Thật tuyệt vời và tất cả những điều này đều có thể tìm thấy sự tương đồng ở Việt Nam, vì rõ ràng không có dân tộc nào trên thế giới sẽ trở thành lớn mạnh nếu họ không biết yêu quý, tôn thờ đất nước mình. Chính tình yêu nước được đặt lên vị trí cao nhất trong mọi thứ tình cảm của con người và giúp cho họ làm nên những chiến công phi thường. Sinh thời, khi ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã đọc lại bài viết này và giảng cho các chiến sỹ bảo vệ Người cùng hiểu, thấm thoắt đã hơn nửa thế kỷ qua, chỉ riêng những lời Người răn dạy các cán bộ văn hoá và TDTT, những người chiến sỹ trên mặt trận này cũng luôn gợi cho chúng ta niềm hứng khởi mới khi nghĩ đến ngày mai...
Quá khứ như cuốn phim chầm chậm hiện về, lời Bác Hồ như vẫn còn đâu đây.
Trước hết là lời khẳng định, là tuyên ngôn dành cho tuổi trẻ Việt Nam mà Bác đã cố gắng thi vị hoá ở tầm vĩ mô để trở thành kim chỉ nam cho mọi hành xử của tất cả chúng ta:
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên
Người ta nhắc nhiều đến “Ngục trung nhật ký”, nói đến những bài học mà Bác đã viết ngay khi bị giam cầm nơi xứ người. Đầu tiên là lòng yêu nước, là khái niệm có tính chất bao trùm đối với nhân sinh quan của nhà cách mạng Việt Nam, khi vừa ra tù đã tập leo núi để sẵn sàng vào cuộc chiến đấu mới:
Núi ấp ôm mây mây ôm núi
Dòng sông gương sáng bụi không mờ
Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh
Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa
Bác Hồ nhìn cái gì cũng thấy tấm gương rèn luyện đạo đức cho cháu con. Chính điều này làm các nhà quản lý thể thao phải tự bảo mình làm sao biến những lời dạy bảo ấy thành bài học cụ thể cho cán bộ, huấn luyện viên và vận động viên hôm nay, khi ta luôn thấy điều chưa hài lòng ở đâu đó mà chưa có cách tháo gỡ cho cơ bản.
Có phải ai cũng tự xác định được, ở đời cứ phải rèn luyện, phải nghiêm khắc tự khép vào khuôn khổ mới có thể thành người? Thấy cái cối giã gạo, Bác ngâm ngợi:
Gạo đem vào giã bao đau đớn
Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông
Sống ở trên đời, người cũng vậy
Gian nan rèn luyện mới thành công
Chả thế mà sau này, khi chấp bút “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”, Người đã hạ câu kết thúc thấm đậm tình người. Đó là lời tâm huyết: Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập. Người làm thể thao cũng như ngành nghề khác, đôi khi họ gặp phải những cảnh huống éo le và nếu thiếu sự tỉnh táo để phân tích e sẽ chẳng thể làm nên trò trống gì. Đó là câu thơ về thú chơi cờ người mà sinh thời Bác được xem là một kỳ thủ có hạng:
Lạc bước, hai xe đành chịu lép
Gặp thời, một tốt cũng thành công
Nói về Bác thật vô cùng, không sao kể xiết. Sinh thời, Bác hay khuyến khích chúng ta nên cố gắng tự lực cánh sinh, không ỷ lại. Trên chiến khu, khi Bác gầy gò đau ốm mà sáng sớm vẫn tập thể dục, tập quyền cước cùng anh em ở cơ quan trung ương, có người xin Bác giảm bớt cường độ tập luyện nhưng Bác không nghe, Người nói:
-Thế này đã thấm gì với những gian nan khi chịu tù đày, phải rèn luyện nữa...
Có lần đi công tác gặp lũ lớn, bảo vệ Bác lúc ấy là đồng chí Phùng Thế Tài đã đề nghị được cõng Bác qua lũ song Bác kiên quyết từ chối, tự mình lao xuống dòng lũ toan vượt qua, không may bị lũ cuốn trôi khiến đồng chí Phùng Thế Tài phải phóng ra dòng nước đưa Bác vào bờ, sau này vị Tư lệnh Phòng không không quân họ Phùng đã xem đây là bài học quan trọng để gửi lại cho giới TDTT quân đội và cho nhiều ngành khác. Sinh thời, Bác không ưa hình thức, lại thích cụ thể, có chuyện vui thế này. Cố GS Nguyễn Xiển kể lại rằng khi Bác đến sân Hàng Đẫy, Hà Nội xem trận đấu giao hữu giữa Thể Công và Cuba, đúng vào thời kỳ giặc Mỹ đánh phá ra miền Bắc, quân và dân cầu Hàm Rồng kiên cường khiến chúng không sao ném bom trúng. Thấy Thể Công đã bí về chiến thuật, Bác cười nói với Đại tướng Văn Tiến Dũng ngồi bên:
-Cái anh Thể Công này cứ như máy bay Mỹ, ném bom trượt hết!
Đã qua đi cả thế kỷ từ ngày Bác mãi mãi ra đi. Cùng cả nước, ngành Văn hoá-Thể thao-Du lịch đã và đang tiếp tục thực hiện cuộc vận động lớn, để sống và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại. Nhiều cái đã mạnh dạn làm, không ít điều vẫn còn đọng lại chưa làm được, có những cái vẫn còn mang tính hình thức mà ít tính cụ thể. Việc học và làm theo lời Bác cũng rất cần sự công bằng trong bản thân cuộc vận động lớn, rất cần có tổng kết rút kinh nghiệm và đánh giá cho đúng để biến thành hành động cụ thể.
Ngày khai mạc Đại hội TDTT toàn quốc năm 1960, khi được mời đá quả bóng danh dự trên sân, Bác không đá về khung thành nào mà đá vào khu vực khán đài B và tươi cười giải thích:
-Bác mong các chú trọng tài và cán bộ TDTT hãy công tâm trong công việc.
Hôm nay nhớ Bác, chúng ta ghi nhớ lời dạy về lòng yêu nước và về lối hành xử công tâm của Người. Bài học yêu nước, thương dân của Bác là bài học lớn nhất mà mọi thế hệ Việt Nam sẽ phải noi theo.
Theo Báo Đại đoàn kết