Ở Việt Nam hiện nay có hàng trăm môn và phân môn thể thao được phổ biến để mọi người lựa chọn làm phương tiện giáo dục thể chất cho bản thân mình và nhiều người lựa chọn môn thể thao phù hợp với khả năng (năng khiếu, ham thích và điều kiện) của mình để hành nghề. Việc tổ chức thi đấu thể thao do các chủ thể là nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp về thể thao, các tổ chức ngoài công lập và tư nhân tổ chức.
Thi đấu thể thao là hoạt động đặc thù, đặc trưng nổi bật nhất của thể thao. Thi đấu thể thao được tuân thủ theo một quy tắc chặt chẽ thường gọi là luật thi đấu thể thao. Luật thi đấu thể thao được quy định cho từng môn thể thao, mỗi môn thể thao có luật thi đấu riêng được xây dựng công phu, khoa học, qua thực tiễn kiểm nghiệm áp dụng thí điểm rồi mới phổ biến rộng rãi và được cơ quan có thẩm quyền của mỗi quốc gia quyết định áp dụng đối với các môn thể thao đã được các tổ chức thể thao quốc tế công nhận hoặc ban hành đối với các môn thể thao dân tộc của quốc gia mình.
Ở Việt Nam hiện nay có hàng trăm môn và phân môn thể thao được phổ biến để mọi người lựa chọn làm phương tiện giáo dục thể chất cho bản thân mình và nhiều người lựa chọn môn thể thao phù hợp với khả năng (năng khiếu, ham thích và điều kiện) của mình để hành nghề. Việc tổ chức thi đấu thể thao do các chủ thể là nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp về thể thao, các tổ chức ngoài công lập và tư nhân tổ chức. Bởi vậy, công tác quản lý nhà nước về kiểm tra, đánh giá thi đấu thể thao là nội dung rất quan trọng được quy định tại khoản 3 điều 6 Luật Thể dục, thể thao.
Thi đấu thể thao được cấu thành bởi các yếu tố cơ bản là con ngưòi bao gồm vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài, thầy thuốc và nhân viên phục vụ, khán giả; là điều kiện đảm bảo bao gồm kinh phí tổ chức, sân bãi dụng cụ, trang thiết bị thi đấu; trình tự thủ tục tiến hành thi đấu thể thao. Quản lý nhà nước về kiểm tra, đánh giá thi đấu thể thao chính là ban hành các tiêu chí để đánh giá thi đấu thể thao và hướng dẫn, tiến hành việc kiểm tra, đánh giá theo các tiêu chí đã ban hành.
Xác định nội dung kiểm tra, đánh giá thi đấu thể thao.
Căn cứ đối tượng tham gia thi đấu mà xác định tính chất của giải thi đấu thể thao đó là thi đấu thể thao quần chúng hay thi đấu thể thao thành tích cao; thi đấu thể thao chuyên nghiệp? Để có cơ sở kiểm tra, đánh giá thi đấu thể thao phải xác định, ban hành được tiêu chí đánh giá chung thống nhất cho từng loại giải thi đấu thể thao này. Tiêu chí đánh giá bao gồm hệ thống những chỉ số phản ánh được quy mô, tính chất, thể hiện được bản chất của thi đấu thể thao. Những tiêu chí cần được lựa chọn ban hành để kiểm tra, đánh giá đó là: Tiêu chí kiểm tra, đánh giá thi đấu thể thao quần chúng; Tiêu chí kiểm tra, đánh giá thi đấu thể thao thành tích cao; Tiêu chí kiểm tra, đánh giá thi đấu thể thao chuyên nghiệp.
Tiêu chí kiểm tra, đánh giá thi đấu thể thao quần chúng thông qua số lượng cuộc thi? Trong đó số lượng cuộc thi cho từng đối tượng quần chúng như cuộc thi cho các nhóm tuổi; cuộc thi cho đối tượng là người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; cuộc thi cho đối tượng là nông dân, công nhân… Quy mô cuộc thi cấp xã phường thị trấn, cơ quan doanh nghiệp tổ chức; cấp huyện; cấp tỉnh; cấp ngành; toàn quốc? Chất lượng cuộc thi: Đối với thi đấu thể thao quần chúng chỉ số về số người tham gia thi đấu; số người tham gia cổ vũ cho thi đấu có ý nghĩa rất lớn. Điều kiện đảm bảo: Kinh phí tổ chức là bao nhiêu? Nguồn từ đâu? Cơ sở vật chất sân bãi trang thiết bị thi đấu? Tuân thủ trình tự, thủ tục tiến hành thi đấu thể thao quần chúng?
Tiêu chí kiểm tra, đánh giá thi đấu thể thao thành tích cao đối với hoạt động thi đấu thể thao được tổ chức tại Việt Nam là số lượng giải theo quy mô tổ chức bao gồm giải do cấp tỉnh, cấp quốc gia tổ chức? giải thi đấu thể thao quốc tế tổ chức tại Việt Nam (do Việt Nam tổ chức hoặc do Việt Nam đăng cai)? Theo tính chất bao gồm Giải vô địch, giải trẻ và giải thể thao thành tích cao khác?
Đó còn là số lượng VĐV tham dự mỗi giải? Trong đó phân loại trình độ dự giải bao gồm số lượng VĐV đạt đẳng cấp gì của Việt Nam? thế giới? Số lượng huấn luyện viên? trình độ? Số lượng trọng tài? trình độ đẳng cấp? Số lượng thầy thuốc phục vụ các đội thể thao dự giải? trình độ? Cơ sở vật chất sân bãi đạt chuẩn là bao nhiêu? môn nào? giải nào chưa đủ cơ sở vật chất chuẩn? Kinh phí tổ chức giải là bao nhiêu? nguồn kinh phí từ đâu? Số lượng khán giả đến xem thi đấu từng giải, trận đấu có bán vé? không bán vé? Lực lượng công an, bảo vệ, quân đội (nếu có) số lượng bao nhiêu cho từng giải? Tuân thủ trình tự, thủ tục tiến hành tổ chức thi đấu?
Còn đối với thi đấu thể thao tổ chức ở nước ngoài, tiêu chí kiểm tra, đánh giá gồm: Số lượng giải thi đấu mà Việt Nam tham gia? Trong đó bao gồm giải Đại hội Olympic, Châu Á, Đông Nam Á, các giải vô địch quốc tế khác; Số lượng VĐV tham gia thi đấu? Số trọng tài tham gia điều khiển các trận đấu? Số lượng quan chức của Việt Nam tham gia điều hành giải? Kinh phí dự giải? nguồn chi từ ngân sách? tổ chức và cá nhân đài thọ?
Tiêu chí kiểm tra, đánh giá thi đấu thể thao chuyên nghiệp gồm: Số lượng giải thi đấu? do ai tổ chức ? quy mô? Số lượng VĐV? trong đó VĐV chuyên nghiệp là bao nhiêu? VĐV nước ngoài thi đấu tại giải? trình độ đẳng cấp? Số lượng huấn luyện viên? trình độ bằng cấp, chứng chỉ? Số lượng trọng tài? trình độ đẳng cấp? Số lượng thầy thuốc phục vụ các đội thể thao dự giải? trình độ? Cơ sở vật chất sân bãi đạt chuẩn là bao nhiêu? môn nào? giải nào, trận nào chưa đủ cơ sở vật chất chuẩn? Kinh phí tổ chức giải là bao nhiêu? nguồn kinh phí từ đâu? Tổng số thu? nguồn thu từ quảng cáo, bán vé, hỗ trợ, tài trợ ?... Số lượng khán giả đến xem thi đấu từng giải, trận đấu có bán vé? không bán vé? Lực lượng công an, bảo vệ, quân đội (nếu có) số lượng bao nhiêu cho từng cuộc? Ban tổ chức giải đấu: Chuyên nghiệp? bán chuyên nghiệp? Tuân thủ trình tự, thủ tục tiến hành tổ chức thi đấu? Số lượng VĐV chuyên nghiệp tham dự các giải thể thao chuyên nghiệp ở nước ngoài? Số lượng trọng tài làm việc tại các giải thể thao chuyên nghiệp ở nước ngoài?
Phương pháp tiến hành kiểm tra, đánh giá thi đấu thể thao
Việc tiến hành kiểm tra thi đấu thể thao nhằm mục đích đánh giá công tác tổ chức thi đấu thể thao đã đạt được yêu cầu đề ra hay chưa, trên cơ sở phân tích đánh giá thực tiễn công tác này giúp cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao hoạch định chính sách, định hướng cho thi đấu thể thao phát triển; giúp các tổ chức xã hội- nghề nghiệp về thể thao và các tổ chức, cá nhân tổ chức các giải thi đấu thể thao đạt hiệu quả cao hơn. Vì vậy, tuỳ theo yêu cầu của mỗi chủ thể mà việc kiểm tra, đánh giá có sự lựa chọn phương pháp tiến hành phù hợp.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước về TDTT việc đánh giá công tác thi đấu thể thao phải tiến hành định kỳ theo quy định về đánh giá tổng kết kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của nhà nước, cụ thể là theo tháng, quý, năm, 5 năm hoặc báo cáo đánh giá đột xuất như quy định hiện hành. Bởi vậy việc kiểm tra phải được tiến hành theo định kỳ hoặc đột xuất để có số liệu báo cáo đánh giá sát thực. Nội dung kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về TDTT ở trung ương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành quy định này để hướng dẫn các địa phương thống nhất việc kiểm tra đánh giá thi đấu thể thao trong toàn quốc.
Có thể nói, theo Luật Thể dục, Thể thao thì việc kiểm tra, đánh giá thi đấu thể thao quần chúng phải được tiến hành kiểm tra, đánh giá từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh và toàn quốc, vì thi đấu thể thao quần chúng được diễn ra ở mọi cấp , mọi nơi cho hầu hết các đối tượng trừ vận động viên đang dự giải thể thao thành tích cao và chuyên nghiệp. Kiểm tra đánh giá thi đấu thể thao thành tích cao được tiến hành ở cấp tỉnh và toàn quốc, bởi vì các giải thể thao thành tích cao là các giải thi đấu vô địch từng môn thể thao của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; giải thi đấu vô địch quốc gia, giải trẻ quốc gia hàng năm từng môn thể thao; Đại hội thể dục thể thao toàn quốc và các giải vô địch tùng môn thể thao, Đại hội thể thao khu vực, châu lục, thế giới tổ chức tại Việt Nam. Kiểm tra, đánh giá thi đấu thể thao chuyên nghiệp cũng chủ yếu ở cấp tỉnh và toàn quốc.
Đối với các tổ chức xã hội (Uỷ ban Olympic Việt Nam) tổ chức xã hội – nghề nghiệp về thể thao (các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia và địa phương) việc kiểm tra, đánh giá thi đấu thể thao theo yêu cầu báo cáo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; kiểm tra, đánh giá phục vụ cho việc điều hành của chính bản thân tổ chức ấy.
Việc áp dụng các phương pháp kiểm tra như theo dõi, quan sát, ghi âm, ghi hình, nghe báo cáo, toạ đàm trao đổi... tuỳ thuộc vào tình hình cụ thể mà áp dụng để thu thập được thông tin chính xác đáng tin cậy.
Việc áp dụng các phương pháp đánh giá như thống kê, phân tích, so sánh, tổng hợp, ý kiến chuyên gia... dựa trên các báo cáo, kết quả kiểm tra, điều tra xã hội học đều có thể, căn cứ vào điều kiện về con người và phương tiện kỹ thuật hiện có mà tiến hành để đạt được kết quả đáng tin cậy nhất.
Theo TDTT VN