Trên thực tế, Đề cương Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 đã được phê duyệt từ năm 2008 và trải qua nhiều cuộc họp, bàn thảo nhằm lấy ý kiến của các Nhà quản lý, các chuyên gia, cán bộ lâu năm trong ngành TDTT. Tuy nhiên, với mong muốn hoàn thiện hơn nữa Chiến lược này để trình lên các cấp có thẩm quyền, Hội thảo đóng góp ý kiến cho Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 đã được tổ chức trọng thể tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình vào đầu tháng 9/2009 và tiếp tục được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chỉ rõ, Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam thuộc loại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian dài. Chiến lược này xác định rõ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển; cơ cấu các lĩnh vực, các vùng, thể chế quản lý và các chính sách lớn, các nội dung và giải pháp chủ yếu. Qua tham khảo, tìm hiểu tại các quốc gia phát triển, chiến lược thường được xác định trong thời gian từ 20 - 50 năm nhưng trong điều kiện hiện nay, chiến lược phát triển TDTT Việt Nam chỉ xác định trong thời gian 11 năm (2009 - 2020).
Với bản dự thảo dày hơn 60 trang, Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 đã cho thấy một bức tranh tổng quát về thể thao thành tích cao, TDTT quần chúng, thể thao trường học... với những kết quả dự báo hết sức khả quan. Trong 10 năm tới, khi nền kinh tế của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng ổn định và không ngừng lớn mạnh; văn hoá và xã hội gắn với phát triển kinh tế có chuyển biến tốt, đời sống nhân dân được cải thiện... mặt bằng chung của TDTT Việt Nam chắc chắn cũng theo đó đạt được những bước tiến mới. Những con số đề ra trong Chiến lược được coi là mục tiêu khả thi mà TDTT Việt Nam sẽ đạt được.
Về thể thao thành tích cao, với việc tăng cường đầu tư cho các tuyến đào tạo VĐV tại địa phương, không ngừng tuyển chọn bổ sung nhân tố mới cho đội tuyển quốc gia, mục tiêu cụ thể là: Năm 2010 (ASIAD 16 tại Quảng Châu- Trung Quốc) phấn đấu từ vị trí 14-12; Năm 2012 - Đại hội Thể thao Olympic lần thứ 30 tại London- Anh, phấn đấu có khoảng 30 VĐV lọt qua các cuộc thi vòng loại và phấn đấu có huy chương; Năm 2014 (ASIAD 17 tại Hàn Quốc), phấn đấu vị trí 13-12; Năm 2016 - Đại hội Thể thao Olympic lần thứ 31, phấn đấu có huy chương; Năm 2018 (ASIAD 18), phấn đấu đạt vị trí 12-11 và tại các kỳ SEA Games 26 - 29, TTVN phấn đấu giữ vững vị trí thứ 3 toàn đoàn.
Về TDTT quần chúng, phấn đấu số người tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên đến năm 2015 đạt tỷ lệ 28% dân số và năm 2020 đạt 33%. Số gia đình thể thao đến năm 2015 đạt 22% số hộ gia đình và năm 2020 đạt 25%.
Về TDTT trong lực lượng vũ trang: phấn đấu số cán bộ chiến sĩ thường xuyên rèn luyện thân thể đến năm 2020 đạt 100%, số cán bộ, chiến sĩ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực theo từng quân, binh chủng đến năm 2015 đạt 100%.
Có thể nói, sau hơn 20 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trên các mặt: văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị, du lịch... Đặc biệt, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X đã định hướng toàn diện công việc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Đại hội cũng đã đưa ra Nghị quyết về quan điểm, đường lối phát triển TDTT trong những năm tới. Vì vậy, việc xây dựng chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 không chỉ phù hợp với tinh thần của Nghị quyết mà góp phần đưa TDTT Việt Nam tránh tụt hậu so với quốc tế, tiếp tục hội nhập với phong trào Olympic.
Theo TDTT VN