Sự thông minh, sáng tạo trong phương pháp huấn luyện, trong
việc lựa chọn bài tập, trong công tác tuyển chọn vận động viên, trong chỉ đạo
thi đấu... cùng với việc thị phạm động tác chuẩn xác là những yếu tố không thể
thiếu để tạo nên một huấn luyện viên giỏi trong công tác huấn luyện thể thao
thành tích cao.
Huấn luyện viên cần có chuyên môn giỏi, phẩm chất
tốt
Điều kiện đầu tiên của một huấn luyện viên thể thao là phải có trình
độ giỏi chuyên môn (cả về thực hành cũng như lý thuyết) về môn thể thao mà mình
huấn luyện. Bởi vì trong quá trình giảng dạy và huấn luyện, đòi hỏi người huấn
luyện viên phải thị phạm kỹ thuật động tác với các tư thế một cách chuẩn xác để
vận động viên học (bắt chước làm theo). Huấn luyện viên là hình ảnh sống mô phạm
để vận động viên lấy đó làm chuẩn mực hình thành kỹ năng động tác cho mình (thầy
nào trò nấy). Thành tích thể thao mà huấn luyện viên đạt được cũng có ý nghĩa
rất quan trọng ảnh hưởng đến uy tín của mình, vì trên một chừng mực nhất định,
đó có thể là mục tiêu phấn đấu của vận động viên.
Trong quá trình huấn luyện, ngoài năng lực về chuyên môn, huấn luyện
viên còn phải được trang bị kiến thức về phương pháp huấn luyện, soạn thảo kế
hoạch, chương trình, giáo án huấn luyện, kiến thức về tâm sinh lí các lứa tuổi
để phục vụ cho công tác huấn luyện thể thao của mình. Đặc biệt, huấn luyện viên
phải là người nhạy cảm trong chỉ đạo đấu pháp thi đấu để nhanh chóng thay đối
chiến thuật khi phát hiện thấy không hiệu quả hay bị đối phương “bắt bài”... Nhờ
có chuyên môn giỏi nên mỗi khi vận động viên mắc sai lầm trong thực hiện động
tác, huấn luyện viên sẽ như một “bác sĩ” chữa bệnh, biết được căn nguyên gây
“bệnh” để tìm bài thuốc có hiện quả cho vận động
viên.
Bên cạnh về năng lực chuyên môn, huấn luyện viên còn phải là tấm
gương về đạo đức và lối sống để vận động viên noi theo. Mọi biểu hiện về đạo đức
lối sống của huấn luyện viên đều đập vào mắt của vận động viên. Vì vậy, đòi hỏi
người huấn luyện viên phải luôn tu dưỡng và phấn đấu không ngừng để giáo dục vận
động viên có tinh thần tập thể, kính thầy yêu bạn, tập luyện và thi đấu hết mình
vì danh dự của Tổ quốc. Chính vì vậy, chắc chắn huấn luyện viên phải là người
vừa có chuyên môn giỏi, vừa có phẩm chất đạo đức tốt “đỏ thắm chuyên
sâu”.
Huấn luyện viên vừa là thầy, vừa là cha, là anh, là bạn của
VĐV
Huấn luyện viên đương nhiên là người thầy về kỹ chiến thuật của vận
động viên, nhằm không ngừng trang bị, bổ sung cho vận động viên hoàn thiện kỹ
năng, kỹ xảo về môn thể thao mà họ theo đuổi. Trên cơ sở đó, vận động viên không
ngừng tập luyện để nâng cao thành tích của mình nhằm mục đích vươn tới đỉnh
cao.
Trong nhiều trường hợp, huấn luyện viên lại làm người cha tinh thần
đối với vận động viên, xem vận động viên như đứa con của mình, lo từng giấc ngủ,
từng bữa ăn, lo cho sức khoẻ cùng với những nhu cầu về tinh thần của mỗi vận
động viên để họ có đầy đủ sức khoẻ bảo đảm tập luyện và thi đấu đạt hiệu quả cao
nhất. Làm tốt điều này cũng có nghĩa huấn luyện viên đã trở thành chỗ dựa về
tinh thần khi vận động viên phải xa gia đình suốt quá trình tập trung huấn
luyện, thi đấu.
Trong thời gian dài luôn di chuyển, vận động viên (nhất là lứa tuổi
nhỏ) rất cần tình cảm thân mật, gần gũi của mọi người thân. Hơn lúc nào hết,
huấn luyện viên sẽ đóng vai trò như một người anh, người chị, luôn đi sát bên họ
để an ủi, động viên, khích lệ, vỗ về, nhằm tạo nên một tình cảm thân thương để
vận động viên vượt qua những khó khăn khi ở xa, thiếu thốn tình cảm của cha mẹ,
anh chị em ruột thịt.
Có những việc mà vận động không biết chia sẻ với ai, nhất là những
khi thất bại hay gặp những trắc trở trong tập luyện cũng như cuộc sống; lúc đó
huấn luyện viên chính là người bạn để trao đổi tâm tư tình cảm, chia sẻ, khơi
dậy những trăn trở để vận động viên cảm thấy được gần gũi mà thổ lộ những điều
khó nói. Qua đó, huấn luyện viên nắm bắt được những suy nghĩ của vận động viên
mà có phương pháp giúp đỡ, động viên họ vươn lên hoàn thành nhiệm
vụ.
Có rất nhiều huấn luyện viên và vận động viên gắn bó với nhau hàng
chục năm trời, vì vậy, thành tích của vận động viên phụ thuộc rất nhiều vào huấn
luyện viên. Huấn luyện viên cần tạo nên một tình cảm, gần gũi, tôn trọng, thương
yêu nhau để trên cơ sở đó vận động viên có chỗ dựa về tinh thần mà phấn đấu hết
mình trong tập luyện và thi đấu để đạt thành tích cao
nhất.
Thực trạng công tác đào tạo huấn luyện viên hiện
nay
Trước đây, huấn luyện viên các môn thể thao ở nước ta chủ yếu lấy từ
hai nguồn: từ những vận động viên hết tuổi thi đấu do thiếu huấn luyện viên nên
họ được chuyển ngang sang làm công tác huấn luyện và những sinh viên tốt nghiệp
các trường đại học và cao đẳng TDTT. Cả hai lực lượng này đều có những ưu nhược
điểm riêng. Những vận động viên hết tuổi thi đấu tuy có chuyên môn giỏi nhưng họ
lại chưa được học tập những kiến thức rất quan trọng của chương trình đại học mà
mỗi huấn luyện viên cần được trang bị. Vì vậy, khi huấn luyện họ chỉ thực hiện
theo cảm tính mà không có bài bản, phương pháp huấn luyện khoa học, cho nên sử
dụng các bài tập, khối lượng, cường độ không phù hợp làm ảnh hưởng đến kết quả
huấn luyện. Đối với những học sinh tốt nghiệp đại học, rất ít người trong số họ
xuất phát là vận động viên, cho nên trong quá trình huấn luyện, việc lựa chọn
bài tập là một trong những khó khăn lớn trong công tác chuyên môn. Cho nên giáo
án của họ thường nghèo nàn trong việc đưa ra các bài tập nhằm củng cố và nâng
cao thành tích cho vận động viên.
Hiện nay, rất nhiều vận động viên sau khi giải nghệ đã không ngừng
học tập để trở thành những huấn luyện viên giỏi cả về lý thuyết và thực hành.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận đó là việc học văn hoá hiện nay cho
vận động viên chưa được quan tâm, hầu hết chỉ là học cho xong chứ không phải học
để trang bị kiến thức. Điều này dẫn đến tình trạng trình độ văn hoá của vận động
viện nước ta hiện nay còn thấp. Vì vậy, khi họ trở thành huấn luyện viên, việc
tiếp thu phương pháp huấn luyện hiện đại gặp rất nhiều khó khăn. Họ không có đủ
trình độ ngoại ngữ, tin học để cập nhật thông tin (trừ một số ít tự học). Cho
nên, việc tự nâng cao trình độ cho mình của mỗi huấn luyện viên gặp muôn vàn khó
khăn, dẫn đến mặt bằng trình độ của huấn luyện viên Việt Nam hiện nay còn thấp
so với quốc tế.
Để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về thể thao thành tích
cao, thiết nghĩ chúng ta rất cần quan tâm đến công tác đào tạo và bồi dưỡng đội
ngũ huấn luyện viên cho các môn thể thao, nhất là các môn thể thao trọng điểm ở
các địa phương. Mà điều đặc biệt quan tâm là huấn luyện viên cho lớp vận động
viên trẻ để ngay từ đầu đã trang bị cho các em kỹ thuật cơ bản chuẩn xác nhất để
làm cơ sở nâng cao thành tích sau này.
Một số giải pháp về đào tạo huấn luyện
viên
Từ những thực trạng trên, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp về
đào tạo huấn luyện viên như sau: Trước hết, cần quy
hoạch lại hệ thống đào tạo VĐV để quy hoạch hệ thống HLV phù hợp. Bồi dưỡng đội
ngũ HLV hiện có theo chuyên đề nhằm bổ sung kiến thức toàn diện cho họ như
phương pháp huấn luyện, phương pháp tuyển chọn VĐV, phương pháp soạn kế hoạch,
chương trình huấn luyện, kiến thức về y
học...
Cần có kế hoạch quy hoạch đào tạo đội ngũ HLV
hàng năm tại các trường đại học TDTT, hay từng cụm trọng điểm; Tổng cục TDTT
giao chỉ tiêu đào tạo hệ đại học huấn luyện viên (như trước đây đã làm) cho
những VĐV hết tuổi thi đấu để đạo tạo họ trở thành những huấn luyện viên có
trình độ. Làm tốt điều này có 2 ý nghĩa lớn, đó là vừa tạo điều kiện cho vận
động viên sau khi nghỉ thi đấu có công ăn việc làm, vừa tránh được điều tiếng
“vắt chanh bỏ vỏ” lâu nay thường bị dư luận lên án, đàm
tiếu.
Bên cạnh đó, cần tìm tòi phát hiện những
người có năng khiếu và trình độ trong công tác huấn luyện để gửi đi bồi dưỡng và
đào tạo ở nước ngoài nhằm hình thành một đội ngũ HLV có trình độ quốc tế phục vụ
cho chương trình quốc gia lâu dài.
Nguồn:
Tạp chí Thể thao