Vai trò của công tác tuyển chọn và đào tạo vận động viên trẻ trong hệ thống đào tạo Vận động viên hiện nay

Đăng ngày: 9/7/2012 12:00:00 AM - Lượt xem 22018

Do vậy, nếu tuyển chọn không tốt sẽ dẫn đến tuyển sai và đào tạo sai đối tượng gây tốn kém trong đào tạo; tuyển chọn không tốt cũng sẽ dẫn đến việc đào thải không chính xác, làm mất đi cơ hội phát triển nhân tài. Như vậy dẫn đến hiệu quả đào tạo thấp... Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi đi sâu phân tích vai trò của công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV trẻ trong hệ thống đào tạo VĐV hiện nay.

Tổ chức huấn luyện là khâu then chốt của quá trình đào tạo VĐV trẻ, nội dung chủ yếu là huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, thể lực và tâm lý. Nếu tổ chức tốt quá trình này sẽ tạo điều kiện vững chắc cho quá trình huấn luyện nâng cao và VĐV sẽ nhanh chóng phát huy tối ưu khả năng vốn có của bản thân để sẵn sàng đạt thành tích cao. Ngược lại, quá trình tổ chức huấn luyện không tốt, thiếu khoa học sẽ gây cản trở rất lớn cho quá trình huấn luyện nâng cao, thậm chí làm mất đi cơ hội giành thành tích cao của VĐV.

Những yếu tố gây cản trở quá trình huấn luyện nâng cao

Huấn luyện kỹ thuật  động tác sai sẽ hình thành kỹ xảo sai lệch cho VĐV, như vậy hiệu quả thi đấu không đạt tối ưu, quá trình huấn luyện nâng cao tốn nhiều thời gian để sửa chữa, khắc phục sai lầm làm ảnh hưởng tới kế hoạch chung của đội tuyển thể thao…

Huấn luyện chiến thuật sai sẽ tạo cho VĐV thiếu chủ động sáng tạo, thiếu tự tin và tính quyết đoán trong tập luyện và thi đấu, hạn chế thành tích thi đấu của VĐV.

Huấn luyện thể lực không đúng phương hướng sẽ dẫn đến những hậu quả sau: Nếu tập luyện quá sức làm cho VĐV suy giảm khả năng hoạt động thể lực, thậm chí suy nhược cơ thể dẫn đến những bệnh lý rất nguy hiểm cho VĐV như bệnh lao lực do tập luyện quá sức trong thời gian dài, bệnh thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm do VĐV phải khắc phục trọng lượng phụ quá cao và ở tư thế sai…

Tập luyện chưa tới ngưỡng hoặc chưa vượt ngưỡng sẽ không khai thác hết tiềm năng của VĐV (không có tác dụng phát triển thể lực cho người tập), như vậy thành tích thể thao không được nâng cao.

Tập luyện không tuân thủ các nguyên tắc huấn luyện và không vận dụng các cơ chế thích nghi sẽ thường xuyên tạo nên những động tác mới lạ làm cho cơ thể VĐV không kịp thích nghi mà thường xuyên xảy ra phản ứng xấu, như vậy thành tích sẽ không được nâng cao. Nhưng nếu tập thường xuyên một nội dung và phương pháp trong thời gian kéo dài sẽ hình thành hàng rào thành tích (hay còn gọi là hàng rào tốc độ hoặc sức ỳ) cho VĐV, như vậy thành tích của VĐV cũng bị hạn chế, phải tốn rất nhiều thời gian mới có thể xóa bỏ được hàng rào đó và nhiều cơ hội đạt thành tích thể thao cao bị bỏ lỡ.

Tổ chức quản lý là quá trình duy trì và phát huy những thành quả của quá trình huấn luyện và tuyển chọn đạt được. Nếu tổ chức quản lý không đúng phương pháp sẽ tạo cho VĐV có điều kiện sống buông thả, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, sa đà vào các tệ nạn xã hội… làm mất đi những phẩm chất cao quý và làm giảm khả năng tập luyện và thi đấu.

Tất cả những tác động xấu trong quá trình đào tạo VĐV trẻ sẽ gây lên những ảnh hưởng tiêu cực cho lực lượng hậu bị và làm cho thể thao thành tích cao thiếu hụt lực lượng VĐV trẻ kế cận hoặc lực lượng kế cận không đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn huấn luyện nâng cao.

Các tác nhân cơ bản ảnh hưởng tới chất lượng tuyển chọn và đào tạo VĐV trẻ

Quá trình tuyển chọn và đào tạo VĐV thông thường có 4 giai đoạn có tầm quan trọng như nhau, trong đó đào tạo VĐV trẻ chiếm tới 3 giai đoạn đó là: Giai đoạn huấn luyện ban đầu, giai đoạn huấn luyện chuyên môn hóa ban đầu và giai đoạn huấn luyện chuyên môn hóa sâu

Đây là quá trình phát hiện và khai thác tối ưu tiềm năng vốn có của VĐV. Quá trình này thường được tổ chức rất công phu và khoa học nhằm tuyển chọn và bồi dưỡng có hiệu quả nhất những VĐV trẻ có triển vọng đạt thành tích thể thao cao.

Ở Việt Nam hiện nay, bước đầu đã hình thành hệ thống đào tạo VĐV tương đối hợp lý, những mô hình từ tuyến đào tạo VĐV năng khiếu thể thao đến tuyến đào tạo VĐV thành tích cao, từ các câu lạc bộ cấp xã, huyện đến các trung tâm đào tạo cấp tỉnh và quốc gia, từ đào tạo bán chuyên nghiệp đến chuyên nghiệp ở từng môn thể thao… Tuy nhiên, quá trình tổ chức đào tạo còn nhiều bất cập dẫn đến hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân phần lớn là do cán bộ, HLV còn thiếu tri thức khoa học trong công tác huấn luyện, không phân biệt được ranh giới và tỷ lệ phù hợp giữa các nội dung huấn luyện ở các thời kỳ huấn luyện, hầu hết theo kinh nghiệm mà không có căn cứ khoa học. Đây là vấn đề đáng băn khoăn trong quá trình đào tạo trẻ ở nước ta hiện nay.

Quá trình đào tạo VĐV trẻ thường từ 7-10 năm tùy thuộc vào từng môn thể thao, từ tuổi nhi đồng đến hết tuổi thiếu niên.

Dưới góc độ sinh lý thì đây là giai đoạn mà cơ thể, các cơ quan chức năng sinh lý của VĐV đang trong thời kỳ phát triển và dần hoàn thiện, do vậy việc tác động bằng lượng vận động tập luyện cũng cần đặc  biệt lưu ý để không gây những ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất của trẻ mà vẫn tạo nên sự phát triển thành tích tối ưu.

Dưới góc độ tâm lý thì đây là thời kỳ hình thành nhân cách của trẻ nên những tác động tâm lý quá mức hoặc lệch lạc sẽ gây những ảnh hưởng không tốt đến nhân cách của trẻ. Trong huấn luyện thể thao, việc khắc phục những lượng vận động cao cũng đem lại sự căng thẳng rất lớn đối với trẻ. Có thể khẳng định rằng, thể thao là hoạt động có tác động nhiều nhất đối với sự phát triển tâm lý của trẻ em và thanh niên. Đặc trưng chung đối với vận động viên trẻ là phát triển mạnh mẽ sự tự ý thức, xu hướng tự giáo dục, rèn luyện những phẩm chất nhân cách quý báu như: ý chí, đạo đức, lòng dũng cảm, say mê tập luyện, tinh thần đoàn kết tập thể…

Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ đặt ra trong quá trình tuyển chọn và đào tạo VĐV trẻ đòi hỏi người huấn luyện viên phải có kiến thức sâu rộng. Huấn luyện viên vừa phải là nhà chuyên môn giỏi, vừa là nhà sư phạm mẫu mực, vừa là nhà tâm lý đồng thời là một bác sỹ, nhà quản lý và nhà xã hội học. Những phẩm chất này thường thấy ở các huấn luyện viên ở các nước có nền thể thao phát triển. Ở nước ta hiện nay, hầu hết các huấn luyện viên chỉ quan tâm đến huấn luyện các năng lực vận động cho VĐV trẻ mà quên đi các mặt giáo dục và rèn luyện khác cho họ. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiệu quả đào tạo VĐV trẻ ở nước ta trong những năm qua chưa cao.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV trẻ

Ở các nước có nền thể thao phát triển mạnh như: Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Đức và Mỹ… từ lâu đã có sự quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo VĐV trẻ. Trong số các quốc gia này cần phải kể đến Liên Xô (cũ) do nhận thức được vai trò quan trọng đặc biệt của công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV trẻ, các nhà khoa học của các quốc gia này đã tích cực nghiên cứu trong nhiều năm nhằm tìm ra những phương pháp, phương tiện và biện pháp phù hợp để không ngừng hoàn thiện hệ thống chương trình tuyển chọn và huấn luyện VĐV trẻ.

Vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước, các nhà khoa học Liên Xô đã tìm ra được đặc điểm và phương pháp đánh giá các tố chất thể lực ở VĐV trẻ. Vào những năm 60, tập trung chủ yếu vào nghiên cứu phương pháp, phương tiện huấn luyện thể lực cho VĐV trẻ và các vấn đề về tuyển chọn VĐV. Những năm 70 đã hình thành được những nguyên lý cơ bản của lý luận và phương pháp thể thao trẻ, hoàn thiện hệ thống quản lý đào tạo lực lượng hậu bị thể thao. Những năm 80, đã tổ chức nhiều hội nghị khoa học quan trọng bàn về công tác đào tạo VĐV trẻ.

Ngày nay, vấn đề tuyển chọn lực lượng VĐV hậu bị được hầu hết các quốc gia trên thế giới quan tâm đầu tư, nhưng hiệu quả đào tạo lại phụ thuộc rất nhiều vào nền khoa học kỹ thuật thể thao của mỗi quốc gia. Vì vậy, nhất thiết phải có sự can thiệp tích cực của khoa học và công nghệ vào công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV ở nước ta hiện nay, nếu không chúng ta sẽ không thể tiếp cận được với trình độ thể thao châu lục và thế giới.

Qua những phân tích trên cho thấy, quá trình tổ chức tuyển chọn và đào tạo VĐV trẻ đóng vai trò quan trọng đặc biệt đối với thể thao thành tích cao.  Làm tốt công tác này sẽ giúp thể thao Việt Nam có được lực lượng kế cận hùng hậu bổ sung kịp thời cho tuyến trên, đồng thời đây cũng là tiền đề vững chắc cho giai đoạn huấn luyện nâng cao. Nhờ đó mà thành tích thể thao của nước nhà được duy trì và ngày càng phát triển.

Nguồn: Tạp chí thể thao

 

Face BSC -Banner phải 1 Quảng cáo - Banner phải 2
Banner phải - phía dưới Mail công vụ Phần mềm QLVB

Liên kết website

Banner phải - phía dưới - UBND BT