cùng nhóm.
2. Ứng dụng lý luận huấn luyện nhóm môn trong quản lý vĩ mô đối với các môn thể thao thành tích cao
Lý luận huấn luyện nhóm môn trên thực tế là chiếc cầu nối giữa lý luận huấn luyện chung với lý luận huấn luyện chuyên sâu từng môn nên về trình tự lý luận huấn luyện nhóm môn nằm ở vị trí thứ hai sau lý luận huấn luyện chung. Điều này cũng giúp cho cấu trúc nội bộ của ba loại nhóm môn lớn (loại thể năng làm chủ thể, loại kỹ năng làm chủ thể và loại đối kháng đọ, đấu) được phân loại và xây dựng hệ thống nhóm môn có trật tự và sự gắn kết các môn trong nhóm môn một cách chặt chẽ hơn. Từ đó tạo ra khả năng mới nâng cao hiệu quả công tác quản lý vĩ mô của các nhà lãnh đạo, quản lý thể thao thành tích cao ở các cấp. Ví dụ, các cơ quan thể dục thể thao các cấp có thể thực hiện quản lý phân nhóm với các môn thể thao theo nhóm môn, như vậy sẽ có lợi cho việc phối hợp nhịp nhàng mối quan hệ thống nhất giữa công tác quản lý với công tác tổ chức huấn luyện.
3. Ứng dụng lý luận nhóm môn để thăm dò khám phá các quy luật huấn luyện của các môn cùng nhóm
Nếu đem so sánh với hệ thống lý luận hai tầng là lý luận huấn luyện chung và lý luận huấn luyện chuyên sâu vẫn thường sử dụng trước đây thì việc xây dựng một tầng trung gian trong hệ thống lý luận huấn luyện sẽ tạo ra điều kiện tiên quyết và cực kỳ quan trọng cho chúng ta nghiên cứu khám phá các quy luật huấn luyện bên trong các quần thể nhóm môn có cùng đặc điểm. Điều này thể hiện ở các mặt sau:
Thứ nhất là trong hệ thống lý luận huấn luyện chung, nhà nghiên cứu thông thường khó có thể chú ý tới việc khám phá ra các quy luật huấn luyện của một tổ hợp môn trong hàng loạt các môn thể thao. Song thông qua lý luận huấn luyện nhóm môn để nghiên cứu lại hoàn toàn có thể thực hiện được.
Thứ hai là việc xây dựng lý luận huấn luyện chuyên sâu mà chỉ dựa vào thực tiễn hoạt động huấn luyện của một môn làm cơ sở thì khó có thể khái quát và kiểm định được tính hợp lý và các quy luật mang tính phổ biến của hệ thống lý luận huấn luyện chuyên sâu. Song nếu dựa vào lý luận huấn luyện nhóm môn để nghiên cứu thì lại có ưu thế rõ rệt để thực hiện được điều này.
Thứ ba là do tính đa dạng của sự phát triển ở các môn thể thao và đặc điểm tính tổng hợp của một số môn thể thao cơ bản như điền kinh, bơi lội, nếu chỉ lấy đơn vị là các môn thể thao được lịch sử hình thành để nhận thức các quy luật huấn luyện thể thao thì đương nhiên sẽ thiếu tính sát thực và chịu sự giới hạn cục bộ rất lớn.
Trong thực tiễn huấn luyện thể thao, ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy huấn luyện sức mạnh trong các môn ném đẩy hay huấn luyện sức bền ở các môn sức bền ở những môn có chu kỳ như chạy cự ly trung bình và dài, bơi cự ly trung bình và dài, trượt băng tốc độ, đua xe đạp, chèo thuyền…đều phải tuân thủ cùng một quy luật. Điều đó cho thấy sự ra đời của hệ thống lý luận huấn luyện nhóm môn sẽ giúp người nghiên cứu trên một chừng mực nào đó tháo gỡ được sự trói buộc của giới hạn các môn thể thao khác nhau, tạo ra khả năng nghiên cứu thăm dò các quy luật huấn luyện nhiều môn thuộc cùng nhóm môn.
Các kết quả nghiên cứu về nhóm môn “đối kháng đọ, đấu” các học giả của Liên Xô, Hungari trước đây và Hàn Quốc, Trung Quốc dùng khái niệm “phòng vệ” để gộp hai nội dung “phòng thủ” và “bảo vệ mình” trong thi đấu của các VĐV. Đồng thời các học giả ở các nước trên cũng đã nghiên cứu tầm quan trọng của phòng thủ và phương pháp huấn luyện nâng cao khả năng phòng thủ cho VĐV nhóm môn đối kháng đọ, đấu.
Về các môn thể thao loại hình thể năng chủ đạo mang tính sức bền như chạy, bơi cự ly trung bình và dài, đua xe đạp, chèo thuyền cự ly dài… các học giả như Điền Mạch Cửu, Hình Văn Hoa… đã nghiên cứu ý nghĩa của các năng lực đua tốc độ của các VĐV nhóm môn tính sức bền có chu kỳ đối với trình độ năng lực thể thao của vận đông viên. Qua quá trình nghiên cứu, các học giả này đã xây dựng nên mô hình mối quan hệ giữa cự ly chính với các cự ly phụ ở các VĐV chạy cự ly trung bình dài và trượt băng tốc độ xuất sắc của thế giới.
Các nghiên cứu đối với nhóm môn kỹ năng tính biểu hiện khó, đẹp, Trương Hồng Hán và cộng sự (1988) đã nghiên cứu đặc trưng tâm lý của 3 nữ VĐV xuất sắc có trình độ thế giới như Cao Mẫn, Hứa Diêm Mai, Trần Thuý Hưởng… Kết quả nghiên cứu về 3 phẩm chất dũng cảm, mẫn cảm và phẩm chất ý chí cho thấy: Đã có đặc trưng định hướng tâm lý ở thời kỳ sớm (trước thời kỳ thành thục). Về tính ổn định tình cảm, tự đánh giá và tính tự giác, kỷ luật đều có xu hướng phát triển sớm hơn trẻ bình thường. Mặt khác, qua thực nghiệm của học giả này còn cho thấy tính thử nghiệm, tính độc lập và tính quan tâm tới chuyện riêng… lại chậm phát triển hơn so với trẻ bình thường. Nghiên cứu này còn tiến thêm một bước xác định nguyên nhân và biện pháp khắc phục các khuynh hướng tâm lý xấu cho nữ VĐV nhóm môn thể năng tính biểu hiện khó, đẹp đã đạt trình độ xuất sắc này.
4. Ứng dụng lý luận huấn luyện nhóm môn trong lưu chuyển nhân tài thể thao thành tích cao
Những năm gần đây, các huấn luyện viên và các nhà khoa học đã rất coi trọng công tác tuyển chọn khoa học VĐV các môn thể thao. Cũng qua thực tiễn huấn luyện thể thao cho thấy nhiều VĐV xuất sắc lại được tuyển chọn ở những môn thể thao kề cận (cùng nhóm môn). Ví dụ: nhiều VĐV đua thuyền được chọn từ VĐV bơi lội, hoặc VĐV nhảy cầu được chọn từ VĐV thể dục dụng cụ... Đặc biệt là khi một số môn thể thao mới được hình thành và bắt đầu xây dựng đội tuyển thì hiện tượng này càng rõ nét. Ví như đội bóng nước ở Việt Nam phần lớn được hình thành từ VĐV ở các môn bơi, bóng rổ…. Đội tuyển lặn ở Việt Nam cũng được hình thành từ các VĐV bơi… Đối với huấn luyện viên cũng có sự lưu động tương tự. Ví dụ, huấn luyện viên hoặc giáo viên Tennis ở nước ta có nhiều người được chuyển từ cầu lông sang, hoặc huấn luyện viên lặn được chuyển từ môn bơi….
Nghiên cứu về hiện tượng lưu chuyển nhân tài thể thao của học giả Vương Đại Vệ (Trung Quốc) cho thấy số người chuyển môn trong cùng nhóm môn nhiều hơn chuyển môn sang nhóm môn khác.
Những thực tế và kết quả nghiên cứu trên cho thấy nếu các huấn luyện viên, VĐV tìm hiểu sâu về lý luận huấn luyện nhóm môn sẽ có thể nâng cao hiệu suất lưu chuyển nhân tài, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả chung của công tác đào tạo nhân tài thể thao thành tích cao cho địa phương và cho Quốc gia.
5. Ứng dụng lý luận huấn luyện nhóm môn để sáng tạo và phát triển phương pháp huấn luyện thể thao
Trong quá trính phát triển của các môn thể thao thành tích cao, tất cả không thể ở vào trạng thái hoàn toàn đóng kín mà ngược lại luôn mở cửa giao lưu với bên ngoài. Trong quá trình giao lưu đó tất sẽ phải tiếp thu những lý luận kỹ thuật và phương pháp thích hợp với mình. Đồng thời cũng sẽ không ngừng đem lý luận khoa học, kỹ xảo và phương pháp có hiệu quả của mình truyền sang các môn khác.
Lịch sử và kinh nghiệm thể thao trong và ngoài nước đều cho thấy sự giao lưu này chủ yếu phát sinh giữa các môn trong cùng nhóm môn. Sự mở rộng và phổ biến của phương pháp nghỉ giữa quãng là một ví dụ hết sức thuyệt phục.
Cuối những năm 40 của thế kỷ 20, huấn luyện viên chạy cự ly trung bình là ông Caislo và bác sỹ Arinđơn căn cứ vào kinh nghiệm thực tiễn huấn luyện của các vận đông viên: Hapico (Đức), Zatôpech (Tiệp Khắc) va Lâyphu (Đan Mạch)… xây dựng nên lý luận kinh điển của phương pháp huấn luyện nghỉ giữa quãng. Đầu những năm 60 của thế kỷ 20, vợ chồng huấn luyện viên bơi Klaiơn (Úc) vì đã ứng dụng lý luận và phương pháp huấn luyện nghỉ giữa quãng này đã đem lại thành công lẫy lừng cho đội bơi Úc. Sau đó lý luận và phương pháp huấn luyện nghỉ giữa quãng được ứng dụng rộng rãi trong huấn luyện VĐV các môn có chu kỳ như trượt băng tốc độ, đua xe đạp, đua thuyền,…
Một ví dụ khác, phương pháp tập luyện sức mạnh trong môn đẩy tạ như gánh tạ đứng lên ngồi xuống, nằm ngửa đẩy tạ, đẩy tạ hết sức… đã được ứng dụng rộng rãi trong huấn luyện sức mạnh của các môn thể thao thể năng làm chủ, thể năng tính sức mạnh tốc độ như các môn ném tạ, đĩa, lao, các môn nhảy cao, nhảy xa, nhảy 3 bước….
Hoặc như phương pháp huấn luyện sử dụng dây đai bảo hiểm trong môn thể dục dụng cụ đã được ứng dụng trong huấn luyện nhảy cầu. Phương pháp huấn luyện nhiều bóng trong môn bóng bàn đã được ứng dụng vào việc phát triển kỹ thuật phát bóng và đỡ bóng trong bóng chuyền và cầu lông….
Tuy vậy, các nhà lý luận huấn luyện cũng đã chỉ ra rằng những ứng dụng các phương pháp huấn luyện của môn thể thao này sang môn thể thao khác trước khi lý luận huấn luyện nhóm môn được xây dựng thì đó mới chỉ là các hành động tự phát và việc ứng dụng cũng diễn ra rất chậm chạp. Song từ khi lý luận nhóm môn ra đời đã làm tăng nhịp độ ứng dụng phương pháp huấn luyện kỹ thuật của các môn trong cùng nhóm môn tăng lên đáng kể. Ví dụ:
- Các môn trong nhóm môn thể thao đối kháng cách lưới như tennis, cầu lông, bóng chuyền, đã lấy phát bóng biến đổi điểm rơi, độ xoáy tốc độ… tối đa và hiệu lực tối đa để ứng dụng vào phát bóng môn của mình.
- Môn thể thao đua tốc độ như trượt băng, trượt tuyết, đua xe đạp trên sân lòng chảo… đều có thể lấy phương pháp huấn luyện và chiến thuật thi đấu của môn chạy cự ly trung bình để tham khảo.
- Một số môn thể thao mang tính biểu hiện độ khó, đẹp; do việc đánh giá thành tích thể thao bằng việc chấm điểm nên không thể tránh khỏi tính chủ quan. Song biểu điểm và phương pháp chấm điểm của môn Wushu đã là một gợi ý cho việc hoàn thiện luật thi đấu thể thao ở nhóm môn thể thao này.
Tóm lại, các ứng dụng lý luận huấn luyện nhóm môn trên đã mở ra triển vọng tốt đẹp cho việc phát triển lý luận và chỉ đạo thực tiễn huấn luyện thể thao các môn thể thao thành tích cao trong hiện tại và tương lai.
Nguồn: Tạp Chí Thể thao